Bình Giang đi đầu trong cơ giới hóa nông nghiệp

Nhờ tích cực cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, Bình Giang đã và đang thu được kết quả rõ nét trong sản xuất lúa như giảm chi phí, tăng năng suất...

Bình Giang là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về diện tích cấy máy (ảnh tư liệu)

Bình Giang là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về diện tích cấy máy (ảnh tư liệu)

Với sự quan tâm sâu sát từ cấp huyện đến xã, sự thay đổi trong tư duy sản xuất của nông dân, thời gian qua, huyện Bình Giang đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Quan tâm từ huyện đến cơ sở

Để thực hiện những mục tiêu về sản xuất nông nghiệp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, Huyện ủy Bình Giang đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh triển khai ứng dụng khoa học, kỹ thuật, cơ giới trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2020-2025”.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đề án được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, coi đây là một trong những giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Hằng năm, UBND huyện tổ chức các hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện từng nội dung liên quan đến đề án. Định kỳ hằng quý, UBND huyện tổ chức họp kiểm điểm, đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tiếp theo.

Để thực hiện đề án có hiệu quả, Đảng ủy và UBND các xã, thị trấn đã ban hành kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt đề án của huyện ủy, kế hoạch của UBND huyện thông qua nhiều hình thức như tổ chức hội nghị quân dân chính mở rộng, hội nghị triển khai sản xuất, tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở, thông qua các cuộc họp giao ban đảng ủy, giao ban bí thư chi bộ…

Ông Dương Xuân Khoát, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hồng thông tin, vụ đông xuân năm 2023, diện tích cấy lúa bằng máy chiếm khoảng 65% trong tổng số 483,5ha lúa trên địa bàn xã. Để thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện xây dựng vùng sản xuất lúa một vùng, một giống, một thời gian. Kết quả, mỗi năm xã quy hoạch từ 3-5 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với quy mô từ 30 ha trở lên. Địa phương cũng đầu tư nâng cấp đường giao thông nội đồng để tạo thuận lợi cho quá trình thu hoạch, vận chuyển nông sản. Đến nay, xã Tân Hồng có 25 tuyến đường trục chính nội đồng với tổng chiều dài hơn 12 km, trong đó có 11,2 km được đổ bê tông với mặt đường rộng từ 3,5-4m.

Hiệu quả nổi bật

Xã Long Xuyên là một trong những địa phương đầu tiên ở Bình Giang triển khai thử nghiệm mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay. Ông Hoàng Hữu Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Long Xuyên cho biết: “Vụ đông xuân năm 2023, xã có 26 ha phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay, chiếm 10% tổng diện tích canh tác lúa của toàn xã. HTX sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình trong những vụ tiếp theo”. Còn theo bà Vũ Thị Kiều, nông dân ở xã Long Xuyên nhận xét phun thuốc trừ sâu là một trong những công việc vất vả trong quá trình chăm sóc lúa. Việc triển khai phun thuốc bằng thiết bị bay đã giúp nông dân giảm chi phí thuốc trừ sâu vì lượng sử dụng ít hơn, cũng không lo ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Áp dụng thiết bị bay phun thuốc trừ sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc, bảo vệ sức khỏe nông dân và giảm ô nhiễm môi trường. Thời gian phun thuốc bằng thiết bị bay giảm so với cách phun truyền thống bằng bình phun tay, đồng thời nâng cao khả năng phòng trừ sâu bệnh, bởi các giọt bắn đầu vòi nhỏ hơn nhiều lần so với phun tay, do đó sẽ tăng tỷ lệ tiếp xúc giữa thuốc và cây trồng. Chính vì những hiệu quả từ mô hình này nên thời gian qua, không chỉ Long Xuyên mà chính quyền và HTX Dịch vụ nông nghiệp ở nhiều xã, thị trấn của Bình Giang đã triển khai áp dụng và đạt những hiệu quả bước đầu. Hiện bình quân mỗi vụ có khoảng 500 ha ở các xã, thị trấn trong huyện áp dụng mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay.

Bình Giang cũng là một trong những địa phương có diện tích cấy bằng máy lớn nhất nhì của tỉnh. Các địa phương có diện tích cấy bằng máy nhiều tập trung tại các xã: Tân Hồng, Long Xuyên, Thúc Kháng, Vĩnh Hồng… Việc áp dụng cấy máy đã tăng năng suất lao động so với cấy tay, giảm chi phí khâu gieo cấy, giảm chi phí phòng trừ sâu bệnh, năng suất và hiệu quả sản xuất lúa tăng trung bình trên 30% so với cấy tay. Cấy máy là giải pháp đột phá để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và giải quyết "bài toán" thiếu lao động trong nông nghiệp. Huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các trung tâm mạ khay, đầu tư mua máy cấy và mở rộng quy mô sản xuất mạ khay của các trung tâm hiện có.

Theo ông Vũ Quang Thái, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, năm 2021, toàn huyện có 1.165 ha lúa được cấy bằng máy, chiếm 19,3% diện tích. Diện tích này tăng qua từng năm. Vụ đông xuân năm 2023 có 1.365 ha gieo cấy bằng máy, đạt 22,3%. Cả năm 2023, huyện phấn đấu có 1.488ha gieo cấy bằng máy, chiếm 25% diện tích, bằng 50% mục tiêu đề án đề ra.

HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/audio-binh-giang-di-dau-trong-co-gioi-hoa-nong-nghiep-235648