Bình Dương di dời cơ sở công nghiệp để tái thiết đô thị
Tỉnh Bình Dương sẽ di dời gần 2.900 nhà máy, xí nghiệp trong khu dân cư vào khu công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị.
Cần thiết phải di dời
Theo đề án triển khai thực hiện việc chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm trong khu dân cư ở phía Nam vào khu, cụm công nghiệp phía Bắc của tỉnh Bình Dương, tỉnh chọn Khu công nghiệp Cây Trường (huyện Bàu Bàng) và Cụm công nghiệp huyện Dầu Tiếng có diện tích 1.300ha để bố trí di dời gần 2.900 nhà máy, xí nghiệp (tổng cộng gần 290.000 người lao động) ra khỏi khu dân cư.
Ghi nhận tại địa bàn phường Tân Đông Hiệp (thành phố Dĩ An) cho thấy, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã hình thành và hoạt động hơn 20 năm nay, nằm xen các khu dân cư.
Tương tự, tại các phường An Phú, Bình Chuẩn, Thuận Giao (thành phố Thuận An); phường Tân Phước Khánh, Thái Hòa (thành phố Tân Uyên) rất nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất nằm rải rác trong khu dân cư. Từ đây, tiếng ồn, khói bụi ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống hằng ngày.
“Nhà tôi ở gần xí nghiệp sản xuất bao bì hàng chục năm nay. Tiếng ồn cộng với mùi lẫn bụi bay ra khiến người dân rất mệt mỏi. Mong lãnh đạo tỉnh sớm có phương án di dời ra khỏi khu dân cư”, ông Lê Văn Hòa (phường Thuận Giao, thành phố Thuận An) phản ánh.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, các nhà máy xen cài trong khu dân cư đã tồn tại hàng chục năm nay và có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của tỉnh. Trong khi, không phải nhà máy nào nằm trong khu dân cư cũng gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân, nên cần có đánh giá, phân loại bài bản và chính xác.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương Vương Siêu Tín cho biết, Hiệp hội Gốm sứ của tỉnh có đến 60 doanh nghiệp hoạt động sản xuất lâu đời nằm trong khu dân cư, tập trung nhiều nhất tại thành phố Thuận An. Do đó, đề nghị tỉnh có phương án phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong diện di dời, tạo điều kiện ổn định sản xuất.
Băn khoăn về nguồn lao động, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương Trương Thị Thúy Liên cho biết, khi doanh nghiệp chuyển vào các khu công nghiệp, vấn đề đau đầu nhất là nguồn lao động. “Chính quyền tỉnh cần tính kỹ điều này, đưa ra lộ trình chuyển nhà máy, xí nghiệp hợp lý để doanh nghiệp và người lao động có thời gian sắp xếp, ổn định”, bà Liên kiến nghị.
“Doanh nghiệp sẵn sàng di dời nhưng điều lo nhất là khâu tuyển dụng lao động nếu bị thiếu hụt, nên rất cần lãnh đạo tỉnh hỗ trợ tối đa để làm sao đến nơi ở mới không bị xáo trộn”, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Tison (thành phố Thuận An) Lưu Tấn Tiến giãi bày.
Hỗ trợ sát sườn
Về vấn đề trên, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Nguyễn Trung Tín kiến nghị tỉnh hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp thuộc diện di dời về khả năng tiếp cận tín dụng ưu đãi, nhất là nguồn vốn vay trung, dài hạn để đầu tư nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho hay, Sở đề xuất UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng; chính sách cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hỗ trợ lãi vay xây dựng cơ sở sản xuất mới...
“Trước hết, tỉnh triển khai thực hiện thí điểm dự kiến di dời 5-7 doanh nghiệp; sau đó, tổng kết, đánh giá kết quả để thực hiện các bước tiếp theo phù hợp”, ông Toàn thông tin.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, việc di dời các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ra khỏi khu dân cư, đưa vào hoạt động trong khu công nghiệp tập trung là chủ trương lớn của tỉnh Bình Dương, do các nhà máy không đáp ứng về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và yêu cầu khác. Mục đích xây dựng Bình Dương theo hướng phát triển bền vững, đô thị thông minh, tái thiết lại các đô thị của tỉnh.
Để đạt kết quả cao, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các giải pháp, công cụ khuyến khích doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng; thực hiện từng bước theo lộ trình; tập trung các nhóm giải pháp để hạn chế tối đa việc cưỡng chế di dời. Mặt khác, các sở, ngành tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách di dời.
Để việc di dời diễn ra thuận lợi, tạo được sự đồng thuận và đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động, tỉnh Bình Dương sẽ ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp.
Theo đó, chính sách hỗ trợ người lao động sẽ hỗ trợ trong thời gian doanh nghiệp ngừng sản xuất; chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động phải nghỉ việc do di dời; chính sách về bảo hiểm xã hội…
Đối với doanh nghiệp thuộc diện phải di dời, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ từ nguồn khuyến công; ưu đãi đầu tư đối với dự án trong khu công nghiệp; hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới…
Lộ trình thực hiện di dời các nhà máy, xí nghiệp nằm trong khu dân cư vào khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030. Các cơ sở di dời chủ yếu tập trung ở phía Nam của tỉnh gồm các thành phố Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát.