Bình Định:Tín dụng chính sách góp phần thúc đẩy giảm nghèo bền vững

Nhờ các chương trình tín dụng chính sách, Bình Định 'tiếp sức' cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên, phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững.

Thời gian qua, các ngành, các cấp tỉnh Bình Định triển khai nhiều giải pháp trong giảm nghèo, đặc biệt thực hiện chương trình tín dụng chính sách tới với các hộ nghèo.

Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TU, ngày 9/3/2015 chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và các văn bản của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Nhờ vậy, trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) giải ngân vốn cho trường hợp khó khăn để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Ảnh:TD

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) giải ngân vốn cho trường hợp khó khăn để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Ảnh:TD

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định, đến ngày 31/7/2024, tổng nguồn vốn đạt 6.905 tỷ đồng, tăng 4.633 tỷ đồng so với năm 2014, tỉ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11,8%. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt 822 tỷ đồng, tăng 799 tỷ đồng, gấp 34,5 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, chiếm 11,7% tổng nguồn vốn.

Tín dụng chính sách giúp cho nhiều gia đình nghèo, cận nghèo ở Bình Định thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Ảnh:NN

Tín dụng chính sách giúp cho nhiều gia đình nghèo, cận nghèo ở Bình Định thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Ảnh:NN

Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn huy động được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, thể hiện rõ chủ trương "đa dạng hóa nguồn lực" với phương châm "Nhà nước, Doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm".

Đặc biệt, tín dụng chính sách xã hội được tập trung, phát huy hiệu quả đối với các đối tượng, các địa bàn thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia. Thông qua đó, đã tạo điều kiện cho gần 368 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 14.735 tỷ đồng; giúp hơn 65 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo.

Mô hình nuôi nhím của một trường hợp mãn hạn tù được vay vốn để sản xuất từ Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Mô hình nuôi nhím của một trường hợp mãn hạn tù được vay vốn để sản xuất từ Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Tín dụng chính sách góp phần tạo việc làm cho gần 96.000 lao động; gần 28.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 180.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn và gần 4.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (trong đó có hơn 1.600 căn cho vay nhà ở xã hội); 84 trường hợp chấp hành xong án phạt tù được vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng...

Nguyễn Thị Thu Dịu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-dinhtin-dung-chinh-sach-gop-phan-thuc-day-giam-ngheo-ben-vung-204240818202512737.htm