Bình Định: 'Vướng ở đâu - gỡ ở đó', quyết tâm đạt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trên 95%

Ông Lê Hoàng Nghi - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh tiếp tục xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm những tháng còn lại để đạt trên 95%, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỷ lệ giải ngân đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung

PV: Xin ông cho biết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tính đến nay, kết quả này có đảm bảo kế hoạch đề ra cả năm không?

Ông Lê Hoàng Nghi: Tính đến 8 tháng năm 2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 5.240,1 tỷ đồng. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (7.865,6 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 66,62%; so với kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao (9.467,6 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 55,35% kế hoạch vốn, cao hơn mức bình quân cả nước (37,01%).

So với cùng kỳ, giá trị giải ngân cao hơn 161,2 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân cao hơn 2,63%. Trong đó một số nguồn vốn lớn của tỉnh như: Nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh giá trị giải ngân là 3.865,734 tỷ đồng, đạt 52,14% kế hoạch vốn giao; nguồn vốn trung ương hỗ trợ theo mục tiêu giá trị giải ngân là 463,577 tỷ đồng, đạt 61,67% kế hoạch vốn giao; nguồn tăng thu năm 2022 giá trị giải ngân là 361,724 tỷ đồng, đạt 72,34% kế hoạch vốn giao; nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giá trị giải ngân là 211,110 tỷ đồng, đạt 53,79% kế hoạch vốn giao; vốn ODA giá trị giải ngân là 138,151 tỷ đồng, đạt 74,74% kế hoạch vốn giao.

Kết quả giải ngân 8 tháng của Bình Định là rất tốt, cao hơn nhiều mức giải ngân bình quân cả nước, được Trung ương ghi nhận (theo số liệu của Bộ Tài chính, Bình Định có tỷ lệ giải ngân đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung sau Hà Tĩnh, Nghệ An và xếp thứ 12/63 tỉnh thành).

PV: Tiến độ những dự án đầu tư công trên địa bàn hiện nay đang ra sao, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Nghi: Hiện nay các dự án vẫn đang triển khai đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký kết và theo quy định của Luật Đầu tư công (nhóm C không quá 3 năm; nhóm B không quá 4 năm và nhóm A không quá 6 năm).

Tuy nhiên, do nguồn thu tiền sử dụng đất trong các tháng đầu năm chưa đạt kế hoạch đề ra nên một số dự án trọng điểm của tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Hiện nay, tỉnh vẫn đang tích cực chỉ đạo các ngành Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị phát triển quỹ đất của tỉnh bám sát điều kiện thực tế của địa phương, tiếp tục phấn đấu thu đạt kế hoạch năm 2024 đề ra, trong đó dựa trên cơ sở tính toán chi tiết theo từng loại đất (đất ở, đất tái định cư, đất dự án).

Các dự án trọng điểm do địa phương quản lý đến nay có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt. Ảnh Nguyễn Lạc.

Các dự án trọng điểm do địa phương quản lý đến nay có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt. Ảnh Nguyễn Lạc.

PV: Vậy đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý đang có tỷ lệ giải ngân như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Nghi: Về cơ bản các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý đến nay có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt.

Cụ thể, đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Diêm Vân có giá trị giải ngân đến nay là 258,7/350 tỷ đồng, đạt 73,91%; xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ 19 đến khu công nghiệp (KCN) Becamex VSIP Bình Định kết nối với cảng Quy Nhơn: giá trị giải ngân đến nay là 361,7/500 tỷ đồng, đạt 72,34%; tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại có giá trị giải ngân đến nay là 38/45 tỷ đồng, đạt 84% (dự án hoàn thành trong năm); tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ có giá trị giải ngân đến nay là 14,7/14,7 tỷ đồng, đạt 100% (dự án hoàn thành trong năm).

Vướng ở đâu, gỡ ở đó

PV: Hiện nay, tỉnh đang gặp những vướng mắc chủ yếu nào trong việc tổ chức, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công?

Ông Lê Hoàng Nghi: Thời gian qua, do thị trường bất động sản phục hồi chậm, nên tiến độ thu tiền sử dụng đất của tỉnh trong 8 tháng tuy cao hơn so với cùng kỳ, nhưng vẫn chưa đạt như yêu cầu đặt ra. Do vậy, vẫn còn một số khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành chưa có nguồn để thanh toán phần nào cũng có ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của một số dự án gặp vướng mắc, tiến độ chậm nên chưa có mặt bằng sạch để giao đơn vị thi công triển khai thực hiện.

Ngoài ra vẫn còn một số vướng mắc như: Một số chủ đầu tư thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm trễ, vẫn còn một số trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư và làm chậm việc triển khai thực hiện dự án.

PV: Vậy để cùng cả nước đạt mục tiêu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, tỉnh Bình Định đã xác định nhiệm vụ trọng tâm nào trong các tháng còn lại?

Ông Lê Hoàng Nghi: Dù đạt kết quả tốt trong 8 tháng năm 2024, nhưng chúng tôi không chủ quan mà tiếp tục xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình thực hiện các dự án, tham mưu cấp thẩm quyền tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 09/01/2024, trong đó tập trung vào các giải pháp điều hành, phân bổ linh hoạt kế hoạch vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp và các dự án vướng bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) sang các dự án có tiến độ thực hiện tốt nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch cả năm được HĐND tỉnh giao.

Ở các tháng còn lại, chúng tôi xác định các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể:

Một là, trong các tháng cuối năm phải phấn đấu tăng thu từ nguồn sử dụng đất để đảm bảo nhiệm vụ chi đầu tư công theo kế hoạch vốn năm 2024 đã được HĐND tỉnh thông qua.

Ông Lê Hoàng Nghi - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định.

Ông Lê Hoàng Nghi - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các nội dung đẩy mạnh giải ngân theo chỉ đạo của trung ương và Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 09/01/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh, cương quyết điều chỉnh giảm kế hoạch đối với các dự án giao đầu năm nhưng chưa hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu, dự án có tỷ lệ giải ngân chưa đạt theo tinh thần của chỉ thị, báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh theo thẩm quyền.

Ba là, bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng, trong đó cần bám sát cơ sở, giải quyết triệt để, kịp thời khi phát sinh bất cập; nghiên cứu và có những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bốn là, đẩy nhanh công tác thẩm định chuyên ngành đối với các dự án khởi công mới và các dự án điều chỉnh, trong đó gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra chậm trễ.

Năm là, trên cơ sở tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2024, trong trường hợp cần thiết UBND tỉnh sẽ thành lập tổ công tác cấp tỉnh thực hiện đôn đốc tình hình triển khai, giải ngân vốn đầu tư công của các đơn vị, địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải ngân hoặc báo cáo HĐND tỉnh các nội dung cần điều chỉnh kế hoạch theo thẩm quyền./.

Lạc Nguyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/binh-dinh-vuong-o-dau-go-o-do-quyet-tam-dat-ke-hoach-giai-ngan-von-dau-tu-cong-tren-95-159316.html