Bình Dương chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, thời gian qua tỉnh Bình Dương đã đề ra Chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm 'Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương'.
NDĐT - Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, thời gian qua tỉnh Bình Dương đã đề ra Chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.
Theo Tỉnh ủy Bình Dương, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, Tỉnh ủy Bình Dương đã xây dựng Chương trình hành động số 88 CTHĐ/TU cùng kế hoạch triển khai của UBND tỉnh nhằm đưa việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng sát hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh. Sau năm năm triển khai thực hiện, tỉnh Bình Dương đã đạt được một số kết quả quan trọng, có sự chuyển biến sâu sắc trong đời sống văn hóa và tinh thần của toàn xã hội, góp phần bồi dưỡng, giáo dục, định hình nhân cách, bản lĩnh, tài năng trí tuệ con người địa phương, thiết thực đóng góp vào tiến trình đô thị hóa và phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Dương vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần sớm được khắc phục để đưa việc phát triển văn hóa, xây dựng con người thực sự trở thành tác nhân nội sinh phục vụ cho sự phát triển bền vững của Bình Dương trong tương lai. Nhằm khắc phục những hạn chế này, hiến kế cho Bình Dương, tại hội thảo “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương” do Tỉnh ủy Bình Dương vừa tổ chức, thông qua những tham luận, nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở cả góc độ khoa học lẫn thực tiễn, nhất là những giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, những mô hình - cách làm hiệu quả để phát triển văn hóa, con người đã được đề xuất.
Với tham luận “Những vấn đề cần lưu ý trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương nêu rõ mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó, việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học…làm mục tiêu có tính chiến lược, thể hiện rõ quan điểm con người là trung tâm của sự phát triển và con người với những yếu tố văn hóa được định hình tốt sẽ là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhận định: Nhìn chung việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của các địa phương trên cả nước đạt nhiều thành quả đang ghi nhận, trong đó có tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, các địa phương trên tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW, cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và phát huy con người, phát huy các yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại để có chiến lược phù hợp với thực tiễn của địa phương trong phát triển bền vững.
Để văn hóa trở thành nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiến sĩ Lê Thị Trúc Anh (Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tỉnh Bình Dương cần chú trọng phát huy sự năng động, sáng tạo, sự đổi mới, tiếp biến và làm giàu tri thức không ngừng cho mỗi người dân đang sinh sống, làm việc, cống hiến trên địa bàn của tỉnh. Qua đó, huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa Đông - Tây, làm giàu thêm các giá trị văn hóa tiêu biểu của tỉnh Bình Dương để phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của mỗi người trong tỉnh cũng như toàn xã hội.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, với nhận thức chung về việc con người vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, đồng thời lại là sản phẩm của chính nền văn hóa do mình sáng tạo ra, các tham luận đều thống nhất về việc cần xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Bình Dương theo những đặc điểm riêng có của đất và người Bình Dương từ truyền thống đến hiện đại, nằm trong tổng thể của hệ giá trị Việt Nam để mở ra con đường phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, một số tham luận cũng đề cập cần phải xây dựng những tiêu chí mang tính định lượng cụ thể, sát hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Dương để các chương trình, kế hoạch của tỉnh nâng cao tính thực chất trong thực hiện, dự lường và đánh giá.
Khẳng định văn hóa có vị trí quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc nói chung, cũng như của mỗi địa phương nói riêng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương Lê Hữu Phước cho rằng, việc Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương” vừa qua là một diễn đàn để các nhà khoa học và những người làm thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa gặp gỡ, trao đổi nhằm làm sáng rõ những vấn đề thực tiễn đã, đang và sẽ đặt ra trong quá trình phát triển của Bình Dương. Thông qua hội thảo này, những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ góp phần giúp tỉnh Bình Dương tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa, không chỉ trên lĩnh vực phát triển văn hóa, xây dựng con người, mà là sự phát triển mang tính bền vững.