Bình Dương thông tin vụ rừng trong khu di tích bị 'tàn phá'
Trước thông tin cho rằng hàng chục héc ta rừng trong khu di tích lịch sử bị tàn phá, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương hôm nay đã chính thức lên tiếng.
Mới đây, thông tin cho rằng, tại Khu di tích lịch sử chiến khu D thuộc xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có 27 ha gỗ rừng bị tàn phá tan hoang. Về việc này, UBND tỉnh Bình Dương vả Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên tiếng.
Theo đó, ông Nguyễn Khoa Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, tại khu di tích lịch sử chiến khu D do đơn vị trực tiếp quản lý. Thông tin cho rằng, 27 ha rừng tại khu di tích bị tàn phá tan hoang là chưa chính xác.
Trong khi đó, Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết thêm, vào ngày 28/8/2019 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ông Mai Hùng Dũng đã ký quyết định số 2504 về việc chấp thuận chủ trương khai thác tận thu, thanh lý gỗ keo tai tượng để thay mới loại cây trồng khác do lâu năm cây bị chết khô.
Vào thời điểm đó, UBND tỉnh Bình Dương cử lực lượng kiểm kê, xác định trong 27 ha rừng còn 8.734 cây keo tai tượng. Trong đó có 3.658 cây keo còn sống với trữ lượng lâm sản tương đương 769,4 m3. Số còn lại là cây keo chết với trữ lượng khoảng 961,8 m3. Theo đánh giá của đoàn kiểm kê, với trữ lượng cây keo tai tượng như trên có thể cho sản lượng gỗ thương phẩm khoảng 1.299 m3. Dự án tận thu cây keo trong khu di tích được đấu giá công khai, sau đó một doanh nghiệp trúng thầu với giá trị gần 1 tỷ đồng.
“Hoạt động khai thác gỗ keo trong khu di tích diễn ra bình thường thì xuất hiện dịch COVID-19 khiến các công ty gỗ tạm ngưng dẫn đến việc khai thác cũng tạm ngưng. Một số gỗ keo đã khai thác nhưng chưa đưa ra ngoài mà giữ nguyên tại chỗ. Có thể vì thế mà người ta nghĩ rừng bị tàn phá vô tội vạ. Tất cả đều thực hiện theo chủ trương”, ông Lê Văn Phước – Giám đốc Bảo tàng Bình Dương (đơn vị quản lý khu di tích chiến khu D) nói.
Ông Phước cho biết thêm, việc tận thu, thanh lý cây keo là để thay loại cây khác gồm giáng hương, gõ, sao nhưng không trồng cây nhỏ mà đã ươm lớn từ 4 đến 6 năm. Phía Bảo tàng sẽ đề nghị đơn vị khai thác triển khai nhanh theo tiến độ.
Theo ghi nhận của PV, khu rừng rộng lên đến hàng chục héc ta thuộc Khu di tích lịch sử chiến khu D hiện có một số cây gỗ keo tai tượng được đốn hạ nhưng chưa đưa ra ngoài. Tuy nhiên, xen kẽ với những cây gỗ keo bị đốn gồm các cây gỗ cổ thụ khác và cây keo nhỏ vẫn giữ nguyên.
Bao quanh khu rừng được đầu tư xây dựng đường nhựa và một số công trình phục vụ cho khu di tích lịch sử. Một số khúc cây keo lõi bên trong mục nát, được xếp bên đường trong khu rừng.
Trước đó, dư luận tại tỉnh Bình Dương tỏ ra bức xúc khi cho rằng rừng trong khu di tích lịch sử bị tàn phá một cách “vô tội vạ” thông qua một số hình ảnh xuất hiện cây gỗ bị đốn hạ trong khu di tích chiến khu D.
Từ đó, PV Tiền Phong đã liên hệ các đơn vị liên quan và được cung cấp hồ sơ về vụ việc. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương cho hay, việc dư luận hiểu chưa đúng vấn đề sẽ dẫn đến hoang mang, gây mất niềm tin từ cơ quan chức năng. Đối với khu di tích chiến khu D, đang được đầu tư xây dựng các hạng mục theo lộ trình để bảo tồn phát triển lịch sử, văn hóa địa phương nói riêng và cả nước nói chung.