Bình Dương: Sở TN&MT ra thông báo gây thiệt hại cho doanh nghiệp?
Công ty TNHH Kim Đại Dương (37 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) vừa có đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng cho rằng, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương ra thông báo thu hồi 02 GCNQSDĐ đã cấp cho doanh nghiệp là sai quy định, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án nhà ở tại địa phương.
Theo đó, ngày 9/10/2007, Công ty Kim Đại Dương được cấp 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số AI 804518 (thửa số 150, tờ bản đồ số 50, diện tích 231,2m2) và số AI 804520 (thửa số 268, tờ bản đồ số 43, diện tích 3.417,5m2) tại phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương để xây dựng Dự án Khu nhà ở cao tầng Eden - Thuận An.
Dự án Vista Riverside (tên gốc là Eden - Thuận An) đang thi công phần móng.
Đến ngày 8/10/2010, Công ty Kim Đại Dương có ký hợp đồng chuyển nhượng 02 GCNQSDĐ nói trên cho Công ty TNHH Vạn Mỹ Phú (trụ sở ở phường An Phú, quận 2, TP.HCM) tại Phòng công chứng số 2 tỉnh Bình Dương.
Sau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng, Công ty Vạn Mỹ Phú đã đến Sở TN&MT tỉnh Bình Dương để hỏi về các thủ tục sang tên, nhưng được phản hồi rằng 02 thửa đất theo 02 GCQNSDĐ đã cấp ngày 9/10/2007 nói trên không đủ điều kiện chuyển nhượng do đây là đất cấp theo dự án, chưa thực hiện hoạt động xây dựng và Công ty Vạn Mỹ Phú không kinh doanh ngành nghề phù hợp.
Như vậy, Công ty Vạn Mỹ Phú đã không tiếp tục thực hiện giao dịch mua đất, không chuyển tiền theo thỏa thuận hợp đồng với Công ty Kim Đại Dương.
Đến năm 2018, Công ty Kim Đại Dương tiếp tục thực hiện dự án và phát hiện 02 GCNQSDĐ số AI 804518 và số AI 804520 cấp ngày 9/10/2007 bị mất do di chuyển văn phòng và thay đổi nhân sự lưu trữ.
Công ty Kim Đại Dương sau đó đã thực hiện các thủ tục đề nghị cấp lại GCNQSDĐ đã mất và được Sở TN&MT tỉnh Bình Dương cấp lại vào ngày 17/1/2019, các GCNQSDĐ có số lần lượt là CN 377185 và CN377186.
Tuy nhiên ngay sau đó, Công ty Vạn Mỹ Phú và chi nhánh một ngân hàng tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã có khiếu nại với Sở TN&MT tỉnh Bình Dương, yêu cầu thu hồi 02 GCNQSDĐ nói trên với lý do ngân hàng đang giữ 02 bản gốc GNCQSDĐ (đã cấp cho Công ty Kim Đại Dương ngày 9/10/2007) do Công ty Vạn Mỹ Phú thế chấp để vay vốn.
Tới ngày 27/9/2019, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương có công văn số 4724/STNMT-VPĐKĐĐ-CCQLĐĐ gửi các cơ quan, đơn vị tại tỉnh Bình Dương để thông báo việc thu hồi 02 GCNQSDĐ số CN 377185 và CN377186 đã cấp cho Công ty Kim Đại Dương ngày 17/1/2019.
Quá bất ngờ, Công ty Kim Đại Dương cho rằng chưa từng bàn giao 02 GCNQSDĐ cho phía Công ty Vạn Mỹ Phú, và hoàn toàn không biết Công ty Vạn Mỹ Phú thế chấp 02 GCNQSDĐ nói trên để vay vốn. Hơn nữa, thời điểm Công ty Vạn Mỹ Phú ký thế chấp 02 GCNQSDĐ đứng tên Công ty Kim Đại Dương thì phía ngân hàng chưa thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm tại Sở TN&MT tỉnh Bình Dương, cũng như không yêu cầu bên thế chấp (Công ty Vạn Mỹ Phú) thực hiện các thủ tục sang tên theo quy định (?).
Sở TN&MT nằm trong Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương.
Làm việc với đại diện Sở TN&MT tỉnh Bình Dương, phóng viên đã đề nghị cơ quan này thông tin làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có việc: Căn cứ quy định pháp luật nào để Sở TN&MT tỉnh Bình Dương thu hồi 02 GCNQSDĐ đã cấp hợp pháp, hợp lệ cho doanh nghiệp đang thực hiện dự án nhà ở tại địa phương? Tại sao chưa cho quyết định thu hồi chính thức, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương đã thông báo tới nhiều cơ quan liên quan, dẫn tới pháp lý dự án bị định trệ, dư luận hoang mang, doanh nghiệp thiệt hại,… và ai sẽ chịu trách nhiệm?
Thêm nữa, đối với hợp đồng chuyển nhượng giữa Công ty Kim Đại Dương và Công ty Vạn Mỹ Phú, chúng tôi đã đề nghị Sở TN&MT tỉnh Bình Dương làm rõ: Hợp đồng đã xin phép các cơ quan có thẩm quyền và thực hiện các thủ tục sang tên, nộp phí/ thuế theo quy định pháp luật hay chưa? Và theo ý kiến chuyên môn của Sở, hợp đồng trên có hiệu lực pháp luật hay vô hiệu?
Trong quá trình thực hiện tìm hiểu vụ việc, phóng viên đã gặp không ít khó khăn trong tác nghiệp, phải qua rất nhiều khâu/ bộ phận mới có thể đặt các câu hỏi phỏng vấn và yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Bình Dương sau đó cho biết sẽ phản hồi báo chí qua đường công văn, trong vòng 7 đến 10 ngày.
Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.