Bình Dương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng dự án mở rộng QL13
Hàng trăm hộ dân trên tuyến QL13 đã nhận tiền hỗ trợ, bồi thường và bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.
Nhiều hộ dân nhận tiền đền bù, cam kết bàn giao mặt bằng
Những ngày đầu tháng 6, PV Báo Giao thông đi thực tế, ghi nhận Dự án mở rộng, nâng cấp QL13 (đoạn qua tỉnh Bình Dương), nhiều đoạn trên tuyến, địa phương đã thực hiện xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao quỹ đất sạch cho đơn vị thi công.
Trên địa bàn TP Thuận An, đơn vị thi công đang ngầm hóa đường ống nước, đường cáp quang để triển khai các hạng mục tiếp theo.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở TN&MT Bình Dương), tiến độ bồi thường GPMB Dự án mở rộng, nâng cấp QL13 đang được triển khai khá quyết liệt.
Trên địa bàn TP Thuận An (đoạn từ ngã tư Lê Hồng Phong đến cổng chào Vĩnh Phú) có tổng chiều dài tuyến khoảng 12,7km, gồm 464 hộ và 52 tổ chức thuộc phạm vi giải tỏa. Đến nay, trung tâm đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 293 hộ và 24 tổ chức với số tiền bồi thường gần 1.766 tỷ đồng (đạt 61%).
Trung tâm đã thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đối với 235 hộ và 8 tổ chức với số tiền hơn 1.412 tỷ đồng (đạt 77% so với số hộ và tổ chức đã phê duyệt). Hiện có 92 hộ dân và 15 tổ chức đã bàn giao mặt bằng, đạt 34% so với hộ, tổ chức đã phê duyệt.
Cũng theo Trung tâm Phát triển quỹ đất, đoạn qua địa bàn TP Thủ Dầu Một có 23 hộ, 1 tổ chức thuộc phạm vi giải tỏa với chiều dài 0,7km. Tuy nhiên đến nay, có 3 hộ chưa nhận tiền đền bù (trong đó, 1 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường; 1 hộ đủ điều kiện tái định cư, đã bốc thăm nhận nền tái định cư; 1 hộ không đồng ý đơn giá bồi thường tài sản). Có 7 hộ chưa bàn giao mặt bằng (trong đó, 3 hộ chưa nhận tiền; 4 hộ đã nhận tiền, các hộ dân cam kết bàn giao mặt bằng trước ngày 10/6 do đang sửa chữa nhà, công trình, không còn chỗ ở nào khác.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết, qua triển khai công tác đền bù GPMB, địa phương đã nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, đã có nhiều khu vực được người dân bàn giao mặt bằng sạch để đơn vị thi công có thể triển khai các hạng mục.
Cần sớm hoàn thiện tuyến đường huyết mạch
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Becamex IDC cho biết, thời gian qua, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ, kịp thời, góp phần tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, công nghiệp đô thị, tăng dân số cơ học, gia tăng lưu lượng, nhất là các phương tiện có tải trọng lớn và lưu lượng giao thông quá cảnh từ các tỉnh, thành trong khu vực… đã ngày càng tạo áp lực cho hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường phía Nam của tỉnh.
Khảo sát của ngành chức năng, lưu lượng giao thông hàng ngày trên tuyến QL13 hiện tại là 28.000 xe. Số lượng này lớn hơn rất nhiều so với lưu lượng thiết kế ở thời điểm cuối năm khai thác (năm 2015) là 25.283 xe/ngày đêm.
Do đó, việc cải tạo, mở rộng QL13 và các nút giao thông trên tuyến là rất cần thiết không chỉ giải tỏa áp lực giao thông tuyến đường này mà tạo thêm lực đẩy cho phát triển đô thị Bình Dương.
Năm 2021, HĐND tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án BOT nâng cấp, mở rộng QL13. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến phần bổ sung là 1.367 tỷ đồng. Chi phí GPMB được thực hiện ở dự án sử dụng ngân sách tỉnh, không tính vào tổng mức đầu tư.
Quy mô bổ sung: Cải tạo, mở rộng QL13 từ cổng chào Vĩnh Phú (Km 1+315) đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong (Km 15+018,28) mở rộng về bên phải 2 làn xe (sau khi mở rộng là 8 làn xe). Cùng đó, đầu tư vỉa hè, cây xanh thoát nước đồng bộ; đầu tư cầu vượt qua các giao lộ ngã tư Bình Hòa và Hữu Nghị, quy mô 4 làn xe, các nút giao khác nghiên cứu mở rộng để tăng khả năng thông hành; đầu tư hệ thống thoát nước dọc kết hợp chiếu sáng hai bên đường đoạn từ Bến Cát đến Bàu Bàng (cầu Tham Rớt).
Cụ thể, gồm các đoạn: cải tạo mở rộng từ cổng chào Vĩnh Phú đến cầu Ông Bố; cải tạo mở rộng đoạn từ cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị (bao gồm cầu vượt qua các giao lộ ngã tư Bình Hòa và Hữu Nghị); cải tạo mở rộng đoạn từ nút Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong; cầu vượt ngã tư Hòa Lân; hệ thống thoát nước; hệ thống chiếu sáng, cấp nguồn chiếu sáng; bổ sung nút giao thông Phước Kiến và đoạn từ nút Hữu Nghị đến nút Tự Do.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, dự án đầu tư cải tạo, mở rộng QL13 có ý nghĩa rất quan trọng, dự án đáp ứng hai mục tiêu lớn là giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến và chuẩn bị cho phát triển đô thị. Dự án góp phần xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận.