Bình Định: Mưa lũ khiến một công nhân tử vong
Ảnh hưởng thời tiết trong 24 giờ qua, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Kết hợp nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt trên địa bàn huyện Tuy Phước khiến một công nhân bị nước cuốn trôi đã dẫn đến tử vong.
Tình hình mưa lũ đã khiến chị H.N.H.O (sinh năm 2004), ở thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc khi đi làm từ Phú Tài về lội qua tràn đường ĐH42 thì bị nước cuốn trôi. Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 16/11, lực lượng cứu hộ tổ chức tìm kiếm và đến 9 giờ 30 phút sáng 17/11 đã vớt được xác, sau đó bàn giao cho gia đình để mai táng. Sau khi hay tin, lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, các ngành và chính quyền địa phương đã đến nhà thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thiệt hại.
Sáng ngày 17/11, trên địa bàn huyện Tuy Phước có 12.487 học sinh nghỉ học ở các điểm trường mầm non, tiểu học bị cô lập do nước lũ. Hiện trên địa bàn huyện không có mưa và nước lũ đang rút chậm. Các tràn đường trên tuyến đường ĐT640 đi Phước Hòa, Phước Thắng bị ngập sâu từ 0,4-:-0,6m, tràn đường ĐH42 Phước Nghĩa đi Phước Hiệp bị ngập sâu từ 0,6-:-0,8m nước chảy xiết.
Mực nước lũ trên sông Kôn tại đập Thạnh Hòa lúc 9 giờ 30 phút: 7.23m trên báo động II: 0,23 m. Mực nước lũ trên sông Hà Thanh tại cầu Diêu Trì lúc 9 giờ 30 phút: 4.84m trên báo động II: 0,34 m. Hiện các địa phương đã cử lực lượng chốt trực không cho người dân qua lại.
Thực hiện Công điện 04/CĐ-PCTT hồi 14 giờ 45 phút ngày 16/11/2023 của Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định điện, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện đã ký và ban hành Công điện 03/CĐ-PCTT ngày 16/11/2023 để chỉ đạo thủ trưởng các ngành và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các xã, thị trấn tập trung chủ động ứng phó mưa, lũ trên địa bàn.
Trong đó, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiếp tục chỉ đạo, huy động lực lượng tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, chủ động sơ tán, di dời ngay người và phương tiện (bao gồm cả các hộ dân và các cơ quan, đơn vị) ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn. Đặc biệt là tại khu vực bị ngập sâu, ven sông, ven đầm, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường học bị nước lũ gây cô lập chủ động cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh; chỉ đạo các trường học kiểm tra kê cao các trang thiết bị và dụng cụ dạy học tại những khu vực bị ảnh hưởng do mưa, lũ.
Đồng thời tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-dinh-mua-lu-khien-mot-cong-nhan-tu-vong-post783085.html