Bình Dương: Phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Chiều ngày 19/9, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo thông tin về hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với các hoạt động quảng bá Top 1 ICF (Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới).

Tại buổi họp báo, ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương thông tin, ngày 3/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch). Do đó, tỉnh kỳ vọng thông qua các sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trong khuôn khổ hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương có thể huy động tối đa các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.

Theo đó dự kiến hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xúc tiến đầu tư và truyền thông, quảng bá Top 1 ICF sẽ diễn ra vào ngày 26/9 với khoảng 1.000 đại biểu tham dự.

Quang cảnh buổi họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, song song với sự kiện trên, các hoạt động tiêu biểu cũng sẽ diễn ra như: Khảo sát công trình đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (đoạn qua tỉnh Bình Dương); Triển lãm năng lượng và tự động hóa toàn cầu. Cũng trong chuỗi sự kiện sẽ diễn ra nghi thức khởi công Khu phức hợp WTC Bình Dương, khởi công Khu công nghiệp Cây Trường; khánh thành đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; khánh thành cầu Bạch Đằng 2.

Được biết, theo Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030 được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 đô la Mỹ; cơ cấu kinh tế năm 2030, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%, ngành dịch vụ chiếm 28%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP.

Dân số đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 19 bác sĩ; đạt 35 giường/10.000 dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới dưới 1%.

Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt 99% và tại nông thôn đạt 95%; chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt 60%; tỷ lệ nước thải các khu, cụm công nghiệp được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 100% đối với đô thị, phấn đấu đạt 80% đối với nông thôn. Mạng di động thế hệ mới được triển khai đảm bảo chất lượng phủ sóng 4G, 5G tại 100% khu, cụm dân cư.

Bình Dương phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bình Dương phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.

Đến năm 2030, tỉnh Bình Dương có 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại I (thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An); 2 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại II (thành phố Tân Uyên, thành phố Bến Cát); 1 đô thị đạt tiêu chí thị xã - đô thị loại IV (huyện Bàu Bàng); 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV (thị trấn Tân Thành - huyện Bắc Tân Uyên, thị trấn Phước Vĩnh - huyện Phú Giáo, thị trấn Dầu Tiếng - huyện Dầu Tiếng); thành lập mới một số đô thị thuộc huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Dầu Tiếng, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 88 - 90%.

Để thực hiện quy hoạch hiệu quả, tỉnh triển khai 8 chương trình hành động ưu tiên, gồm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); phát triển mạng lưới không gian xanh; phát triển mạng lưới vận tải hàng hóa và logistics; phát triển khu phức hợp Bàu Bàng; phát triển khu đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế tại thành phố mới Bình Dương; tái thiết đô thị phía Nam.

Thành Đồng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/binh-duong-phan-dau-den-nam-2030-tro-thanh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-177763.html