Bình Dương: Kết hợp đa giải pháp nhằm giảm F0, giành lại sự sống cho người mắc Covid-19
Nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, được nhập viện cấp cứu, sau 10 ngày điều trị sức khỏe đã bình thường, không có bệnh lý nền nhưng bất ngờ tử vong. Bình Dương đang áp dụng nhiều giải pháp nhằm giảm F0, giành lại sự sống cho người bệnh.
F0 liên tục tăng cao
Chỉ trong ngày 30/8, tỉnh Bình Dương ghi nhận thêm 6.050 ca mắc mới, tỷ lệ tăng trên 10% so với ngày trước. Nâng tổng số ca mắc Covid-19 từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến nay vượt mốc 110.258 ca.
Các địa phương có số ca mắc mới tăng gồm TP Dĩ An, TX Bến Cát, TX Tân Uyên, huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng... Số lượng ca mắc mới tập trung nhiều nhất tại các khu phong tỏa (68,1%) và sàng lọc cộng đồng (21.9%).
Phân tích của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Dương (CDC Bình Dương) cho thấy: Số ca mắc Covid-19 được phát hiện tại các khu phong tỏa, khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính chiếm tỷ lệ cao nhất, trên 74.000 ca. Kế đến là số ca mắc được phát hiện trong cộng đồng như chợ, khu không phong tỏa 31.092 ca. Nhóm ca mắc thấp nhất được phát hiện qua khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế 6.992ca.
Đặc điểm khác biệt của Bình Dương là các khu nhà trọ với số lượng phòng trọ lớn tập trung đông người, xen lẫn các khu công nghiệp, doanh nghiệp, chợ, khu mua sắm... Mật độ đi lại, tiếp xúc giữa người với người cao, khiến tốc độ lây lan và số người nhiễm Covid-19 tăng nhanh liên tục.
Từ “đông cứng” trong báo cáo của các Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tại 11 phường đông dân cư thuộc TP Thuận An và TX Tân Uyên đã nói lên mức độ đông đặc, khó kiểm soát cùng với tốc độ lan nhanh F0 tại đây. Nhiều bênh viện dã chiến, khu cách ly điều trị tập trung nhanh chóng quá tải.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, nguyên nhân số ca F0 tăng là từ chiến dịch truy vết, “rà quét”, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Giải pháp giảm F0
Mới đây, qua kiểm tra, khảo sát thực tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, chỉ đạo theo hướng “Giãn cách kết hợp giãn dân” nhằm giảm mật độ dân cư tại chỗ, tạo khoảng cách an toàn, phòng chống lây lan dịch.
Đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận. Thủ tướng đồng thời yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Dương nghiên cứu, áp dụng thành công của tỉnh Bắc Giang trong phòng, chống dịch; đó là: Di dời doanh trại quân đội tại các địa bàn “đông cứng F0” đang thực hiện “khóa chặt”. Lấy mặt bằng giãn cách dân từ các khu “đông cứng” ra doanh trại quân đội, cho người dân được nghỉ ngơi, giãn cách kết hợp khám điều trị, xét nghiệm, phân loại...
Lực lượng quân sự tăng cường sẽ giúp các địa bàn “đông cứng, khóa chặt” tăng cường hậu cần, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men; Lực lượng công an làm nhiệm vụ chốt chặn, bảo đảm an ninh trật tự; Các trạm y tế lưu động sẽ đi vào hoạt động tại cá khu này vừa làm nhiệm vụ “quét” F0 ra khỏi cộng đồng, vừa hỗ trợ điều trị F0 không triệu chứng, phân loại chuyển tuyến F0 có triệu chứng lên tuyến trên đề phòng chuyển biến nặng.
Song song, một trong các giải pháp giảm F0 trong cộng đồng cấp bách nhất hiện nay được Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Tốt nhất, sớm nhất hiện nay trong phòng, chống dịch vẫn là vaccine. Bình Dương cần phủ rộng vaccine để phòng, chống dịch”.
Trả lời báo chí, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết thêm: “Bình Dương sẽ nhận một triệu liều vaccine và sẽ triển khai tiêm sớm cho người từ 18 tuổi trở lên trong vài ngày tới”.
"Vaccine mà Bình Dương sẽ triển khai tiêm cho người dân những ngày tới là vaccine Vero Cell của hãng Shinopharm, tiếp nhận từ TP Hồ Chí Minh" - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương xác nhận đồng thời cho biết thêm: “Vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt. Bộ Y tế Việt Nam cũng đã cấp phép sử dụng. Vaccine Sinophamr đã được nhiều nước sử dụng hiệu quả, trong đó có Singapore cũng đã công nhận loại vaccine này”.
Thực tế một số phường có tỷ lệ ca nhiễm cao trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã triển khai tiêm vaccine Vero Cell. Người dân được tiêm đều đồng tình, hợp tác nhằm bảo đảm sức khỏe bản thân, gia đình.
Giải pháp can thiệp, giảm tử vong cho F0 nặng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hưởng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Anh, thành viên Tổng Hội Y khoa Việt Nam, đơn vị hỗ trợ Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Bình Dương cho biết: "Qua họp chuyên môn với Hội đồng giáo sư, bác sĩ cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bình Dương cho thấy, nhiều trường hợp nặng được điểu trị đến ngày thứ 10, qua cơn nguy kịch, sinh hoạt trở lại bình thường; bệnh nhân không có tiền sử, bệnh nền...nhưng vẫn tử vong do huyết khối tắc nghẽn gây tai biến".
Trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế chưa có chỉ định, quy định về vấn đề này nên bác sĩ điều trị rất căng thẳng, vất vả. “Chúng tôi đã trực tiếp liên hệ Chủ tịch Hội đồng Đạo đức (Bộ Y tế), kiến nghị giải pháp can thiệp nhằm bổ sung hành lang pháp lý trong điều trị, bảo đảm tính khoa học, giành lại sự sống cho người bệnh” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hưởng cho biết.
Được biết, Tổng Hội Y khoa còn trực tiếp kiến nghị Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bình Dương mua sắm thêm quả cầu stocking trong quy trình lọc máu, lọc thận cho Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng và đã được chấp thuận.