Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút vốn FDI của Nhật Bản
Thống đốc tỉnh Yamaguchi, Muraoka Tsugumasa cho biết, với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành thu hút vốn FDI vào Việt Nam nhiều nhất, là một địa điểm ưu tiên lựa chọn của nhà đầu tư như Nhật Bản...
UBND tỉnh Bình Dương vừa phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và chính quyền tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản tổ chức chương trình “Gặp gỡ Nhật Bản 2023” (Meet Japan 2023), nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2023).
Phát biểu tại sự kiện, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sự kiện là dịp để tỉnh Bình Dương và các đối tác Nhật Bản cùng đánh giá kết quả hợp tác trong thời gian qua và đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ sự kiện, sẽ diễn ra các chương trình khác như: Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa và Hội chợ Công thương vùng Đông Nam Bộ tại Trung tâm Triển lãm WTC Expo từ ngày 05/9 đến ngày 10/9/2023; Tham quan một số dự án, công trình và làm việc với một số Công ty Nhật Bản tại tỉnh Bình Dương; Lễ hội tại AEON MALL Thuận An Bình Dương với chủ đề “Nâng tầm hợp tác, hướng tới tương lai” từ ngày 08/9 đến ngày 10/9/2023…
“Chuỗi các sự kiện nêu trên nhằm đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế, thu hút nguồn vốn đầu tư cũng như thực hiện thúc đẩy việc quảng bá rộng rãi hình ảnh tỉnh Bình Dương và tăng cường mối quan hệ giữa tỉnh với các địa phương, đối tác Nhật Bản, qua đó góp phần vào việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản”, ông Minh cho biết thêm.
Vốn FDI từ Nhật Bản tiếp tục rót vào Bình Dương
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương hiện là tỉnh có sự phát triển mạnh về công nghiệp với 29 khu công nghiệp có tổng diện tích quy hoạch gần 13.000 ha; là tỉnh đứng thứ 02 Việt Nam về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau TP.HCM) với gần 4.150 dự án đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng số vốn đầu tư hơn 40 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, có nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới đã đầu tư vào Bình Dương như: Tokyu, Aeon, Mitsubishi (Nhật Bản), Lego, Pandora (Đan Mạch), Procter & Gamble (Mỹ), Kumho (Hàn Quốc), Mapletree (Singapore),…
Tại sự kiện, nhiều dự án lớn của Nhật Bản đã được công bố và trao chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng như: dự án của Công ty Nitto Denko Việt Nam sẽ khởi công giai đoạn 6 nhà máy với tổng vốn đầu tư hơn 113 triệu USD; Công ty YUWA Việt Nam nhận giấy phép xây dựng thêm dự án có tổng vốn đầu tư là 40 triệu USD; Công ty TNHH MTV SKM Việt Nam khởi công thêm nhà máy 10 triệu USD…
Cũng tại sự kiện, tỉnh Bình Dương và tỉnh Yamaguchi đã ký kết hợp tác về lĩnh vực điều dưỡng giữa hai địa phương. Bên cạnh đó, Tổng công ty Becamex IDC ký kết hợp tác với Công ty TNHH Aeon Việt Nam (thuộc Tập đoàn Aeon - Nhật Bản). Trước đó, công ty này đầu tư dự án tại thành phố mới Bình Dương với tổng số vốn hơn 5,1 triệu USD.
“Với 350 dự án và tổng số vốn đầu tư là gần 6 tỷ USD, Nhật Bản hiện là nhà đầu lớn thứ 02 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại tỉnh Bình Dương”, ông Fujiwara Hirohisa, Giám đốc điều hành khối kinh doanh quốc tế Tập đoàn Tokyu cho hay.
Bình Dương hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản
Ông Muraoka Tsugumasa, Thống đốc tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản cho biết, với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, Bình Dương hiện là một trong những tỉnh, thành thu hút vốn FDI vào Việt Nam nhiều nhất.
Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục rót vốn vào tỉnh Bình Dương. Cụ thể, trong 3 thỏa thuận cung cấp vốn ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với Việt Nam gần đây nhất có dự án “Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng Bình Dương” với số vốn ODA cung cấp là 6,244 tỷ yên, tương đương 1.093 tỷ đồng.
Kế đến là, hợp tác chiến lược giữa Công ty VNTT (thành viên của Becamex IDC) và NTT Data (thành viên của Tập đoàn NTT East), với các giải pháp ứng dụng thành phố thông minh và khu công nghiệp thông minh, giúp các doanh nghiệp chuyển đổi nhà máy sản xuất thông minh.
Ngoài ra, còn có dự án Khu đô thị Tokyu của Công ty Becamex Tokyu với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,2 tỷ USD. Dự án này tọa lạc tại khu đô thị mới thành phố mới Bình Dương với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng đang phát huy hiệu quả tại Bình Dương.
Theo ghi nhận, trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã tích cực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ, xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp và quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới.
Mới đây, tỉnh Bình Dương cũng đã xây dựng Chương trình số 42-CTr/TU ngày 02/8/2021 về Tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021–2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch số 2585/QĐ-UBND ngày 17/10/2022 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 42-CTr/TU ngày 02/8/2021 của Tỉnh ủy.
Mục tiêu cụ thể là tập trung đầu tư các trục đường giao thông trọng điểm, huyết mạch (Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước Tân Vạn nối dài, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng…) của tỉnh và của Vùng, tiếp tục đề xuất kiến nghị Trung ương, phối hợp với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đẩy nhanh đầu tư, kết nối các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... theo quy hoạch Vùng nhằm giảm tải cho các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh, nhất là các tuyến kết nối Bình Phước, vùng Tây Nguyên, các Khu công nghiệp phía Tây Bắc TP.HCM đến cảng biển, sân bay quốc tế.
Đối với đường thủy nội địa, tỉnh đã đầu tư và kêu gọi đầu tư hoàn thiện các đường giao thông kết nối với cảng thủy nội địa, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cảng thủy nội địa đảm bảo quy mô theo quy hoạch (cảng An Tây, cảng Thanh An, cảng Thới Hòa…); đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm logistics, các cảng cạn (ICD), các bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa; xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông thông minh tỉnh Bình Dương, chuyển đổi số trong quản lý giao thông vận tải.
Đối với đường sắt, phấn đấu xây dựng và đưa vào vận hành dự án kéo dài tuyến Đường sắt đô thị số 1 từ ga Suối Tiên đến phường Bình Thắng, tạo tiền đề xây dựng hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị của tỉnh theo quy hoạch, đa dạng hóa phương thức vận tải hành khách công cộng; phối hợp với Bộ GTVT lập BCNCTKT và kêu gọi nhà đầu tư, đầu tư tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa từ Bàu Bàng đến Cái Mép – Thị Vải.
Trong những năm qua, Bình Dương luôn được đánh giá là một trong những tỉnh thành dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Trong 06 tháng đầu năm 2023, tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,7% so với tháng trước; ước tăng 2,1% so với cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu uớc đạt 15,1 tỷ USD; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD.
Bình Dương cũng được đánh giá là tỉnh thu hút mạnh dòng vốn đầu tư FDI. Cơ cấu kinh tế của tỉnh dịch chuyển tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp. Tỉnh cũng luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2022, tỉnh xếp thứ 2 về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).
Thêm vào đó, trong những năm gần đây, Bình Dương đã tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài xây dựng và triển khai Đề án Thành phố thông minh và Vùng Đổi mới sáng tạo, đặc biệt là khu công nghiệp khoa học - công nghệ với tầm nhìn trở thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với những điểm sáng nổi bật cùng định hướng phát triển nhanh và bền vững, Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn và lâu dài với các nhà đầu tư nước ngoài như: Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Hàn Quốc…