Bình Định: Vì sao Quy Nhơn thành 'điểm nóng' của các công trình trái phép?
Việc xây dựng sai phép, trái phép trên địa bàn thành phố Quy Nhơn vẫn diễn ra, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng quản lý ở một số nơi.
Cơ man công trình “mọc” trên đất cấm tại Quy Nhơn
Người dân sống quanh khu vực Suối Trầu tại tổ 49, khu vực 5, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn nhiều năm nay vẫn luôn đặt dấu hỏi về việc hàng loạt công trình trái phép, bị các ngành chức năng phát hiện, xử lý, nhưng vẫn tồn tại.
Người dân tại khu vực này cho hay, muốn xây nhà ở đây thì cứ rào chắn bao quanh khu đất thật kín, sau đó tiến hành xây bên trong, khi nào công trình hoàn thiện thì tháo lớp rào chắn bên ngoài.
Tại khu vực này, nhiều người sau khi "hô biến" các căn nhà của mình thành công thì vô tư rao bán, sang nhượng bằng giấy tờ viết tay.
Tại phường Ghềnh Ráng, phía thung lũng Quy Hòa có nhiều ngôi nhà được xây dựng lên như một khu dân cư nhỏ. Ngoài nhà mái tôn còn có những căn nhà xây dựng kiên cố, có cổng ngõ, tường rào bằng bê tông.
Người dân địa phương cho biết nguồn gốc đất tại khu vực này trước năm 1975 là đất lâm nghiệp. Sau đó, Nhà nước giao cho một số hộ dân ở khu vực 2 (phường Ghềnh Ráng) để thực hiện dự án trồng rừng phủ xanh đồi trọc. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sau đó có một số trang trại heo được dựng lên rồi dần dần biến tướng thành nhà ở.
Người dân địa phương cũng cho biết, đất ở khu vực này là đất trồng rừng, không được mua bán, xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại khu vực này có xảy ra tình trạng mua bán đất. Khu vực phía thung lũng Quy Hòa đã được quy hoạch làm dự án. Toàn bộ đất ở khu vực này đều nằm trong dự án khu tái định cư và đường hầm qua đèo Quy Hòa. Tuy nhiên, nhiều người thấy rẻ nên vào mua.
Tình trạng xây dựng nhà trái phép còn diễn ra phức tạp, tập trung ở các phường, xã có đất lâm nghiệp, nông nghiệp như Nhơn Phú, Nhơn Bình, Quang Trung, Ghềnh Ráng, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Hải...
Theo báo cáo của UBND TP. Quy Nhơn, trong năm 2022, có 567 trường hợp vi phạm về đất đai và xây dựng. Trong 3 tháng đầu năm 2023 có khoảng gần 80 trường hợp vi phạm. Đến thời điểm hiện tại, TP. Quy Nhơn đã tổ chức cưỡng chế 7 trường hợp vi phạm, số còn lại đang tiếp tục xử lý.
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết, trong danh sách phát hiện tình trạng lấn chiếm vi phạm đất đai, xây dựng trái phép trong năm 2022 do chính quyền các địa phương gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo cho UBND tỉnh Bình Định, TP. Quy Nhơn đang dẫn đầu.
Cách xử lý của chính quyền thiếu sự chủ động
Ngày 21/3, trước những diễn biến phức tạp về tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên địa bàn TP. Quy Nhơn mà báo chí đã phản ánh thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã có buổi làm việc với TP. Quy Nhơn về vấn đề này.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết việc nóng nhất hiện nay trên địa bàn TP. Quy Nhơn là tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép diễn ra ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, cách xử lý của chính quyền thiếu sự chủ động.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu TP. Quy Nhơn, trước hết phải tổng rà soát tất cả các trường hợp vi phạm, sau đó phân tích từng trường hợp rồi đưa ra phương án xử lý cụ thể. Những trường hợp có nhà, có đất mà lấn chiếm thì phải cưỡng chế trước, phải lên kế hoạch cụ thể, tuần này xử lý ở đâu, khu vực nào, vị trí đó đất gì, sử dụng, xây dựng sai ra sao.
Trong một cuộc họp mới đây, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng khẳng định, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép, kể cả đảng viên, cán bộ hưu trí: “Tất cả những ai xây nhà trái phép, lấn chiếm đất đai, mua bán trái phép sẽ xử lý kiên quyết, đặc biệt là cán bộ đảng viên. Tỉnh không bao giờ bao che chuyện đó. Không có ai chỉ đạo, nếu địa phương nào không xử lý sẽ chịu trách nhiệm. Cứ dưới đó cứ báo cáo lên, trường hợp nào sẽ xử lý trường hợp đó”.
Theo đại diện Sở Xây dựng Bình Định, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh được phân công, phân cấp cụ thể từ Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện theo quyết định năm 2021 của UBND tỉnh.
Để xảy ra lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền cấp xã, phường.
Trước đó, tại Văn bản số 7339, ngày 04/12/2022, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Quy Nhơn nói riêng; đưa công tác quản lý xây dựng, trật tự xây dựng đi vào nề nếp, tuân thủ đúng quy định của pháp luật;
UBND tỉnh Bình Định cũng từng có loạt văn bản chỉ đạo UBND TP. Quy Nhơn chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, gây bức xúc dư luận. Xem xét trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức, cá nhân buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để xảy ra vi phạm.
Thế nhưng, thời gian qua, UBND TP. Quy Nhơn thực hiện thiếu nghiêm túc, chưa quyết liệt, để tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình không phép, sai phép diễn ra phức tạp.
Hậu quả của việc buông lỏng quản lý trật tự xây dưng là các quy định về quản lý, xây dựng của Nhà nước không được thực hiện nghiêm túc, người dân bị thiệt hại tiền bạc, tài sản và dễ phát sinh “điểm nóng” về khiếu kiện đền bù, giải tỏa…