Bình Dương tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận y tế kịp thời nhất

Ngày 29/11, tại tỉnh Bình Dương ghi nhận thêm 697 ca mắc COVID-19 mới đã qua xét nghiệm RT-PCR với đầy đủ các thông tin dịch tễ; 22 bệnh nhân tử vong.

Công ty Hansol vina phối hợp cùng Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương lấy mẫu gộp sàng lọc cho người lao động tại nhà máy. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Công ty Hansol vina phối hợp cùng Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương lấy mẫu gộp sàng lọc cho người lao động tại nhà máy. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Tính từ đợt dịch thứ 4, đến nay Bình Dương ghi nhận 281.605 ca mắc COVID-19; 2.711 ca tử vong. Toàn tỉnh đang có 11.543 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 3.469 bệnh nhân đang nằm viện, có 443 bệnh nhân ở tầng 3. Số bệnh nhân nặng, nguy kịch cần thở oxy là 286 bệnh nhân. Cùng với đó có 8.074 bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà.

Hiện, ngành Y tế tỉnh đang tập trung vào chiến lược tăng cường Trạm y tế lưu động kết hợp với Tổ y tế cộng đồng thực hiện giám sát, tư vấn hỗ trợ cho hàng ngàn F0 đang điều trị tại nhà. Trên địa bàn tỉnh hiện có 162 Trạm y tế lưu động (gồm 99 Trạm y tế lưu động tại các xã, phường thị trấn; 43 Trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp; 20 Tổ lưu động của Quân y).

Ngày 29/11, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã thị sát Phòng khám y tế Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 2A (VSIP 2A) chuyên thực hiện thu dung điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trực thuộc bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước Becamex. Phòng khám có quy mô 120 giường, được trang bị thiết bị y tế, cơ số thuốc điều trị COVID-19 đầy đủ, hệ thống oxy tại các giường bệnh... với nguồn nhân lực y tế gồm 4 bác sĩ và 12 điều dưỡng.

Phòng khám được đầu tư hoàn thành thêm các hạng mục để vừa thực hiện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 vừa khám chữa bệnh thông thường cho người lao động trong khu công nghiệp VSIP 2A. Việc thành lập và đưa vào hoạt động Phòng khám y tế này góp phần cùng hệ thống y tế nhà nước phòng, chống dịch trong tình hình mới đạt hiệu quả cao. Đồng thời, tạo điều kiện cho người lao động làm việc trong Khu công nghiệp VSIP 2A được tiếp cận y tế nhanh nhất, kịp thời nhất khi cần.

Liên quan đến một trường hợp tiêm vaccine phòng COVID-19 bị ngất xỉu được cấp cứu vào trưa 29/11, bà Lê Thị Kim Cúc, Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết, nam thiếu niên (17 tuổi) sau khi qua cấp cứu đã ổn định sức khỏe trở lại và được cho về nhà.

Trước đó, sáng 29/11, tại một điểm tiêm vaccine Pfizer cho người có độ tuổi 15 đến 17 tại phường Hiệp Thành, trong thời gian chờ theo dõi sức khỏe sau tiêm có một nam thiếu niên đột nhiên bủn rủn chân tay và ngất xỉu. Ngay lập tức, các nhân viên y tế đã nhanh chóng sơ cứu và đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu. Sau khi được chăm sóc y tế, sức khỏe nam thiếu niên đã ổn định lại.

Nguyên nhân bước đầu được xác định là do bị tụt huyết áp dẫn đến ngất xỉu. Việc người dân bàn luận về một thiếu niên 17 tuổi ở Bình Dương bị sốc thuốc sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 là thông tin không chính xác.

Đến nay, tỉnh Bình Dương đã tiêm 4.248.367 trên tổng số 4.715.100 liều vaccine phòng COVID-19 được phân bổ (2.442.575 mũi 1 và 1.805.792 mũi 2); đã tiêm được 206.383 liều vaccine phòng cho COVID-19 cho học sinh từ 12-17 tuổi.

Chí Tưởng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/binh-duong-tao-dieu-kien-cho-nguoi-lao-dong-tiep-can-y-te-kip-thoi-nhat-20211129201831206.htm