Bình Định tìm thấy hầm chiến đấu và hài cốt liệt sĩ tại di tích Đồi 174
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định đã tìm được cổng vào một hầm chiến đấu tại Đồi 174 ở huyện Hoài Ân và phát hiện 1 hài cốt liệt sĩ ngay tại cửa hầm.
Ngày 12/4, trao đổi với PV Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Xuân Sơn - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định cho biết, tại Đồi 174 ở thôn Long Quang (xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân), các lực lượng chức năng đã tìm được cổng vào một hầm chiến đấu của quân ta và phát hiện 1 hài cốt liệt sĩ ngay tại cửa hầm.
Theo Đại tá Sơn, việc tìm kiếm được hầm chiến đấu và hài cốt liệt sĩ là nhờ nguồn tin từ cựu chiến binh của Sư đoàn 3 cung cấp. Trong quá trình chiến đấu tại Đồi 174, có 9 chiến sĩ của quân ta không kịp thoát ra ngoài và hy sinh trong hầm.
Cũng theo lãnh Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định, hầm này được lực lượng của ta đào sâu vào lòng núi theo kiểu dáng địa đạo với chiều dài khoảng từ 50 - 70m và có 3 cửa. Trong đó, có 1 cửa ở hướng Nam để quan sát được địa bàn Hoài Ân; cửa hướng Tây Bắc để quan sát huyện An Lão, và cửa hướng Đông Bắc để quan sát địa bàn Hoài Nhơn.
Hiện nay, cửa hầm đã mục nát, do nghi vấn về chất độc hóa học cũng như lượng bom mìn ở khu vực này nên Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng dừng tìm kiếm để gia cố lại cửa hầm cũng như xử lý bom mìn, chất độc hóa học; sau đó sẽ tiếp tục mở rộng tìm kiếm, quy tập.
Trong kháng chiến chống Mỹ, đồi 174 (còn được gọi là cao điểm 174 hoặc chốt 174) là một trong những chốt điểm có vị trí chiến lược quan trọng trên đường số 5 từ Bồng Sơn đi An Lão, cách sân bay Thiết Đính (Bồng Sơn) khoảng 6km về hướng Đông Nam.
Trận đánh chiếm Đồi 174 vào ngày 1/11/1972 của Sư đoàn 3 (Sư đoàn 3 Sao Vàng) là một trận thắng then chốt. Ngày 5/4/2017, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích chiến thắng Đồi 174.