Bình Định phát triển đô thị khoa học

Thành phố khoa học là một khái niệm mới được đề cập ở nước ta trong những năm gần đây. Mặc dù khái niệm 'thành phố khoa học' đã được nêu rõ trong Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, thế nhưng đến nay chưa có cơ chế đầu tư, xây dựng, quản lý khu đô thị khoa học để tạo tiền đề cho việc phát triển các thành phố tri thức.

Giáo sư Trần Thanh Vân, Giáo sư Đàm Thanh Sơn, Giáo sư Jerome Friedman (Nobel Vật lý năm 1990) chia sẻ cùng các học sinh. (Ảnh Trung tâm ICISE)

Giáo sư Trần Thanh Vân, Giáo sư Đàm Thanh Sơn, Giáo sư Jerome Friedman (Nobel Vật lý năm 1990) chia sẻ cùng các học sinh. (Ảnh Trung tâm ICISE)

Bài 1: Những bước ban đầu

Khu đô thị khoa học Quy Hòa với trọng tâm là Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định là mô hình mới ở nước ta. Mục tiêu của khu đô thị là hướng đến phát triển Quy Nhơn thành một thành phố khoa học của Việt Nam, nơi giao lưu của các nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, đây còn là nơi phát huy chất xám trong nghiên cứu khoa học, gắn kết giữa đào tạo nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất, thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy khoa học, giáo dục.

Từ ý tưởng của “người phu lát đường” ...

Năm 2008, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học quốc tế, đứng đầu là Giáo sư Trần Thanh Vân (Việt kiều Pháp), Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) đã được xây dựng tại tỉnh Bình Định và khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 12/8/2013.

Sự ra đời của trung tâm khoa học quốc tế đầu tiên tại Việt Nam được đánh dấu bằng Hội nghị “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” trong “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX” với sự tham dự của năm giáo sư đoạt giải Nobel, một giáo sư đoạt giải Fields (được xem là Nobel Toán học) và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.

Qua hơn 10 năm, Trung tâm ICISE đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Bình Định đánh giá rất cao. Các sự kiện khoa học được tổ chức tại Trung tâm ICISE đã quy tụ hàng nghìn nhà khoa học hàng đầu thế giới về Bình Định, mang đến Việt Nam luồng sinh khí mới trong lĩnh vực khoa học.

Giáo sư Trần Thanh Vân, người luôn nhận mình là “người phu lát đường” cho biết, Trung tâm ICISE hướng đến các phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, tìm kiếm học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu sau tiến sĩ ở nước ngoài, qua đó tạo điều kiện để thiết lập các hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các nhóm khoa học trong nước và quốc tế.

Trung tâm ICISE ra đời với mục đích trở thành nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ nâng cao trình độ hiểu biết thông qua việc tham dự các cuộc gặp và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao.

Trung tâm ICISE đã, đang và sẽ trở thành điểm đến của khoa học, không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Đông Nam Á, và sẽ là điểm gặp gỡ, giao lưu học thuật theo chuẩn quốc tế, góp phần kết nối các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học trên thế giới.

Hiện nay, Đề án phát triển “Khu đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã xây dựng và đang được triển khai nhằm đưa Quy Nhơn trở thành khu đô thị đa chức năng đầu tiên của cả nước. Nằm trong khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn với tổng diện tích 242 ha, công trình được chia thành bốn khu chức năng gồm:

Khu Nghiên cứu và phổ biến khoa học có diện tích 50 ha, gồm có Trung tâm ICISE, khu tổ hợp không gian khoa học, viện nghiên cứu khoa học cơ bản quốc tế Quy Nhơn, khu đào tạo chất lượng cao; Khu Thung lũng sáng tạo có diện tích 77 ha, bao gồm các công viên phần mềm, các công ty sản xuất và cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin trong và ngoài nước, làng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Khu Đô thị khoa học có diện tích 107 ha, bao gồm khu dân cư và các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu nhà ở cho chuyên gia và người lao động làm việc tại đây; Khu Thương mại dịch vụ có diện tích 8 ha, là nơi xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ phục vụ nhu cầu của cư dân thuộc Khu Đô thị.

Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Huyện, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định nhận định, với dự án có tính chất tạo động lực cốt lõi này, thành phố Quy Nhơn hứa hẹn sẽ trở thành một khu đô thị đa chức năng, giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của miền trung-Tây Nguyên và cả nước; một thành phố khoa học hàng đầu của Việt Nam, nơi giao lưu của các nhà khoa học danh tiếng thế giới.

Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (thuộc ICISE) là mô hình viện nghiên cứu tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, trở thành nơi hội tụ của những “hạt giống” ngành Vật lý năng lượng cao cùng với dự án Tổ hợp không gian khoa học. Hiện, đây là nơi được Công ty TMA Solutions chọn để phát triển thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu phần mềm hàng đầu Việt Nam, trong khi Tập đoàn FPT mong muốn đưa Bình Định trở thành cái nôi của ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

... Đến nơi gặp gỡ của khoa học

Từ khi hoạt động đến nay, Trung tâm ICISE đã tổ chức gần 200 sự kiện khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 trường học khoa học chuyên đề với hơn 12.000 nhà khoa học đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đánh giá, Bình Định hoàn toàn có khả năng phát triển Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam. Bệ phóng để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu là Trung tâm ICISE và Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo. Hơn nữa, Bình Định có nhiều trường đại học gồm: Đại học Quy Nhơn, Đại học Quang Trung, Đại học FPT...

Đây là những cơ sở đào tạo tốt về nghiên cứu khoa học cơ bản, công nghệ thông tin (IT, IoT, Blockchain, BigData...). Với nguồn nhân lực tại chỗ như vậy, đây là cơ sở để tỉnh mời gọi các doanh nghiệp công nghệ, viện nghiên cứu về Quy Hòa để xây dựng nơi này thành khu đô thị khoa học, và sau đó mở rộng ra là thành phố Quy Nhơn. Khu đô thị khoa học Quy Hòa là mô hình sáng tạo mới của tỉnh Bình Định, có tính đặc thù riêng, chưa có tiền lệ, mục đích của mô hình này hoạt động chủ yếu phục vụ cho nghiên cứu khoa học và cũng là nơi giao lưu của khoa học Việt Nam với thế giới.

Hiện nay, những công ty phần mềm như FPT Software và TMA Solutions đã đặt trụ sở và xây dựng các công viên phần mềm tại khu vực Quy Hòa. Việc tiếp tục phát huy vai trò của Trung tâm ICISE, Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IIRSE) với hai nhóm nghiên cứu khoa học cơ bản là nhóm Vật lý lý thuyết và nhóm Neutrino sẽ là nền móng cho một trung tâm nghiên cứu mang tầm cỡ quốc tế về sau.

Ngoài ra, Khu đô thị khoa học thành phố Quy Nhơn hướng đến là nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập với cộng đồng khoa học quốc tế. Dự kiến trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành điểm đến của các nhà khoa học, là điểm sáng không chỉ của Việt Nam, mà còn của các nước trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế trong một số lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản.

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm ICISE, thông qua trung tâm, rất nhiều nhà khoa học gốc Việt trên thế giới đã trở về đất nước để đóng góp công sức, trí tuệ. Qua đó, họ đã nhận đào tạo, giúp đỡ hàng trăm sinh viên Việt Nam được sang nước ngoài học tập, theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế đỉnh cao, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam còn tổ chức các buổi thuyết trình khoa học đại chúng dành cho học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học.

Các buổi giao lưu trực tuyến hoặc trực tiếp với các giáo sư đoạt giải Nobel và học sinh, sinh viên ưu tú Việt Nam đoạt giải Olympic quốc tế các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học... đã đưa khoa học đến với công chúng, khuyến khích tình yêu khoa học đối với học sinh, sinh viên, từ đó tạo động lực cho thế hệ trẻ lựa chọn theo con đường khoa học trong định hướng nghề nghiệp. Đây cũng là nền tảng để phát triển đội ngũ khoa học Việt Nam trong tương lai.

(Còn nữa)

Theo Baonhandan

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/binh-dinh-phat-trien-do-thi-khoa-hoc-196611.html