Bình Dương tạo điều kiện tối đa thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp lớn về thu ngân sách và góp phần tích cực trong chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cũng như đào tạo kỹ năng cho người lao động tại Bình Dương. Vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 76,6% tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh. Những tháng đầu năm 2023, dù còn khó khăn nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục rót vốn, chọn Bình Dương làm điểm đến.
Thu hút nhiều dự án đột phá
Thời gian qua, Đan Mạch vượt qua Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Bình Dương, với dự án Lego có tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD. Với dòng vốn FDI chất lượng cao từ Đan Mạch, Bình Dương sẽ có cơ hội đón thêm nhiều dòng vốn chất lượng từ châu Âu trong thời gian tới.
Mới đây, Tập đoàn Pandora - thương hiệu trang sức Đan Mạch, đã chính thức đầu tư xây dựng cơ sở chế tác trang sức mới tại Khu công nghiệp VSIP III, với tổng vốn đầu tư trên 163 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam, cung ứng 60 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm và tạo việc làm cho hơn 6.000 người. Với dự án này, Đan Mạch trở thành nước dẫn đầu vốn FDI vào tỉnh, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư vào Bình Dương trong những tháng đầu năm 2023.
Bình Dương tiếp tục đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI
4 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 843 triệu USD gồm 24 dự án mới, 10 dự án điều chỉnh tăng vốn và 37 dự án góp vốn mua cổ phần. Lũy kế đến nay, Bình Dương tiếp tục đứng thứ 2 cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh) về thu hút FDI với 4.100 dự án FDI, tổng vốn gần 40 tỷ USD.
Theo ông Kim Højlund Christense - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, việc xây dựng cơ sở chế tác đầu tiên của Pandora tại Việt Nam sẽ góp phần mở rộng và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác chặt chẽ của Đan Mạch với Việt Nam, trong quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế thông qua các dự án đầu tư nước ngoài chất lượng cao, với các nhà máy sản xuất có giá trị sản phẩm và các lao động đòi hỏi tay nghề cao.
Dự án này một lần nữa khẳng định vị thế của tỉnh Bình Dương, một trong những địa phương được các công ty Đan Mạch quan tâm nhất.
Cải cách thực chất
Trong bối cảnh đầu tư toàn cầu và cả nước suy giảm mạnh, Bình Dương cũng chịu không ít tác động. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhận thấy Bình Dương là “đất lành” để phát triển lâu dài. Điều đó thể hiện rõ khi vốn mới, vốn điều chỉnh đều tăng. Điển hình như dự án của Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng thông minh Việt Nam - Singapore điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 27,4 triệu USD…
Trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh để trao đổi về kế hoạch mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đại diện Tập đoàn P&G cho biết sẽ tiếp tục rót thêm từ 80 - 100 triệu USD để mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương, thu hút thêm khoảng 150 lao động. Tham vọng của Tập đoàn P&G là Việt Nam sẽ thành nơi tập trung sản xuất hiện đại trong chuỗi sản xuất của tập đoàn trên thế giới.
Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài xác định, Bình Dương vẫn là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Việc có thêm các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thuộc những lĩnh vực quan trọng là năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo gần đây tiếp tục minh chứng cho sự ổn định và uy tín của Bình Dương trong hoạt động thu hút vốn FDI.
Tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để thu hút nhiều hơn những dự án chất lượng cao đến với địa phương và sẽ tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư của những dự án như thế này. Bình Dương không ngừng đổi mới, cải cách thực chất môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn để thúc đẩy thu hút các dự án lớn, hình thành môi trường đầu tư kinh doanh tích cực./.