Bình Định: Xây dựng đội ngũ kế cận từ những đảng viên người dân tộc thiểu số
Tỉnh ủy Bình Định đưa ra nhiều giải pháp chú trọng tạo nguồn phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, mục tiêu đặt ra giai đoạn 2022-2025 phấn đấu đạt tỷ lệ đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 4% trong tổng số đảng viên mới kết nạp.
Những năm gần đây, tỷ lệ kết nạp đảng viên mới ở tỉnh Bình Định giảm dần. Riêng 3 huyện miền núi An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh, tỷ lệ đảng viên mới kết nạp là người dân tộc thiểu số càng giảm. Phần lớn thanh niên địa phương đi làm công nhân ở các khu công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động nên nguồn phát triển đảng viên ngày càng khó khăn.
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Đinh Văn Nông, dân tộc H’re ở xã An Hưng, huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định tiếp tục tham gia phong trào đoàn của xã An Hưng. Từng đi nghĩa vụ quân sự, tham gia sôi nổi các hoạt động của Đoàn xã An Hưng lại làm kinh tế giỏi nên anh Nông được kết nạp Đảng đầu năm nay. Đinh Văn Nông cho biết, bản thân anh và gia đình rất tự hào khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
"Vào Đảng, là đảng viên mình rất vui. Mọi người trong gia đình thấy mình được kết nạp Đảng cũng vui và tự hào", Đinh Văn Nông chia sẻ cảm xúc.
Ông Đinh Văn Lung, Bí thư Đảng ủy xã An Hưng, huyện An Lão cho biết, công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số rất được quan tâm để tạo nguồn cho lớp cán bộ kế cận. Hiện nay, Đảng bộ xã An Hưng hiện có 10 chi bộ với 170 đảng viên, trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số. Theo ông Đinh Văn Lung, hiện nay nguồn kết nạp đảng viên mới ít dần, nhất là đảng viên dân tộc thiểu số lại càng ít hơn. Phần lớn các chi bộ trên địa bàn xã như trường học, công an đã kết nạp đảng viên. Thậm chí hiện nay các chi bộ thôn cũng rất hạn chế nguồn giới thiệu cho tổ chức cơ sở đảng kết nạp đảng viên.
Trong số 3 huyện miền núi ở tỉnh Bình Định thì An Lão là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Huyện này hiện có hơn 2.600 đảng viên, trong đó đảng viên dân tộc thiểu số là hơn 1.200 người. Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Bí thư Huyện ủy An Lão cho biết: “Hàng năm Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch hết sức cụ thể, phân chỉ tiêu phát triển đảng cho từng đảng bộ cơ sở, nhất là đảng bộ các xã có đông người đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi xác định đây là nguồn rất quan trọng, là nhân tố quyết định trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên địa bàn, là tấm gương để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế”.
Đảng bộ tỉnh Bình Định có 17 đảng bộ trực thuộc, 830 tổ chức cơ sở đảng với hơn 72.600 đảng viên. Trong thời gian qua, việc kết nạp đảng viên có xu hướng giảm. Khó khăn nhất là 3 huyện miền núi An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh. Ông Lê Minh Tuấn, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho biết, dù rất nỗ lực nhưng tỷ lệ đảng viên mới kết nạp là người dân tộc thiểu số chưa cao. Nguyên nhân là một số cấp ủy cơ sở chưa thật sâu sát để tìm ra giải pháp phát triển đảng viên là con em người dân tộc thiểu số.
Ông Lê Minh Tuấn cho biết thêm: "Trước hết cấp ủy xã phải xây dựng kế hoạch rất cụ thể, chúng ta phải tuyên truyền, thuyết phục nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số để họ hiểu rõ động cơ tích cực, giáo dục, hướng dẫn họ phấn đấu vào đảng. Cấp ủy cơ sở phải tạo điều kiện, giao việc cho quần chúng ưu tú và nên chăng đưa việc kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số trở thành quy định bắt buộc cho chi bộ cơ sở, đưa ra những chỉ tiêu cụ thể. Định kỳ hàng tháng, hàng quý phải kiểm điểm đánh giá lại trách nhiệm đảng viên tuyên truyền giới thiệu quần chúng vào đảng”./.