Bình Dương có số bệnh nhân khỏi, xuất viện, cao nhất từ trước đến nay
Chiều 19/8, thông tin từ Sở Y tế tỉnh cho biết, trong ngày 19/8, Bình Dương có 7.154 bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện, nâng tổng số ca xuất viện, khỏi bệnh trong đợt dịch lần thứ 4 lên 22.196 bệnh nhân. Đây là số ca khỏi bệnh cao nhất trong đợt dịch lần thứ 4 và gấp hơn 2 lần số ca mắc trong ngày (3.255 ca).
Trong ngày, số bệnh nhân xuất viện trải đều ở cả 3 tầng điều trị. Số bệnh nhân xuất viện nhiều nhất tại khu cách ly tạm thời dành cho F0 nhẹ, không có triệu chứng với tổng số 6.477 bệnh nhân được xuất viện. Các bệnh nhân xuất viện đều có sức khỏe tốt có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc kết quả xét nghiệm PCR với nồng độ CT ≥ 30. Đây là kết quả của quá trình cố gắng không ngừng của tập thể đội ngũ cán bộ, nhân viên y bác sĩ nói riêng và sự cố gắng của toàn thể hệ thống chính trị trong tỉnh để chăm lo sức khỏe cho người dân, có thêm nhiều ca được xuất viện.
Cũng trong chiều 19/8, Sở Y tế thông báo Bình Dương ghi nhận 3.255 ca mắc mới, tăng 742 ca so với ngày 18/8. Tích lũy số ca mắc trong đợt dịch lần thứ 4 là 55.601 ca. Trong ngày số ca phát hiện sàng lọc trong cộng đồng nhiều nhất với 1.821 ca, chiếm 55,9% tổng số ca nhiễm trong ngày.
Chiến lược xét nghiệm diện rộng sẽ tăng F0 trong vài ngày tới
Theo TS. Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, những ngày qua, số ca F0 trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng nhanh là do tỉnh đang thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng đợt 2 trong cộng đồng, bắt đầu từ ngày 2/8. Chiến lược xét nghiệm diện rộng đang đẩy F0 tăng nhanh. Trong tổng số 345.370 người được lấy mẫu test nhanh và PCR, các địa phương đã phát hiện 8.394 trường hợp dương tính. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã tiến hành lấy mẫu PCR cho 95.856 công nhân tại 99 công ty trong các khu công nghiệp, kết quả có 226 trường hợp dương tính.
TS. Nguyễn Hồng Chương lý giải, số ca mắc tăng cao khi tỉnh thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng chứng tỏ tỉnh đã đánh giá đúng nguy cơ dịch bệnh, rà soát đúng đối tượng, không để bị sót, lọt F0 trong cộng đồng.
Hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng đợt 2 vẫn đang được tỉnh triển khai nhằm “vét sạch”, “khóa chặt” F0 ở những vùng đỏ đậm đặc, tiến tới xanh hóa “vùng vàng” và mở rộng, bảo vệ “vùng xanh” an toàn. TS. Nguyễn Hồng Chương cho biết, trong đợt xét nghiệm này TP. Thuận An và TX. Tân Uyên là 2 địa phương có tỷ lệ ca F0 tăng cao. Vì vậy, trong những ngày tới số ca mắc trên địa bàn tỉnh sẽ có xu hướng gia tăng, thậm chí tăng đột biến.
Tỉnh dự báo nếu tỉ lệ mắc ở ngưỡng trung bình thì giải pháp tối ưu là đưa F0 đi cách ly tập trung, phong tỏa chặt “vùng vàng”, “vùng đỏ” kết hợp với thiết chế cách ly tập trung tại nhà đối với toàn bộ người dân ở ổ dịch đỏ, đặc biệt ở các khu nhà trọ công nhân có tỉ lệ F0 cao.
“Người dân không vì đó mà hoang mang lo lắng, hãy bình tĩnh và tin tưởng vào các biện pháp phòng chống dịch của tỉnh. Hơn lúc nào hết cả hệ thống chính trị đang chung tay, góp sức thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp nhằm kéo giảm ca nhiễm, giảm tỉ lệ tử vong và không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị”, TS. Nguyễn Hồng Chương nhấn mạnh, đồng thời cho biết, tỉnh phấn đấu sau ngày 30/8 sẽ kiểm soát được dịch bệnh đối với các huyện “vùng xanh” phía bắc và làm căn cứ đệm vững chắc cho các địa phương phía nam thực hiện lộ trình xanh hóa toàn địa bàn.
Trong chiến lược khóa “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh” tỉnh ưu tiên bao phủ vaccine cho cả 2 vùng và cho doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, đặc biệt chú trọng đến TP. Thuận An và TX. Tân Uyên. Trong phương án dự kiến phân bổ 250.000 liều vaccine Astra Zeneca của Bộ Y tế cấp, tỉnh dự kiến phân bổ cho vùng đỏ 120.000 liều, các địa phương vùng xanh 30.000 liều và doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” 100.000 liều. Đối với 15.210 liều vaccine Pfizer của Bộ Y tế cấp, tỉnh dự kiến phân bổ cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách. Tất cả số vaccine này sẽ được ngành y tế tập trung thực hiện trong vòng 3 ngày.
Tạm đình chỉ công tác Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao
Tại cuộc họp ngày 19/8, Ban Thường vụ Thành ủy Thuận An đã thảo luận và thống nhất tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Thanh Hội, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Thuận Giao và ông Lý Bình Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao kể từ ngày 19/8/2021 đến ngày 17/9/2021 do thiếu sâu sát, lúng túng trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch tại địa phương, việc thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn phường không nghiêm, dẫn đến dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm tăng nhanh. Ban Thường vụ Thành ủy Thuận An tạm thời điều động ông Nguyễn Thanh Hội và ông Lý Bình Sơn đến nhận công tác tại Ban Tổ chức Thành ủy.
Ban Thường vụ Thành ủy Thuận An cũng phân công nhiệm vụ nhằm kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường Thuận Giao để quyết tâm phát huy tinh thần đoàn kết, đề ra giải pháp, biện pháp hiệu quả, sớm kiềm chế dịch bệnh tại địa phương, nhanh chóng đưa cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Người dân Bình Dương hãy tin tưởng đội ngũ y, bác sĩ
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thống kê ngày 16/8/2021, Bình Dương có 12 bệnh nhân tử vong, so với cùng kỳ tuần trước thì số ca tử vong đã giảm đi rất đáng kể, mặc dù số ca nhiễm COVID-19 tăng. Như vậy, chứng tỏ hệ thống điều trị 3 tầng đã bắt đầu phát huy hiệu quả.
"Chúng tôi đã làm mọi cách để tất cả bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, các phương án được triển khai từ cộng đồng, từ tầng 1, tầng 2 và đặc biệt là tầng 3 đã củng cố với việc mở rộng Bệnh viện Quốc tế Becamex trở thành bệnh viện điều trị COVID-19 nặng và nguy kịch. Một tin vui nữa đó là việc cung cấp thuốc, trang thiết bị được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, cũng như các Mạnh Thường Quân hỗ trợ, cho nên chúng ta sẽ không thiếu thuốc để điều trị. Các phương tiện tốt nhất để hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng đã được Trung ương viện trợ cho tỉnh. Do đó, rất mong người dân bình tĩnh, không hoảng loạn. Chúng tôi đã thống kê 10 cuộc gọi cấp cứu đến Trung tâm cấp cứu 115, có những ca thực sự cần cấp cứu rất nhiều, nhưng cũng có những trường hợp không tới mức phải gọi cấp cứu do quá hoảng loạn, lo lắng. Chính vì những cuộc gọi không cần thiết ấy, sẽ làm các xe cấp cứu quá tải, do đó các xe không đến được những nơi cần thiết. Rất mong người dân hãy bình tĩnh, đọc theo các hướng dẫn của ngành y tế, của chính quyền, cùng nhau chia sẻ với khó khăn ngành y tế trong việc chống dịch COVID-19", PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu mong muốn người dân đặt niềm tin vào đội ngũ y, bác sĩ. "Tôi tin chắc là không có một nhân viên y tế nào của tỉnh Bình Dương có ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật suốt 2 tháng vừa rồi. Do đó, hãy cố gắng giúp đỡ chúng tôi, đừng để cho những thông tin không tốt, không phải là phổ biến, ảnh hưởng đến hệ thống điều trị của chúng ta. Tôi đi nhiều tỉnh hỗ trợ dịch, tuy nhiên ở Bình Dương, vẫn thấy sự đồng lòng, rất chặt chẽ của lãnh đạo tỉnh, từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp… đều quyết tâm làm một việc duy nhất là làm sao dập dịch nhanh nhất, đưa cuộc sống trở lại bình thường", PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.