Bình Dương hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư
Thời gian qua, Bình Dương được đánh giá là điểm sáng về thu hút đầu tư bởi chính sách thông thoáng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại đồng bộ.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, năm 2020, tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao với tổng sản phẩm (GRDP) tăng 6,91%; cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, duy trì và nâng cao giá trị ngành Nông nghiệp một cách hợp lý.
Tính đến 15/02/2021, Bình Dương đã thu hút được 5.710 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước, lũy kế 02 tháng đầu năm, đã thu hút được 8.656 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 225 triệu USD, lũy kế 02 tháng đầu năm đã thu hút được 301 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã thu hút được gần 4.000 dự án với tổng vốn đăng ký gần 35,8 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong các dự án đang đầu tư tại Bình Dương thì Nhật Bản chiếm 323 dự án với tổng số vốn trên 5,7 tỷ USD, đứng đầu trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại tỉnh này.
Ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội. Các cấp lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư và doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và hợp tác đầu tư.
Để tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư, hiện Bình Dương đang xây dựng Chương trình đột phá về hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Bình Dương tiếp tục phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các tỉnh, thành phố lân cận trong xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án, công trình giao thông, đặc biệt là các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh nhánh N2 về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nhánh phía Đông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, hoàn thành đúng tiến độ dự án giao thông trọng điểm, các dự án ở cửa ngõ giao thông phía Nam của tỉnh kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng cầu vượt, hầm chui trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Quốc lộ 13... Kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cảng trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Tính. Đồng thời, Bình Dương cũng triển khai các giải pháp giảm thiểu ùn tắc cục bộ trên một số tuyến đường trọng yếu như Quốc lộ 13, đường DT743, đường Mỹ Phước Tân Vạn...
Ngoài ra, Bình Dương cũng phát triển các khu phức hợp bao gồm khu nhà ở, dịch vụ và khu công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và công nhân lao động sinh sống trong môi trường an toàn để phục vụ sản xuất.
Cung cấp điện cho sản xuất cũng được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, hiện toàn tỉnh Bình Dương có 29 Khu công nghiệp luôn được cung cấp điện đầy đủ để phục vụ phát triển sản xuất của doanh nghiệp. Tập trung xây dựng, hoàn thiện mạng lưới vận tải hành khách, hàng hóa, các bến, bãi, các điểm trung chuyển hàng hóa, cảng cạn (ICD), các trung tâm Logistics…