Bình Dương - Truyền thống và khát vọng phồn vinh
“Về đi anh, chúng ta cùng chung tiến/ Cùng đồng lòng kiến tạo một tương lai/ Đưa Bình Dương bước một bước tiến dài/ Bằng tất cả yêu thương, lòng nhân ái…”. Tiếp nối truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng; phát huy những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là qua 26 năm xây dựng, phát triển; Bình Dương hôm nay đang mang khát vọng vươn mình lớn lao, cùng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc…
Đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đảng viên lão thành cách mạng. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Tiếng gọi mạch nguồn
Đi cùng với tiến trình lịch sử, Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương đã có trên 300 năm hình thành, xây dựng và phát triển. Cùng với Gia Định, Đồng Nai xưa, vùng miền Đông Nam bộ ngày nay, Bình Dương là vùng đất được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, có những điều kiện sinh thái đặc biệt nên cư dân Bình Dương có những đặc điểm riêng, từ lịch sử hình thành, văn hóa đến kỹ năng nghề nghiệp. Do có nguồn tài nguyên phong phú, tạo điều kiện phát triển các nghề thủ công truyền thống nên Bình Dương được biết đến bởi nghề làm gốm, sơn mài… với 2 làng nghề trứ danh là Sơn mài Tương Bình Hiệp và Gốm Lái Thiêu. Vùng đất Bình Dương cũng từ lâu đã được biết đến với hình ảnh nhộn nhịp của sự giao thương và hội tụ từ nhiều vùng miền trong cả nước. “Sông sâu nước chảy điệp trùng bán buôn/ Nhà khéo cất tốn bạc muôn/ Tiếng đồn thợ Thủ rập khuôn kỹ càng”…
Bề dày truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời; truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng; tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo sẽ là động lực vô cùng to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc…
Cùng với bề dày văn hóa lịch sử, Bình Dương còn là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, nhân dân có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm. Chùa Hội Khánh, đền Bình Nhâm, đình An Sơn, Đề pô xe lửa Dĩ An… và những địa danh Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bông Trang, Nhà Đỏ, Chiến khu Vĩnh Lợi, Chiến khu Đ, Chiến khu Thuận An Hòa, Địa đạo Tam giác sắt… là những “địa chỉ đỏ” ghi biết bao dấu son trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, giành độc lập dân tộc của quân và dân Bình Dương… Qua bao thăng trầm, bình yên và chiến tranh, rồi hòa bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương hôm nay lại cùng nhau bắt tay cùng xây dựng quê hương. “Em về đất rộng Bình Dương/ Phố mai là gió môi hường se dâu…”.
“Nhân thời mở vận”
Quá trình tạo dựng, phát triển vùng đất Bình Dương cho đến nay, biết bao thế hệ nối tiếp nhau đã đổ mồ hôi và xương máu khai phá, bảo vệ vùng đất thân yêu của mình. Trong suốt tiến trình lịch sử, vùng đất và con người Bình Dương đã quyện vào nhau, tác động lẫn nhau cùng tồn tại và phát triển. Đây chính là điều hình thành nên bản sắc văn hóa, là sức mạnh nội sinh để Bình Dương bắt đầu vươn lên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa kể từ khi hít thở luồng gió đổi mới.
Sau khi hòa bình lập lại, Bình Dương phải gánh chịu hậu quả từ chiến tranh tàn phá nặng nề, trong bối cảnh chung cả nước bị bao vây, cấm vận, rồi trải qua cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam… Tất cả gần như đã vắt kiệt sức người, sức của. Trong bộn bề khó khăn, thách thức ấy, bằng sức mạnh nội sinh, với khát vọng làm thay đổi vùng đất thân thương này, tỉnh đã xác định muốn đi lên thì phải huy động được sức người, sức của, tài nguyên, vật lực, vốn liếng trong và ngoài nước, khoa học kỹ thuật tiến bộ. Và chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” ra đời để địa phương bắt đầu thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thế rồi, từ Sóng Thần I, khu công nghiệp (KCN) đầu tiên, đến cuối năm 1996, tỉnh đã quy hoạch 15 KCN với diện tích trên 6.000 ha, đặc biệt là sự ra đời của KCN Việt Nam - Singapore I, đặt nền móng cho sự phát triển công nghiệp của tỉnh.
Bước ra khỏi chiến tranh, từ một tỉnh thuần nông, đất đai rộng mà không làm ra của cải vật chất, lương thực thiếu thốn, công nghiệp chưa có gì, đến năm 1995, tỷ trọng công nghiệp đã chiếm 25%, tỷ trọng dịch vụ chiếm 25% và nông, lâm nghiệp chiếm 50% trong cơ cấu kinh tế. Đây là bước tiến quan trọng, đặt nền móng cho một Bình Dương lấp lánh sắc màu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vươn mình trỗi dậy sau khi được chia tách ra từ tỉnh Sông Bé vào năm 1997.
Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, tháng 12-1996 về chia tách tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước cũng như việc thành lập Đảng bộ tỉnh Bình Dương là một sự kiện đúng đắn, đúng thời điểm, có ý nghĩa “nhân thời mở vận” để Bình Dương bước sang một trang sử mới. Đây không chỉ là sự kiện mở đầu mà còn là tiền đề để Bình Dương phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, chủ động tìm tòi, sáng tạo trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đưa tỉnh trở thành hình mẫu lý tưởng của đất nước về công nghiệp hóa, đô thị hóa, xây dựng cuộc sống giàu mạnh cho nhân dân.
Bình Dương đang cất cánh trong thời kỳ mới, phấn đấu trở thành đô thị thông minh, văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình . Ảnh: QUỐC CHIẾN
Trong suốt chặng đường phát triển, Bình Dương đã quyết tâm đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hiện đang chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới theo xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng đô thị thông minh, vùng đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới...
Bằng khát vọng vươn lên, với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm, tiếp nối chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, Bình Dương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt với phương châm “giao thông đi trước mở đường”, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó “cơ chế một cửa, một dấu” được coi là đột phá, đã đưa Bình Dương trở thành một “hiện tượng thần kỳ” của cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chỉ sau một thời gian ngắn, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, công nghiệp chiếm 65%, dịch vụ trên 30%, nông nghiệp chỉ còn khoảng 5%...
Hiện nay, Bình Dương đã trở thành “thủ phủ công nghiệp” của khu vực Đông Nam bộ và cả nước với 30 KCN, tổng diện tích trên 12.000 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân 87,4% và hàng chục cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong năm 2022, tỉnh đã thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 77.986 tỷ đồng, lũy kế toàn tỉnh có 59.105 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn 608.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2,841 tỷ đô la Mỹ, lũy kế toàn tỉnh có 4.076 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn 39,67 tỷ đô la Mỹ…
Hiện thực hóa khát vọng phồn vinh
Qua 26 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã tạo được những chuyển biến đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và đô thị. Từ một tỉnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, Bình Dương đã có sự phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với thời điểm chia tách tỉnh. Kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục. Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; luôn đi đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngay cả ở những thời điểm kinh tế thế giới có những dấu hiệu khủng hoảng hay suy thoái, nhất là trong thời gian cả thế giới chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bình Dương vẫn là điểm sáng về thu hút đầu tư và thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng…
Trong phát triển kinh tế và đô thị, nét độc đáo của Bình Dương là luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá, hạt nhân là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Từ lợi thế về hạ tầng phát triển công nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều dự án công nghiệp và đô thị, điển hình là Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, trong đó Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương được quy hoạch và đầu tư theo hướng đạt trình độ đẳng cấp quốc tế và trình độ phát triển theo tiêu chí đô thị sinh thái ứng dụng công nghệ cao; cũng là hạt nhân kết nối với nhiều tuyến giao thông quan trọng của tỉnh, của cả nước.
Song hành với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, quá trình hội nhập quốc tế của địa phương cũng đã, đang diễn ra mạnh mẽ với nhiều kết quả quan trọng, ngày càng đi vào chiều sâu. Bình Dương đã ký kết hợp tác hữu nghị với 10 tỉnh, thành phố của các nước trên thế giới; vinh dự đăng cai và tổ chức thành công các hội nghị của Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis), là thành viên chính thức của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (IFC).
Đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trao tặng bằng khen và hoa chúc mừng các gương sáng kiến tiêu biểu trong thực hiện chương trình “Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Ảnh: ĐỖ TRỌNG
Hội nhập, hợp tác quốc tế không chỉ giúp Bình Dương tranh thủ nguồn vốn mà còn học hỏi được kinh nghiệm, chuyển hóa cung cách sản xuất, kinh doanh của các nước tiên tiến để vận dụng vào thực tiễn. Hoạt động đối ngoại của tỉnh không chỉ mang lại kết quả thiết thực trong phát triển kinh tế mà còn để lại dấu ấn, tình cảm của Bình Dương đối với bạn bè quốc tế; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hình ảnh về đất và người Bình Dương ngày càng trở nên đẹp hơn, ấn tượng hơn trong lòng bạn bè quốc tế...
Có thể nói, những quyết sách nổi bật, mang tính đột phá của tỉnh trong thời gian qua như đặt trọng tâm vào phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, kiên trì theo quy hoạch khung của tỉnh, quy hoạch vùng, thực hiện đồng bộ phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; chú trọng phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường, chú trọng và tranh thủ toàn diện việc hội nhập quốc tế, phát huy vai trò đòn bẩy của doanh nghiệp Nhà nước, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao... là những dấu ấn không thể phai mờ, những bằng chứng sinh động cả về tâm và tầm của Đảng bộ và chính quyền các cấp tỉnh Bình Dương trong 1/4 thế kỷ qua…
“Đã hết rồi của một thời trăn trở/ Không còn đâu những bỡ ngỡ lo âu/ Người Bình Dương đang nô nức làm giàu/ Xây cuộc sống bằng màu xanh hy vọng….”. Qua gần nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước đang dần trở thành hiện thực. Thế và lực của Bình Dương hôm nay là kết quả phấn đấu kiên cường, năng động, sáng tạo không ngơi nghỉ của bao lớp cư dân qua các thời kỳ lịch sử. Đó là hành trang, là vốn liếng quan trọng để Bình Dương cất cánh trong thời kỳ mới - thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phấn đấu sớm trở thành đô thị thông minh, văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình...
Bình Dương hiện là tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. An sinh xã hội được quan tâm, bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng từ các thành quả phát triển. Tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; công tác phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp được coi là điểm sáng của cả nước. Từ năm 2017, tỉnh được công nhận không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương và hiện tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1% theo tiêu chí đa chiều của tỉnh…
NGUYỄN HOÀNG THAO (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương)