Bình Định: Tạm dừng thi công tôn tạo cụm tháp Bánh Ít

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định vừa có chỉ đạo tạm dừng thi công các công việc liên quan đến vùng bảo vệ vòng 1 di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Bánh Ít – khu vực cụm 4 tháp: tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Chính, tháp Bia và tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia để điều chỉnh thiết kế một số hạng mục liên quan.

Chiều 10-3, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chủ trì cuộc họp vào chiều cùng ngày với các sở, ngành, trong đó có Sở VH-TT tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh Bình Định liên quan đến vụ việc tại dự án thi công công trình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Bình Định) mà Báo SGGP và một số cơ quan báo chí đang phản ánh.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo tạm dừng thi công tại khu vực bảo vệ vòng 1 tháp Bánh Ít để tham vấn chuyên gia. Ảnh: T.T.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo tạm dừng thi công tại khu vực bảo vệ vòng 1 tháp Bánh Ít để tham vấn chuyên gia. Ảnh: T.T.

Nguồn tin cho biết, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định sau khi nghe chủ đầu tư là Sở VH-TT tỉnh Bình Định báo cáo, giải trình một số thông tin, nội dung liên quan đến dự án, đồng thời lắng nghe các ý kiến sở ngành thì đã có chỉ đạo ban đầu.

Cụ thể, ông Lâm Hải Giang chỉ đạo chủ đầu tư tạm dừng thi công các công việc liên quan đến các tháp, bao gồm: tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Chính, tháp Bia (cụm tháp Bánh Ít). Giao Sở VH-TT tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức tham vấn ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh thiết kế liên quan đến các tháp (bỏ xây bồn hoa sát chân tháp), lát nền xung quanh các tháp như thế nào (vật liệu, chiều dày, không làm ảnh hưởng đến các tháp)…

Đặc biệt, đề nghị chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu không thi công bằng cơ giới ở khu vực các tháp vùng bảo vệ vòng 1 di tích tháp Bánh Ít (không san gạt, đào bới…) như thông tin báo chí, dư luận trên mạng xã hội đã phản ánh thời gian gần đây.

Lãnh đạo UBND tỉnh này chỉ đạo tiếp tục thi công các hạng mục, như: khu chức năng (khu dịch vụ, đón tiếp, trưng bày, bảo vệ, vệ sinh), đường lên tháp chính phía nam, bãi đậu xe 1.100m². Thi công gọn, dứt điểm từng khu vực không tràn lan.

Cùng ngày, trao đổi với PV SGGP, ông Đinh Bá Hòa, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Chăm ở Bình Định cho rằng, các ngành chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn ý kiến chuyên gia di sản, tháp Chăm, khảo cổ để xác định hình thức thi công hiệu quả, vừa phát huy giá trị của vùng bảo vệ 1 di tích tháp Bánh Ít.

Trước đó, đơn vị thi công đưa máy múc lên đào bới, san bạt thi công tại khu vực gần tháp Cổng. Ảnh: P.HIẾU

Trước đó, đơn vị thi công đưa máy múc lên đào bới, san bạt thi công tại khu vực gần tháp Cổng. Ảnh: P.HIẾU

“Theo tôi, tại khu vực cụm tháp Bánh Ít thì không nên tôn tạo, tu bổ gì hết và không được bê tông hóa khu vực này, nên giữ nguyên trạng. Nếu tác động thì hết sức cẩn thận, làm thủ công. Ngoài ra, nếu đầu tư thì nên tập trung làm tại khu nhà chức năng để đón tiếp, phục vụ du khách, người dân”, ông Hòa nói.

Như Báo SGGP đã phản ánh, trước đó, một số người dân, du khách khi đến tham quan di tích cụm tháp Bánh Ít đều không khỏi lo ngại trước thực trạng xây dựng phản cảm, xâm hại tại khu tháp cổ gần 1.000 năm tuổi này.

Cụ thể, đơn vị thi công huy động máy móc đến cụm tháp để san bạt, đào bới thi công các hạng mục gần chân tháp. Ngoài ra, đơn vị thi công san bạt nhiều mảng cây xanh quanh khu vực tháp, lối lên tháp để làm mặt bằng phục vụ các công trình, hạng mục... trông rất phản cảm, nguy cơ xâm hại, làm biến dạng di tích này.

Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia di sản, tháp Chăm tại Bình Định và Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại trước cách thức thi công tại Dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Tháp Bánh Ít.

Dự án trên có tổng vốn đầu tư 25,6 tỷ đồng, được UBND tỉnh Bình Định ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư từ ngày 1-9-2021, giao Sở VH-TT tỉnh này làm chủ đầu tư.

Đây là dự án thuộc nhóm C, vốn Ngân sách Nhà nước do tỉnh Bình Định quản lý, bố trí cho dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2022.

Di tích Tháp Bánh Ít là công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Bình Định.

Năm 1982, công trình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và là công trình kiến trúc cổ của Việt Nam lọt vào cuốn sách "1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời" của nhóm tác giả người Anh.

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/binh-dinh-tam-dung-thi-cong-ton-tao-cum-thap-banh-it-798808.html