Bình Dương: Nỗ lực gỡ khó trong giải ngân vốn đầu tư công
9 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bình Dương đạt thấp so với bình quân chung của cả nước. Với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, từ nay đến cuối năm tỉnh đang huy động nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ.
Tỷ lệ giải ngân thấp
Thống kê từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) Bình Dương, số tiền thanh toán giải ngân vốn đầu tư công thuộc kế hoạch vốn năm 2020 đến ngày 30/9/2020 trong hệ thống KBNN Bình Dương là 4.780 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch, bằng 98% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm: ngân sách trung ương thanh toán là 95 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.685 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đạt thấp so với bình quân cả nước và so với cùng kỳ năm 2019.
Đánh giá của Phòng kiểm soát chi KBNN Bình Dương, bên cạnh các nguyên nhân khách quan về trình tự thủ tục, sự chồng chéo trong các quy định liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng... còn có một số nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo ông Vũ Khắc Anh Việt - Trưởng phòng Kiểm soát chi KBNN Bình Dương, trình tự, thủ tục thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy trình mất nhiều thời gian. Có trường hợp sau khi phê duyệt được đơn giá, phương án bồi thường đến khi chi trả phải điều chỉnh lại đơn giá mới. Công tác vận động người dân đồng thuận với chủ trương, đơn giá đền bù giải tỏa các dự án đầu tư công rất khó khăn, phức tạp và kéo dài.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các trung tâm phát triển quỹ đất có nơi chưa chặt chẽ, chưa kịp thời trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Một số dự án quy mô lớn liên quan nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh do các chủ đầu tư chưa thực hiện tốt công tác phối hợp, làm chậm tiến độ triển khai dự án.
Cũng theo ông Việt, đa số chủ đầu tư chưa chủ động xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện phù hợp với thời gian dự án được phê duyệt, từ đó việc xác định nhu cầu sử dụng vốn không sát với tiến độ triển khai và khả năng giải ngân thực tế. Điều này cũng gây khó khăn trong quản lý, điều hành kế hoạch vốn chung của tỉnh.
Công tác chuẩn bị đầu tư dự án chưa được chủ đầu tư quan tâm tính toán đầy đủ, khi triển khai thực hiện vượt tổng mức đầu tư so với chủ trương được duyệt phải tiến hành các thủ tục điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện ảnh hưởng tiến độ dự án và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu là tác động tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện dự án như: hạn chế họp triển khai công tác giải phóng mặt bằng, hạn chế tiếp xúc trao đổi trực tiếp trong công tác thẩm định,… cũng đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung các dự án.
Ông Nguyễn Chí Đức - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, tiến độ một số dự án chưa đáp ứng được nhu cầu theo kế hoạch đề ra do công tác đền bù giải tỏa khi triển khai thực hiện phải tuân theo nhiều quy trình, mất khá nhiều thời gian. Nhiều dự án phát sinh phải làm lại, bổ sung nhiều lần do vướng thủ tục đơn giá.
Xóa bỏ nhiều điểm nghẽn
Ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hơn hai tháng qua, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, ban hành nhiều văn bản, đề ra giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chủ đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
UBND tỉnh cũng thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các công trình trên địa bàn tỉnh; phân công Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng ban; định kỳ hàng tháng họp đánh giá, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền.
Tỉnh đã áp dụng hình thức điều chuyển nhiều dự án hoàn thành sớm công tác chuẩn bị đầu tư sang danh mục thực hiện dự án, tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai liên tục, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, để giải quyết linh hoạt, chủ động nguồn vốn cho các công trình, dự án trọng điểm, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung 1.441 tỷ 924 triệu đồng trong kế hoạch đầu tư công các tháng cuối năm 2020 đảm bảo nhu cầu vốn thực hiện dự án theo tiến độ đề ra.
Ông Nguyễn Thanh Trúc cho biết thêm, mới đây tỉnh đã khởi công 3 dự án lớn chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, gồm: Dự án đường dẫn cầu Bạch Đằng 2, bắc qua sông Đồng Nai nối 2 xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) với xã Lợi Hòa (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), có tổng mức đầu tư gần 143 tỷ đồng.
Dự án xây dựng đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đoạn từ thị trấn Tân Thành đến cầu Tam Lập (huyện Phú Giáo), có tổng mức đầu tư gần 725 tỷ đồng.
Dự án xây dựng đường và cầu kết nối 2 tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh. có tổng mức đầu tư gần 370 tỷ đồng nhằm hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ liên vùng nói chung và hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh nói riêng.
Về phía KBNN, theo ông Vũ Khắc Anh Việt, thời gian qua đơn vị đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giao dịch thanh toán qua chương trình dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, đơn vị đã thực hiện 100% chứng từ đề nghị thanh toán vốn đầu tư bằng phương thức này, giúp chủ đầu tư, ban quản lý dự án giảm thời gian và chi phí đi lại khi giao dịch với kho bạc. Qua đó, việc công khai minh bạch xử lý hồ sơ, đơn vị có thể giám sát được từng khâu, thấy được hồ sơ của mình đang xử lý ở giai đoạn nào.
Cùng với đó, KBNN rút ngắn thời gian xử lý chứng từ thanh toán, đảm bảo sớm hơn hoặc chậm nhất là bảo đảm quy định thời gian xử lý là tối đa 3 ngày làm việc với các khoản chi phải kiểm soát trước thanh toán sau; xử lý trong ngày các khoản thanh toán trước, kiểm soát sau.
Để tập trung thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, UBND tỉnh Bình Dương đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tỉnh áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt hơn trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Theo đó, chính quyền tỉnh tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện gắn với kế hoạch giải ngân từng dự án báo cáo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp triển khai, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đảm bảo thực hiện song song 2 nhiệm vụ vừa tập trung giải ngân kế hoạch năm 2020 vừa xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021 và kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.
Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, phải kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; điều chuyển, kiểm điểm, xử lý những trường hợp làm chậm, sai phạm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.
Tại các buổi giao ban định kỳ chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tháo gỡ ngay và kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn; đồng thời khẩn trương rà soát lại các nhiệm vụ, cơ chế phối hợp; quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo đúng cam kết đảm bảo tiến độ.