Bình Dương: Nửa đầu năm, kinh tế – xã hội tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, 6 tháng đầu năm 2024 trong 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, có 04 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 04 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch, 03 chỉ tiêu chưa đạt 50% kế hoạch năm, xếp thứ 5 vùng Đông Nam bộ.
Theo tỉnh Bình Dương, 6 tháng đầu năm 2024, do nhiều nguyên nhân khác nhau, công tác giải ngân vốn đầu tư công và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là những chỉ tiêu chưa đạt kỳ vọng đặt ra.
Cụ thể, trong 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, phát triển Đảng năm 2024, trong 6 tháng đầu năm, có 04 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm (Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; tổng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ trường công đạt chuẩn quốc gia), 04 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch năm (Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; Chỉ số sản xuất công nghiệp; thu ngân sách; xây dựng nhà ở xã hội; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý), 03 chỉ tiêu chưa đạt 50% kế hoạch năm (gồm: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tổng chi cân đối ngân sách địa phương; phát triển đảng viên mới), 09 chỉ tiêu còn lại sẽ được đánh giá vào cuối năm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 166.180 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Ước thu ngân sách 35.165 tỷ đồng, đạt 49% dự toán HĐND tỉnh và đạt 54% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 11% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp tăng gấp 2 lần so cùng kỳ năm 2023. Hoạt động xuất - nhập khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu đạt 16,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư toàn xã hội của Bình Dương vẫn duy trì mức tăng trưởng dương 6,8%. Thu thuế nội địa thực hiện 26.938 tỷ đồng, đạt 56% dự toán và cả năm 2024 sẽ thực hiện 52.468 tỷ đồng, đạt 109% dự toán.
Cũng theo tỉnh Bình Dương, mặc dù kinh tế - xã hội có xu hướng chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 6,19%, xếp thứ 5 vùng Đông Nam bộ và thứ 34 cả nước. Bên cạnh đó, thu hút FDI của tỉnh giảm mạnh và đứng thứ 9 cả nước.
Lý giải nguyên nhân, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương nhận định, xu hướng đầu tư của thế giới đã có sự tinh chỉnh. Trong quý I/2024, 03 lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất của thế giới là năng lượng tái tạo, bất động sản công nghiệp và điện thì Bình Dương chưa có dự án FDI nào về năng lượng tái tạo, trong khi Việt Nam xếp thứ 2 trong 10 nền kinh tế đang phát triển có vốn đầu tư lớn từ nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đến nay, tỉnh đã giải ngân được 4.289 tỷ đồng trên tổng kế hoạch vốn 22.000 tỷ đồng, đạt 19,5% kế hoạch tỉnh giao và chỉ đạt 28,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Nguyên nhân chủ yếu của công tác giải ngân chậm được tỉnh Bình Dương cho biết, do Luật Đấu thầu mới có hiệu lực, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chưa được ban hành kịp thời, ảnh hưởng đến công tác lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các sở, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ còn chưa nhịp nhàng, có lúc, có nơi còn chưa quyết tâm đeo bám để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về đền bù giải phóng mặt bằng của từng dự án.
Tuy nhiên, Bình Dương cũng nhận định, dư địa để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới còn khá lớn do các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đã và đang được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ. Phần lớn vốn chưa giải ngân tập trung tại các công trình trọng điểm với điểm "rơi" nhu cầu vốn vào các quý cuối năm. Hơn nữa, chi phí giải phóng mặt bằng vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu bố trí vốn đầu tư, đối với chi phí này, sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan sẽ giải ngân được lượng vốn rất lớn trong thời gian ngắn.
Phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh Bình Dương yêu cầu các cấp ủy, các ngành, địa phương cần rà soát tập trung thực hiện các giải pháp để hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu của năm 2024 và cả nhiệm kỳ. Trong đó, cần tập trung khắc phục tình trạng bảo thủ, trì trệ trong tổ chức hoạt động, điều hành. Từng ngành, từng cấp rà soát tổ chức bộ máy, tự soi, tự sửa, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, kịp thời báo cáo những vấn đề vướng mắc để cùng bàn giải pháp tháo gỡ.
Tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao các Chỉ số PCI, PAPI, PAR Index… Hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thiện Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2024 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Bố trí đủ vốn cho các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm như đường Vành đai 4, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một - Chơn Thành…