Bình Dương vượt qua đại dịch
Trải qua đợt dịch chưa từng có, Bình Dương vẫn vững vàng với tỷ lệ tử vong thuộc nhóm thấp nhất cả nước, kinh tế đạt nhiều điểm sáng.
Là “hàng xóm” giáp ranh, Bình Dương chịu ảnh hưởng đầu tiên trước mọi biến động dù nhỏ của TP.HCM, đặc biệt là dịch bệnh. Trước đó, tỉnh giữ vững “thành trì” trong suốt năm 2020 và phải đến 31/1/2021, Bình Dương mới ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng.
Giữa tháng 6/2021, sau khi TP.HCM phát hiện ra những ca nhiễm chủng Delta đầu tiên, Bình Dương nhanh chóng bùng dịch. Số ca nhiễm tăng nhanh đẩy Bình Dương vào một tình thế chống dịch khó khăn, khốc liệt chưa từng có.
Dù vậy, Bình Dương vẫn thuộc nhóm tỉnh có tỷ lệ tử vong thấp nhất cả nước và duy trì được kết quả kinh tế tích cực nhờ sản xuất “3 tại chỗ” trong dịch bệnh.
"Vùng đỏ đậm đặc" nhưng tỷ lệ tử vong thấp nhất
Thị xã Tân Uyên là địa phương đầu tiên phải giãn cách xã hội khi tỉnh phát hiện 12 ca nhiễm hôm 13/6. Ít ngày sau, TP Thuận An áp dụng Chỉ thị 16.
Kể từ đây, số ca nhiễm tăng nhanh, toàn tỉnh Bình Dương bước vào những tháng giãn cách xã hội kéo dài, trở thành “vùng đỏ đậm đặc”, điểm nóng dịch cả nước, chỉ sau TP.HCM. Hàng rào phong tỏa mọc lên khắp nơi trong tỉnh.
Với tinh thần khoanh vùng gọn, xét nghiệm nhanh, thu hẹp phong tỏa, tỉnh liên tục mở chiến dịch xét nghiệm diện rộng từ giữa tháng 7 để phát hiện ca mắc Covid-19. Với đặc điểm nhiều khu công nghiệp và các khu nhà trọ nhỏ hẹp, nhiều người lao động sống tập trung, số ca mắc tại Bình Dương tăng ngày càng nhanh. Bộ Y tế phải lập tổ công tác hỗ trợ Bình Dương chống dịch từ 1/7.
Ngày 21/7, Bình Dương ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục - gần 1.000 ca/ngày. Tỉnh quyết định lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho gần 1,8 triệu người trong 12 ngày.
Có thời điểm tại các vùng đỏ, điểm đỏ, ngành chức năng xét nghiệm Covid-19 cộng đồng theo phương án “1-3-5”, tức là lấy mẫu ba lần mỗi tuần, thay vì mỗi tuần một lần như thời điểm tỉnh mới bùng phát dịch.
Việc xét nghiệm, lấy mẫu có quy mô tăng lên mỗi giai đoạn dịch, với sự tham gia của nhiều lực lượng, kết hợp phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và PCR; thực hiện việc gộp mẫu để tăng tốc độ, giảm chi phí.
Khi số ca nhiễm tăng nhanh, các bệnh viện dã chiến bắt đầu được xây dựng từ cuối tháng 6 tương ứng với kịch bản lây nhiễm và liên tục tăng cả về quy mô, số lượng.
Đầu tháng 8, khi trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận 4.000 tới 6.000 ca nhiễm, Bệnh viện dã chiến Thới Hòa, thị xã Bến Cát được thành lập. Nơi đây có quy mô điều trị cùng lúc trên 12.000 bệnh nhân, được xem là cơ sở điều trị dã chiến lớn nhất nước với đầy đủ trang thiết bị.
Khi “thủ phủ công nghiệp” gặp khó khăn, các doanh nghiệp cũng sẵn sàng tham gia hỗ trợ xây dựng hàng loạt khu điều trị dã chiến bằng cách cải tạo nhà xưởng xây sẵn và bàn giao cho chính quyền để cách ly, điều trị F0.
Dù là “vùng đỏ đậm đặc”, Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ tử vong thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Phác đồ điều trị sớm và sử dụng bác sĩ theo dõi F0 tại nhà là 2 “bí quyết” giúp Bình Dương giữ được tỷ lệ tử vong luôn ở dưới mức 1%.
Bình Dương cho người dân dùng thuốc điều trị Covid-19 từ rất sớm và ngay tại tầng 1, khi bệnh nhân Covid-19 mới có triệu chứng nhẹ. Ca có triệu chứng được nhập viện; còn F0 đủ điều kiện sẽ cách ly tại nhà và có bác sĩ nội trú theo dõi, mỗi bác sĩ phụ trách khoảng 50 F0.
Tỉnh cũng chủ trương thành lập phòng khám tư nhân trong các khu công nghiệp, chăm sóc y tế công nhân, vừa điều trị bình thường và thực hiện chức năng của trạm y tế lưu động. Mô hình "Trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp" ra đời đầu tiên và duy nhất trong cả nước tại Bình Dương.
Nhờ đó, tỷ lệ tử vong do Covid-19 của Bình Dương luôn dưới 1%, thấp hơn tỷ lệ trung bình của thế giới cũng như các địa phương khác. Tỷ lệ tử vong chủ yếu ở nhóm 46-50 tuổi.
Song song với điều trị, tỉnh khẩn trương tiến hành tiêm vaccine cho người dân ngay khi được Bộ Y tế cấp vaccine. Từ tháng 7, để nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, Bình Dương triển khai kế hoạch tiêm một triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho công dân trên địa bàn. Giai đoạn đó, một ngày, tỉnh có thể tiêm tối đa 56.000 liều.
Đến đầu tháng 9, để đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới từ 15/9, Bình Dương đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine với mục tiêu hơn 250.000 liều/ngày. Đến nay, hầu hết người dân toàn tỉnh Bình Dương đã được tiêm đủ 2 liều vaccine và tỉnh đang lên kế hoạch tiêm mũi 3 cho người dân trên 18 tuổi, đặc biệt người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Duy trì phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân
Trong 2,7 triệu dân tại Bình Dương, hơn một nửa là người nhập cư. Trong giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài, nhiều lần người dân cố gắng rời Bình Dương về quê hương “tránh dịch”. Việc này gây không ít khó khăn cho nhà chức trách khi vừa phải trấn an người dân, vừa phải kiểm soát không để dịch lây lan ra các tỉnh thành khác.
Để giải quyết bài toán này, tỉnh đã kịp thời triển khai các gói chính sách an sinh xã hội của Trung ương và ban hành chính sách riêng để hỗ trợ cho đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, Bình Dương đã hỗ trợ hơn 3,8 triệu lượt người với số tiền trên 2.560 tỷ đồng. Bình Dương phối hợp với 26 tỉnh, thành phố đưa công nhân về quê 45 đợt với 11.538 người; giải quyết cho 70.000 người dân có nguyện vọng về quê theo quy định.
Tại các vùng phong tỏa, các bệnh viện dã chiến cách ly, điều trị với hàng chục nghìn F0, F1, Bình Dương chú trọng công tác an sinh xã hội, tặng quà, động viên tinh thần người dân.
Ở khu vực doanh nghiệp, Bình Dương gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do tình hình dịch bệnh với tổng số tiền hơn 2.188 tỷ đồng.
Kể từ 15/9, dịch bệnh tại Bình Dương chính thức được kiểm soát, tỉnh từng bước quay lại bình thường mới. Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho biết đến ngày 28/10 - sau hơn một tháng mở cửa, 1.968 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt trên 96%. Trong đó, nhiều công ty có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100% và sản xuất khôi phục lại hoàn toàn.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương năm 2021 có nhiều điểm sáng. Tỉnh đã đạt và vượt 22/32 chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,79% so với năm 2020.
Tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng ước đạt 68,12% - 21,42% - 3,1% - 7,36%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 153,6 triệu đồng/năm.
Ước tổng thu ngân sách năm 2021 đạt 61.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 42.700 tỷ đồng, thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu ước đạt 18.500 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 32.201 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Bình Dương tiếp tục đặt mục tiêu kiểm soát dịch song song với tăng trưởng kinh tế, GRDP năm 2022 tăng 8-8,3% so với năm 2021. Dù chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, Bình Dương vẫn đặt quyết tâm trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, trở thành đô thị thông minh của vùng và cả nước vào năm 2045.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/binh-duong-vuot-qua-dai-dich-post1285994.html