Bình Dương - Hành trình từ 'chiến địa' đến đầu tàu kinh tế

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, Bình Dương đã vươn mình trở thành một trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại, đóng vai trò trụ cột trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ít ai ngờ rằng, vùng đất từng nghèo khó lại có thể 'thay da đổi thịt' nhanh đến vậy, với những khu công nghiệp sầm uất, hạ tầng hiện đại và môi trường đầu tư hấp dẫn hàng đầu cả nước.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025), Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà để cùng nhìn lại hành trình phát triển đầy tự hào của tỉnh, đồng thời lắng nghe những chia sẻ chân tình, đầy tâm huyết của người lãnh đạo gắn bó sâu sắc với vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà

- Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ vùng đất bom đạn trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đâu mà Bình Dương có bước phát triển như vậy, thưa ông?

- Ông Nguyễn Lộc Hà: Nhìn lại chặng đường phát triển của tỉnh suốt gần 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, ai cũng cảm thấy xúc động và tự hào. Bình Dương từ một vùng đất chịu nhiều đau thương trong chiến tranh, hạ tầng còn rất khiêm tốn, đời sống nhân dân còn khó khăn, đến nay đã vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động bậc nhất cả nước. Đó là một hành trình đầy nỗ lực, với biết bao tâm huyết và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân địa phương.

Điều làm nên bước chuyển mình mạnh mẽ ấy, trước hết là nhờ vào tầm nhìn đúng đắn, nhất quán trong quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh. Ngay từ sau thời kỳ đổi mới, lãnh đạo tỉnh đã nhận thức rất rõ: muốn thoát khỏi khó khăn, Bình Dương phải tận dụng được lợi thế về vị trí địa lý, phải đầu tư hạ tầng, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, từ đó thu hút doanh nghiệp đến sản xuất, tạo việc làm cho người dân, tăng thu ngân sách và từng bước phát triển toàn diện.

 Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương - Trung tâm hành chính tập trung đầu tiên ở Việt Nam

Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương - Trung tâm hành chính tập trung đầu tiên ở Việt Nam

Chúng tôi xác định: không thể trông chờ vào ngân sách Trung ương mãi được, mà phải tự lực, tự cường, tự tìm con đường đi phù hợp với điều kiện địa phương. Chính nhờ tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm đó mà Bình Dương đã mạnh dạn chuyển mình từ một tỉnh nông nghiệp sang phát triển công nghiệp - dịch vụ.

Và quan trọng hơn hết là khi xác định được hướng đi đúng, chúng tôi kiên trì thực hiện, làm từng bước chắc chắn, lấy hiệu quả thực chất làm thước đo.

- Ông có thể điểm qua một số cách làm đột phá đã giúp Bình Dương vươn mình “cất cánh”, trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh mẽ nhất cả nước?

- Ông Nguyễn Lộc Hà:Để Bình Dương có thể vươn mình mạnh mẽ như hôm nay, tỉnh đã kiên trì theo đuổi một chiến lược phát triển đồng bộ, bài bản, dựa trên nhiều cách làm đột phá và sáng tạo. Trong đó, có thể khái quát qua các điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, vai trò nền tảng của các thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Đây là yếu tố mang tính quyết định, bởi chính tư duy đổi mới, tầm nhìn xa và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo đã định hướng đúng cho con đường phát triển.

 Bình Dương chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Bình Dương chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Thứ hai, Bình Dương là địa phương tiên phong trong quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp tập trung. Ngay từ những năm đầu đổi mới, tỉnh đã đi trước một bước khi định hướng phát triển công nghiệp gắn liền với quy hoạch hạ tầng và dịch vụ đô thị. Các khu công nghiệp như VSIP, Sóng Thần, Mỹ Phước, Bàu Bàng... không chỉ thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trong và ngoài nước, mà còn tạo ra hệ sinh thái sản xuất hiện đại, đồng bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn vùng. Cùng với đó, việc thành lập Tổng Công ty Becamex IDC, đóng vai trò chủ lực trong việc đầu tư, phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ một cách đồng bộ.

Thứ ba, tỉnh đặc biệt chú trọng đến cải cách hành chính, lấy hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp làm thước đo. Việc xây dựng Trung tâm Hành chính tập trung, triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường tính minh bạch trong quản lý nhà nước là những bước đi cụ thể cho thấy quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực quản trị công.

 Nhà máy sản xuất đồ chơi của LEGO tại Bình Dương có công suất 30.000 tấn/năm

Nhà máy sản xuất đồ chơi của LEGO tại Bình Dương có công suất 30.000 tấn/năm

Thứ tư, Bình Dương nhất quán trong việc lấy con người làm trung tâm của sự phát triển. Tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm lo tốt an sinh xã hội, đầu tư vào y tế, giáo dục, nhà ở cho công nhân, cũng như xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh, nghĩa tình. Chính điều này tạo nên một cộng đồng dân cư gắn bó, đồng lòng và có động lực đóng góp vào sự phát triển chung.

Thứ năm, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông luôn được tỉnh đầu tư đi trước một bước. Nhiều tuyến đường trọng điểm như Đại lộ Bình Dương, Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743, Quốc lộ 13 mở rộng, Vành đai 3, Vành đai 4… đã và đang hình thành mạng lưới giao thông liên kết vùng hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư và phát triển đô thị hiện đại.

Thứ sáu, chiến lược phát triển vùng luôn được tỉnh coi trọng và triển khai thực chất. Bình Dương không phát triển một cách đơn lẻ mà chủ động phối hợp chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước… để hình thành một vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năng động, hiệu quả.

 Vòng xoay A1 tại Thành phố mới Bình Dương có nhà ga trung tâm kết nối với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh) để tăng tính kết nối

Vòng xoay A1 tại Thành phố mới Bình Dương có nhà ga trung tâm kết nối với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh) để tăng tính kết nối

Một điểm đột phá gần đây có thể nhắc đến là việc triển khai Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, hợp tác với các tổ chức quốc tế như ICF, WTA… Bình Dương hướng đến mô hình đô thị hiện đại, phát triển dựa trên tri thức, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, Bình Dương đang thực hiện mạnh mẽ chiến lược “vùng đổi mới sáng tạo”, với hạt nhân là Thành phố Thủ Dầu Một - Thành phố mới Bình Dương - Thành phố Tân Uyên và Bến Cát, kết nối giao thông liên vùng và quốc tế. Những dự án lớn như đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, cảng An Tây… khi hoàn thành sẽ tạo ra cú hích rất lớn cho toàn vùng.

Tất cả những yếu tố đó đã làm nên một Bình Dương năng động, bản lĩnh và sáng tạo - một điểm sáng của cả nước trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Bên cạnh những điểm đột phá về kinh tế, ông cảm nhận như thế nào về các giá trị văn hóa, con người ở mảnh đất “miền Đông gian lao mà anh dũng” này?

- Ông Nguyễn Lộc Hà:Sinh ra và lớn lên ở miền Đông Nam bộ, gắn bó với Bình Dương suốt mấy chục năm, nên mỗi khi nhắc đến con người và văn hóa nơi đây, tôi luôn có một cảm xúc rất đặc biệt.

Vùng đất này mang trong mình bề dày truyền thống lịch sử, là nơi đã từng chứng kiến nhiều trận đánh oanh liệt, nhiều con người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Tinh thần kiên cường, nghĩa tình, đoàn kết và cần cù của người Bình Dương không chỉ là giá trị trong quá khứ, mà vẫn đang hiện diện rõ ràng trong công cuộc phát triển hôm nay.

 Lễ hội Rằm tháng Giêng tại Bình Dương là lễ hội có đông người tham gia nhất Đông Nam bộ. Ảnh: Văn Dũng

Lễ hội Rằm tháng Giêng tại Bình Dương là lễ hội có đông người tham gia nhất Đông Nam bộ. Ảnh: Văn Dũng

Con người Bình Dương hôm nay vẫn giữ được cái chất mộc mạc, chân thành, giàu tính cộng đồng. Dù đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhưng họ đều chọn nơi đây làm quê hương thứ hai, cùng nhau dựng xây và phát triển. Chúng tôi luôn quan niệm: kinh tế có thể đi lên bằng những con số, nhưng sự phát triển bền vững thì phải dựa vào con người và văn hóa.

Bình Dương rất chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Từ các lễ hội như Lễ hội chùa Bà, Lễ hội Kỳ Yên, đến các làng nghề như gốm sứ, sơn mài, hay những di sản như đờn ca tài tử Nam Bộ… tất cả được gìn giữ và phát triển một cách hài hòa trong dòng chảy hiện đại. Các thiết chế văn hóa, công viên, trung tâm sinh hoạt cộng đồng cũng được quan tâm đầu tư, để người dân có không gian sinh hoạt, kết nối và giữ gìn bản sắc địa phương.

Đặc biệt là tinh thần “nghĩa tình” của người Bình Dương trong công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động, người yếu thế. Trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã thấy rõ tinh thần ấy - không ai bị bỏ lại phía sau, mọi người cùng san sẻ khó khăn, nhường cơm sẻ áo, giúp nhau vượt qua.

Chúng tôi hiểu rõ rằng, thành tựu hôm nay là kết quả của sự chung sức đồng lòng, và con đường phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm. Bình Dương sẽ tiếp tục phát huy những gì đã đạt được, nâng cao chất lượng sống cho người dân, phát triển toàn diện - không chỉ công nghiệp hiện đại mà còn văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường sống. Đó là cam kết, cũng là trách nhiệm đối với Nhân dân và với tương lai của vùng đất giàu tiềm năng này.

- Xin cảm ơn ông!

Lan Chi - Tịnh Hà thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/binh-duong-hanh-trinh-tu-chien-dia-den-dau-tau-kinh-te-post410314.html