Bình luận: Cái được từ giao hữu

Hai trận đầu trong hai giải giao hữu của đội tuyển quốc gia và U.22 Việt Nam đều thua về tỷ số, nhưng cái được là biết mình rõ hơn, cả những điểm mạnh và yếu.

Nét chung bao quát là sau kỳ nghỉ dài, phong độ của các cầu thủ đều chưa thể trở lại. Cảm giác bóng và không gian không tốt khiến họ liên tục mắc lỗi, chệch choạc trong phối hợp nhóm, di chuyển khống chế và chuyền bóng. Đội U.22 Việt Nam đá với đội chủ nhà Trung Quốc gặp sức ép từ khán giả và phần nào cả trọng tài khiến tâm lý các cầu thủ trẻ bị ảnh hưởng, thiếu đi sự tự tin. Đội tuyển quốc gia thì bộc lộ sự ngỡ ngàng rõ rệt trước đối thủ lạ mà vượt trội về mọi mặt là đội tuyển Nga. Chỉ riêng tốc độ chơi bóng của đội tuyển Nga đã giúp họ lấn lướt, hầu như khống chế hoàn toàn trận đấu. Ưu thế thể hình, thể lực chỉ là một phần, điều chính yếu là lối đá nhanh trong chiến thuật pressing liên tục và thế trận kín kẽ đã làm các tuyến của đội tuyển Việt Nam quá khó trong cách chơi. Đội chủ nhà loay hoay khi tìm cách phát triển bóng tấn công và không hở trước thì hở sau, không hở cánh này thì hở cánh khác khi phòng ngự. Hai bàn thắng của đội tuyển Nga đều xuất phát từ những pha bứt tốc xuống đáy biên đưa những đường bóng ngon lành vào trước cầu môn. Ứng phó trước các đợt tấn công liên tục của đối thủ, huấn luyện viên (HLV) Kim Sang-sik đã cho quân nhà chơi chậm, cố gắng kiểm soát, giữ bóng trên sân nhà và dùng các đợt phản công đều không thể có đủ quân phối hợp. Tình thế ấy buộc các mũi nhọn phải nóng vội dứt điểm và kết quả không chính xác là điều dễ hiểu.

Đội hình xuất phát của đội tuyển U22 Việt Nam. Ảnh: VFF

Đội hình xuất phát của đội tuyển U22 Việt Nam. Ảnh: VFF

Đá giao hữu là kiểm nghiệm và thử nghiệm. Trận đấu cho thấy nhiều cầu thủ Việt Nam chưa sẵn sàng. Hy vọng vào sự hào hứng của thủ môn Đặng Văn Lâm trước đối thủ từ quê mẹ đã không thành khi anh tỏ ra lúng túng, mất tập trung, ra vào không hợp lý, hoặc chuyền bóng hỏng nhiều. Đặc biệt là tình huống đá không trúng để bóng tọt vào lưới bẽ bàng. Cũng vì thiếu cảm giác bóng mà trung vệ Thanh Bình, các hậu vệ cánh Văn Thanh, Tuấn Tài và cả Hai Long, đội trưởng Hùng Dũng... đều có những pha chuyền hỏng.

Trong bối cảnh chung chưa vào nhịp, cuộc thử nghiệm Hoàng Đức cho vị trí hộ công một lần nữa chưa cho thấy hiệu quả. Biết bài miếng của cầu thủ này, HLV Karpin đã cho các tiền vệ, hậu vệ Nga tranh chấp rất rát khiến sở trường thoát pressing và chuyền bóng của Hoàng Đức bị khắc chế tối đa. Hoàng Đức, Hùng Dũng không phát huy được thì Đinh Thanh Bình, Hai Long cũng không thể có được những pha bóng lợi thế. Màn thử nghiệm tiếp theo với những Tuấn Hải, Vĩ Hào, Tuấn Anh... vào sân đã cho thấy được nhiều đường nét sáng sủa. Có tốc độ, có cách di chuyển riêng Tuấn Hải và Vĩ Hào đã có được những cú sút cầu môn khá nguy hiểm.

Khác với đội tuyển quốc gia, U.22 Việt Nam đọ sức với U.22 Trung Quốc là đội không chênh lệch nhiều về trình độ nên đội có thể đá thoải mái hơn. Thực tế U.22 Việt Nam đã có nhiều thời điểm dâng lên ép sân, tạo được khá nhiều cú dứt điểm và có được một bàn gỡ hòa. Nhưng cũng giống với các đàn anh ở điểm lớn nhất là mới hợp quân trở lại, chưa bắt nhịp nhuần nhuyễn, cả đội chưa thực sự vào phom, cá nhân các cầu thủ cũng mắc nhiều lỗi di chuyển, chuyền bóng. Đáng tiếc hơn, khi có cơ hội ghi bàn mười mươi lại không tận dụng được. Pha sút bóng trúng cột của Đình Bắc là điển hình. Dù kết quả thua 1-2 có lỗi hàng thủ thiếu tập trung, chệch choạc trong bọc lót, song nhìn chung đội đã có trận đấu chấp nhận được.

Dù đá với nhau đã nhiều song các tuyển thủ ở cả hai đội đều không dễ dàng thể hiện được phong độ vốn có. Cái khó của HLV Kim Sang-sik, Đinh Hồng Vinh và các đội tuyển giờ đây là không có được nhiều thời gian luyện quân trước giải như thời HLV Park Hang-seo. Vì thế, việc tận dụng các khoảng thời gian FIFA Days để đá giao hữu là rất cần thiết. May mắn, với uy tín và mối quan hệ tốt đẹp của lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã có thể tổ chức được nhiều trận giao hữu với các đối thủ chất lượng. Kết quả cuối cùng của các loạt đấu giao hữu ra sao chỉ được xác định qua các trận thực chiến, các giải đấu chính thức.

THƯỜNG NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/binh-luan-cai-duoc-tu-giao-huu-792856