Bình Dương: Nỗ lực bứt phá logistics giữa muôn vàn khó khăn

Bình Dương là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước, đang nỗ lực phát triển ngành logistics nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần được giải quyết để bứt phá và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, chi phí logistics cao

Hiện nay, Bình Dương đã hình thành được chuỗi liên kết dịch vụ logistics cấp vùng với hệ thống hạ tầng gồm 15 trung tâm logistics quy mô lớn, trong đó có 3 ICD (cảng cạn) và 1 ga đường sắt quốc tế phục vụ xuất - nhập khẩu hàng hóa, 10 cảng sông, 21 kho hàng, 19 kho ngoại quan, 2 kho CFS (kho lưu hàng nhập khẩu), đáp ứng nhu cầu sản xuất và phân phối hàng hóa trong khu vực.

Tuy nhiên, hệ thống logistics của Bình Dương vẫn còn nhiều hạn chế, khiến chi phí vận chuyển tại đây còn cao so với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Ga Sóng Thần ở TP.Dĩ An tỉnh Bình Dương vừa được mở rộng phương thức vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế (ảnh: Thiên Lý)

Ga Sóng Thần ở TP.Dĩ An tỉnh Bình Dương vừa được mở rộng phương thức vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế (ảnh: Thiên Lý)

Theo các doanh nghiệp, chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến chi phí logistics tại Bình Dương cao là do hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt kết nối với các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm chưa tốt. Tỉnh thiếu hụt các cảng logistics hiện đại, đồng bộ. Khan hiếm lao động có trình độ cao trong lĩnh vực logistics và nhiều công đoạn thủ công trong vận hành cũng là những khó khăn của ngành này.

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương, cho biết, chi phí logistics quá cao khiến sản phẩm doanh nghiệp dệt may mất lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thế giới: "Chúng tôi là những người sản xuất và đa số có xuất khẩu liên quan tới logistic, kho bãi, do đó nếu có những định hướng phát triển về logistic, kết hợp với các cái công nghệ mới, áp dụng những phương phương cách mới thì sẽ giảm được giá thành vận chuyển. Từ đó, cũng giảm được giá thành sản phẩm, góp phần trong việc cạnh tranh về giá cuối cùng của sản phẩm đến người tiêu dùng, cũng như là xuất khẩu ra nước ngoài”.

Theo một số doanh nghiệp khác, hiện nay, Bình Dương chủ yếu vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, trong khi có thể phát huy lợi thế của đường sông và đường sắt. Do đó, Bình Dương nên phát triển mạnh quy hoạch giao thông đường sông vì có lợi thế được bao bọc bởi hai con sông lớn là Đồng Nai và Sài Gòn, đồng thời phát triển mạnh đường sắt.

Hiện nay, Bình Dương đang có nhiều kho hàng, kho lưu hàng nhập khẩu để phục vụ doanh nghiệp vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa (ảnh: Thiên Lý)

Hiện nay, Bình Dương đang có nhiều kho hàng, kho lưu hàng nhập khẩu để phục vụ doanh nghiệp vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa (ảnh: Thiên Lý)

Ông Trần Văn Úc, Trưởng Phòng Logistics, Công ty TNHH Panasonic Works Việt Nam nhấn mạnh, vận chuyển đường bộ nhanh chóng nhưng phức tạp hơn, do vậy cần đa dạng hóa phương thức vận chuyển để giảm chi phí logistics.

"Tôi nghĩ đường sắt mình đã có cơ sở hạ tầng vậy mà Bình Dương không tận dụng được cái đã có. Khi mình có nhiều phương thức, có sự cạnh tranh, tất nhiên dịch vụ sẽ tốt hơn, chi phí logistics sẽ giảm xuống để thuận lợi cho doanh nghiệp. Do đó, tôi nghĩ nên đa dạng hóa phương thức vận chuyển, đây là việc nên làm”, ông Trần Văn Úc nói.

Nâng tầm logistics, hướng đến trung tâm vệ tinh khu vực

Theo kế hoạch phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 - 2025, ngành logistics đặt ra mục tiêu 100% trung tâm logistics lớn đạt cấp độ trên mức 5PL. Cụ thể, Bình Dương sẽ phát triển hệ thống logistics đa phương thức, hiện đại, hiệu quả, đồng bộ, kết nối liên vùng và quốc tế. Bình Dương cũng sẽ hình thành hệ thống các cảng trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính kết nối với các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4.

Bình Dương xem dịch vụ logistics là ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tỉnh giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu của Bình Dương là logistic góp phần chuyển dịch tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế năm 2025 đạt 28%, trở thành trung tâm logistics lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Bình Dương đang mở rộng các khu công nghiệp về phía Bắc, do đó tỉnh đang đầu tư mở rộng các tuyến giao thông nhằm giảm thời gian di chuyển, chi phí logistis cho doanh nghiệp (ảnh: Thiên Lý)

Bình Dương đang mở rộng các khu công nghiệp về phía Bắc, do đó tỉnh đang đầu tư mở rộng các tuyến giao thông nhằm giảm thời gian di chuyển, chi phí logistis cho doanh nghiệp (ảnh: Thiên Lý)

Để đạt được mục tiêu này, Bình Dương đang từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics. Bình Dương cũng ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý và vận hành hệ thống logistics; khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực logistics.

Về góc độ Hiệp hội Logistics, bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Chủ tịch Hiệp hội, cho biết: “Chúng tôi vẫn tiếp tục sự phát triển theo định hướng chiến lược là phát triển logistis công nghiệp. Chúng tôi cũng nhận thấy thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, hầu hết khách hàng đến từ thương mại điện tử đều là người tiêu dùng cuối. Do đó, sự kết hợp giữa nhà sản xuất, khu vực logistis trung tâm, cũng như nhà tiêu dùng cuối cũng là định hướng để chúng tôi nghiên cứu, phát triển”.

Bình Dương đã quy hoạch và bố trí quỹ đất ở những vị trí thuận lợi về giao thông để hình thành các trung tâm logistics cấp vùng, khu vực. Đồng thời, tỉnh cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông, kết nối đô thị trong tỉnh và kết nối vùng.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm và xây dựng thêm hệ thống cảng. Đây sẽ là những "đòn bẩy" để địa phương bức phá và nâng tầm logistics.

"Đường Vành đai 3, Vành đai 4 là những tuyến đường mang tính kết nối vùng. Khi hoàn thành, đây sẽ là cú hích cho sự phát triển logistics. Hiện nay, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An đang thực hiện các dự án này theo đúng tiến độ của Thủ tướng chỉ đạo. Tôi hy vọng với quá trình triển khai đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau, các tỉnh sẽ triển khai đúng tiến độ và thông tuyến đúng hạn, góp phần kết nối giao thông tốt hơn”, ông Mai Hùng Dũng nêu ý kiến.

Với những giải pháp trên, có thể thấy Bình Dương đang nỗ lực xây dựng hệ thống logistics hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh. Tỉnh cũng đang hướng đến việc hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics xuyên biên giới với các dịch vụ chất lượng cao.

Thiên Lý/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/binh-duong-no-luc-but-pha-logistics-giua-muon-van-kho-khan-post1102635.vov