Bình Định: Tiếp sức huyện miền núi An Lão vươn lên thoát nghèo
Trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021 – 2025, tỉnh Bình Định đã đề ra nhiều nội dung quan trọng nhằm tiếp sức, hỗ trợ huyện An Lão vươn lên thoát nghèo.
An Lão là huyện nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021 – 2025 của tỉnh Bình Định.
Theo Quyết định số 353/2022/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, toàn quốc có 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh, 54 xã đặc biệt khó thuộc 12 tỉnh, trong đó Bình Định có 1 huyện nghèo là huyện An Lão.
Việc xác định huyện nghèo được dựa trên 4 tiêu chí theo Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; trình độ phát triển kinh tế, xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện; huyện thuộc khu vực miền núi, vùng cao, biên giới hoặc huyện thuộc các khu vực còn lại.
Huyện An Lão là huyện vùng cao của tỉnh Bình Định, trung tâm huyện cách đường Quốc lộ 1A 32km và cách thành phố Quy Nhơn 115km. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt cộng với giao thông trắc trở, đặc biệt người dân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số H’rê sản xuất theo kinh nghiệm, vì thế huyện gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển.
Từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo như: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tham gia phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí, học bổng, chi phí sinh hoạt học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhà ở… tỉnh Bình Định đã tập trung và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giảm nghèo tại các huyện, thị xã, thành phố. Quá trình triển khai thực hiện các dự án, các cấp, ngành của tỉnh Bình Định luôn quan tâm nhiều đến huyện An Lão.
Trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021 – 2025, tỉnh đã đề ra nhiều nội dung quan trọng nhằm tiếp sức, hỗ trợ huyện nghèo An Lão vươn lên. Cụ thể:
Tỉnh thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, thiết yếu trên địa bàn huyện (công trình đầu tư cấp huyện, liên xã) phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: công trình giao thông, cầu, hạ tầng điện phục vụ dân sinh, sản xuất; công trình giáo dục đạt chuẩn quốc gia; công trình y tế đạt chuẩn quốc gia; công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao; công trình xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội khác được đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc dân tộc, văn hóa, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của chương trình và quy định của pháp luật, ưu tiên công trình cho các cộng đồng nghèo, công trình có nhiều người nghèo, phụ nữ hưởng lợi.
Những công trình đầu tư này phải đảm bảo tính kết nối về giao thông, kinh tế, xã hội để hỗ trợ phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản liên xã, giữa xã với huyện hoặc kết nối huyện với các khu vực trung tâm, vùng động lực phát triển.
Đặc biệt, phải phục vụ trực tiếp cho sản xuất và dân sinh, đáp ứng nhu cầu của người dân hưởng lợi, ưu tiên các công trình có nhiều người hưởng lợi là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ. Hỗ trợ duy tu và bảo dưỡng các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn huyện nghèo.
Năm 2022, An Lão được UBND tỉnh phê duyệt danh mục hỗ trợ đầu tư 20 công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (với tổng kinh phí gần 62 tỷ đồng) và duy tu bảo dưỡng 2 công trình (hơn 1,7 tỷ đồng). Trong quá trình triển khai tiểu dự án cải thiện dinh dưỡng, Sở Y tế tỉnh Bình Định cũng đặt trọng tâm vào đối tượng trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú sinh sống trên địa bàn huyện.
Để giúp An Lão đạt được mục tiêu giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm 5%, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, Sở Du lịch, Sở Công Thương và UBND huyện tuyên truyền cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện biết về những mô hình giảm nghèo khả thi, hiệu quả.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định hỗ trợ giao dịch và kết nối việc làm cho người lao động sinh sống trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, UBND huyện An Lão còn được phân bổ 184 triệu đồng để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. UBND huyện đang tăng cường tuyên truyền đến người lao động những chính sách hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ tích cực kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các dự án giảm nghèo trên địa bàn để đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Riêng UBND huyện An Lão sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã bố trí cụ thể từng danh mục và thực hiện các hoạt động duy tu bảo dưỡng theo quy định… góp phần hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững mà tỉnh đã đặt ra.