Bình Dương: Thúc đẩy ngành công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng
Năm 2024, Bình Dương xác định thúc đẩy ngành công nghiệp tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng, trong đó phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7%.
Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 đạt được nhiều kết quả quan trọng và tiếp tục tăng trưởng, nhất là lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 5,95% so với năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,1%, tiếp tục là ngành đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh Bình Dương nói chung. Mặc dù vậy, quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tại các doanh nghiệp trên địa bàn được đánh giá là vẫn phải đối mặt với diễn biến bất lợi, khó lường của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Năm 2024, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn từ tình hình trong nước và thế giới. Điều này sẽ có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trước những thách thức hiện nay, lãnh đạo tỉnh Bình Dương xác định rõ, trong năm 2024, tỉnh tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, cơ cấu thực chất lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm. Trong đó, về phát triển công nghiệp sẽ tập trung phát triển công nghiệp gắn với phát triển hạ tầng đô thị và hội nhập quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ chíp bán dẫn, vi mạch điện tử, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo.
Mới là những tháng đầu năm, nhưng Bình Dương đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh, nhất là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. 2 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp của Bình Dương đã có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu, ký kết nhiều đơn hàng, đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như chế biến gỗ, máy móc thiết bị, giày dép, dệt may có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng, do đó các doanh nghiệp phải tuyển dụng với số lượng lớn lao động, đây là tín hiệu tốt góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Được biết, hiện nay, Bình Dương có khoảng 9.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 25% số lượng và trên 57% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu là thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, như: Đồ gỗ nội thất, máy móc, thiết bị, hàng dệt may, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày…
Năm 2024, Bình Dương cũng sẽ tăng tốc, nhanh chóng mở rộng diện tích các khu công nghiệp (KCN) theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngay sau khi HĐND tỉnh thông qua đồ án quy hoạch KCN VSIP III (giai đoạn 2), hơn 800 ha và KCN Cây Trường 700 ha, các KCN này đang tiến hành hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sẵn sàng mặt bằng sạch để đón thêm dòng vốn mới. Cùng với các KCN khác của tỉnh, 2 KCN mới này được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng mới cho Bình Dương./.
Theo dangcongsan.vn