Bình luận đáng chú ý của chuyên gia Mỹ về Hiệp ước New START giữa Washington và Moskva

Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) là thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng nhất mà Mỹ và Nga phải làm tất cả trong khả năng của mình để duy trì hiệu lực.

Tên lửa Trident II D5 được phóng thử từ một tàu ngầm lớp Ohio của Hải quân Mỹ ngoài khơi California vào ngày 26/3/2018. Ảnh: Reuters

Tên lửa Trident II D5 được phóng thử từ một tàu ngầm lớp Ohio của Hải quân Mỹ ngoài khơi California vào ngày 26/3/2018. Ảnh: Reuters

Đó là chia sẻ của cựu chuyên gia giám sát hạt nhân Mỹ Nicholas Troyan trong cuộc trao đổi với hãng tin Sputnik (Nga). "Tôi nghĩ đây là hiệp ước quan trọng nhất trong tất cả các thỏa thuận về vấn đề này bởi vì khi chúng ta nói về tên lửa chiến lược, điều đó có nghĩa là ngày tận thế của toàn thế giới", ông Troyan nhấn mạnh.

Năm 1988, ông Troyan, một người Nga gốc Hoa di cư sang Mỹ và từng phục vụ 33 năm trong quân đội Mỹ, đã trở thành người đứng đầu 1 trong 12 nhóm chuyên gia của Mỹ tham gia thanh sát các địa điểm hạt nhân của Liên Xô theo các điều khoản của Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).

Ông Troyan nhấn mạnh New START và bất kỳ sáng kiến tương tự nào khác đều rất quan trọng trong việc giảm bớt mối đe dọa của vũ khí hạt nhân. Theo cựu sỹ quan này thì sẽ là sai lầm nếu phàn nàn rằng một quốc gia khác có 6.000 đầu đạn hạt nhân trong khi Mỹ có 5.000 đầu đạn hạt nhân vì "ít hơn 1.000 là đủ để hủy diệt toàn thế giới gần như hoàn toàn".

Ông Troyan cho rằng Mỹ và Nga cần phải bắt đầu trao đổi về tất cả các vấn đề liên quan đến hạt nhân thay vì tham gia vào những chỉ trích lẫn nhau. "Chúng ta phải cố gắng giao tiếp để hiểu nhau và đây là điều khó khăn nhất", ông chia sẻ.

Vị chuyên gia về hưu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được thỏa thuận về cả vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật ở bất kỳ phạm vi nào, đồng thời cảnh báo rằng những tác động tiêu cực của việc sử dụng vũ khí như vậy không chỉ ảnh hưởng đến chiến trường mà toàn thế giới.

"Mối nguy hiểm lớn nhất đối là không chỉ nơi bom được ném xuống mà còn là tất cả những tác động thứ cấp của phóng xạ và cách chúng ảnh hưởng đến con người và môi trường xung quanh", ông Troyan nêu rõ.

Nga và Mỹ ký New START năm 2010. Theo thỏa thuận này, Nga và Mỹ có trách nhiệm trao đổi dữ liệu toàn diện, bao gồm số lượng và các đặc tính của hệ thống vũ khí 6 tháng/lần. Hai nước cam kết cắt giảm kho vũ khí chiến lược xuống còn không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), máy bay ném bom hạng nặng (TB). Tháng 2/2021, Nga và Mỹ gia hạn hiệp ước thêm 5 năm.

Ngày 28/2 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật đình chỉ tham gia New START, nhưng không rút khỏi hiệp ước này. Ông nhấn mạnh rằng trước khi quay lại thảo luận về vấn đề tiếp tục tuân thủ hiệp ước, Nga cần phải biết New START sẽ tính đến kho vũ khí không chỉ của Mỹ mà của cả các cường quốc hạt nhân khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Anh và Pháp như thế nào. Sau đó Mỹ tuyên bố sẽ ngừng cung cấp cho Nga một số thông báo cần thiết theo quy định của New START từ ngày 1/6, trong đó có thông tin cập nhật về vị trí tên lửa và bệ phóng. Phía Mỹ cho rằng quyết định này là nhằm đáp trả hành động tương tự của Nga.

Hoài Nam/Báo Tin tức (Theo Sputnik)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/binh-luan-dang-chu-y-cua-chuyen-gia-my-ve-hiep-uoc-new-start-giua-washington-va-moskva-20230808155553715.htm