Bình Dương cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình phát triển, thúc đẩy xây dựng một hệ sinh thái mới
Bình Dương cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình phát triển từ Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ sang Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ-Thông minh và xa hơn là Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ-Gắn liền với Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, qua đó thúc đẩy xây dựng một hệ sinh thái mới. (CLO) Bình Dương cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình phát triển từ Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ sang Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ-Thông minh và xa hơn là Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ-Gắn liền với Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, qua đó thúc đẩy xây dựng một hệ sinh thái mới.
Đây là yêu cầu của đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ khi dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị "Khởi động - Kết nối - Phát triển mới" do tỉnh Bình Dương tổ chức vào ngày 25/3.
Bình Dương là vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Sau hơn 25 năm hình thành và phát triển, với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của chính quyền, quân và dân, tỉnh Bình Dương đã có sự phát triển mạnh mẽ, vươn lên trở thành một địa phương phát triển về công nghiệp - dịch vụ trong khu vực và cả nước.
Cùng với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương là vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng bày tỏ: "Sau khi tham quan tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và nghe giới thiệu về các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Bình Dương và định hướng phát triển trong thời gian tới, cá nhân tôi thấy rằng với sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, của các sở, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, tỉnh Bình Dương có đầy đủ các tiềm năng, lợi thế, điều kiện để thực hiện được các yêu cầu đã được Bộ Chính trị, Chính phủ đặt ra, hướng tới trở thành một trung tâm tri thức, kinh tế - tài chính, công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại của khu vực".
Bình Dương cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình phát triển
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng Bình Dương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, trong đó, cần bám sát, nắm chắc tình hình, tập trung, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Phát triển đồng bộ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự điều tiết của Nhà nước khi cần thiết. Phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kịp thời khi doanh nghiệp gặp khó khăn để cùng giải quyết, vượt qua thách thức.
"Đây là yêu cầu tiên quyết để Bình Dương thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế; đóng góp tích cực vào thu ngân sách địa phương hằng năm; giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Đặc biệt, Bình Dương cần làm tốt công tác quy hoạch, trong đó quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại - dịch vụ hiện đại, đồng bộ.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bình Dương đã thành công với mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ. Tuy nhiên để giúp các nhà đầu tư dễ dàng triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh… tỉnh Bình Dương cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình phát triển từ Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ sang Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ - Thông minh và xa hơn là Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ - Gắn liền với Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Qua đó thúc đẩy xây dựng một hệ sinh thái mới, bổ sung cho hệ sinh thái hiện hữu phù hợp với những yêu cầu mới từ nhà đầu tư, người lao động, phản ánh sự năng động, nhạy bén và sáng tạo của chính quyền tỉnh Bình Dương, góp phần gia tăng năng suất lao động nội tỉnh, tiến lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp.
Thời gian qua, các hạ tầng thương mại - dịch vụ đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị và giúp chuyển dịch hiệu quả cơ cấu kinh tế của Bình Dương vốn đang có sự chênh lệch giữa khu vực công nghiệp và dịch vụ.
"Được biết, Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC) đã được hoàn thành; đây là một quần thể bao gồm trung tâm hội chợ, hội nghị quốc tế, khách sạn, khu mua sắm, khu văn phòng, nhà ga Metro,...
Trong tương lai gần, Bình Dương cần phát triển Trung tâm Thương mại này trở thành một trung tâm kinh tế thương mại - dịch vụ đầy đủ tiện ích phục vụ cho tất cả cư dân sinh sống và làm việc tại thành phố thông minh Bình Dương tạo nền tảng kết nối thị trường trong nước và quốc tế, làm hình mẫu nhân rộng mô hình này trong thời gian tới", Phó Thủ tướng đề nghị.