Bình luận: Không chỉ là sai số
Trận thua 0-2 trước đội tuyển Trung Quốc cho thấy nhiều điều rõ ràng hơn về đội tuyển Việt Nam, cả được và chưa được so với 3 trận giao hữu trước đó.
Sai số trong phối hợp, xử lý tình huống, điển hình là những trường hợp dẫn đến cú đánh đầu dội cột dọc của đội bạn cùng 2 bàn thua và tình huống phạm lỗi đáng trách của Tiến Linh dẫn đến bị truất quyền thi đấu. Nhưng đằng sau đó là gì? Có nguyên do từ điểm yếu cố hữu chống bóng bổng, đấu tay đôi, sơ hở trong kèm cặp và bọc lót của hàng thủ. Việc thiếu nhận định, phán đoán chính xác và kịp thời nhắc nhở nhau trong bố trí phòng thủ lúc có đông người hay khi đội hình dâng cao, mỏng, hàng thủ phải chống phản công. Sai số cũng đến từ lựa chọn nhân sự thử nghiệm trong hàng thủ khi Trương Tiến Anh và Triệu Việt Hưng đảm nhiệm hai vị trí hậu vệ. Hai cầu thủ này sở trường đá tiền vệ cánh, có khả năng tấn công biên khá tốt. Ý đồ của huấn luyện viên (HLV) Troussier dùng họ khai thác sự đa năng trong cả thủ và công. Mặt khác, những cầu thủ có kỹ thuật và nhiều kinh nghiệm sẽ có thể phù hợp với lối chơi kiểm soát bóng. Tuy nhiên, trong khi sự phù hợp này tỏ ra khá ổn thì sự phối hợp trong phòng ngự lại chệch choạc. Với riêng Tuấn Anh, hạn chế này rõ hơn.
Sai số còn đến từ ngay cầu thủ có kỹ năng kiểm soát bóng hàng đầu là Nguyễn Hoàng Đức với đường chuyền non khiến Wu Lei ranh mãnh đoạt được bóng và ghi bàn trong thế đối mặt thủ môn Văn Lâm. Cái chân trái rất ngoan của tiền vệ Viettel FC đã làm mê lòng người với những pha xử lý bóng mượt mà, song đôi khi vẫn có đường chuyền nắn nót nhưng thiếu lực. Lỗi ở trận này sẽ là bài học để anh cùng các cầu thủ khác cẩn trọng, chính xác hơn.
Đá giao hữu với các đối thủ mạnh để phát hiện ra những sai số-điều HLV Troussier cần-đã tìm thấy ngay trong trận đấu gặp đội tuyển Trung Quốc. Và những sai số, sai lầm đã bộc lộ hoàn toàn có thể được khắc phục, còn điều quan trọng và đáng lo hơn là hiệu quả của lối chơi và thế trận tấn công. Đội tuyển đã có tiến bộ rõ ràng trong lối chơi kiểm soát bóng. Đây là kết quả của việc chọn đội hình hầu hết là tuyển thủ kỳ cựu và những cầu thủ già dặn ở sân chơi V-League. Họ cầm bóng, di chuyển, đan chuyền rành mạch, tỏ ra chững chạc hơn hẳn các cầu thủ trẻ. Trong đó, các tiền vệ Tuấn Anh, Hùng Dũng, Hoàng Đức tạo được vai trò trung tâm. Có những thời điểm như 5 phút cuối hiệp 1, bóng toàn nằm trong chân các tuyển thủ Việt Nam. Như vậy, chuyện đáng mừng, đáng tin với cầu thủ lớp trước lại là điều còn bỏ ngỏ với cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, cầm bóng, giữ bóng nhiều để làm gì? Rất tiếc nuối cho các cơ hội khá rõ ràng bị bỏ lỡ của Văn Toàn, Tuấn Hải, song phải thấy số cơ hội tạo được trong cả trận là ít. Trong trận đá tập kín với đội tuyển Uzbekistan diễn ra tối 13-10, đội tuyển Việt Nam một lần nữa bộc lộ nhiều hạn chế trong phòng ngự khi phải nhận 2 bàn thua từ tình huống đột phá và đánh đầu cận thành của đội bạn. Dù có thời điểm thầy trò HLV Troussier kiểm soát bóng hơn hẳn nhưng không thể gây nhiều áp lực lên phần sân của Uzbekistan, các chân sút luôn trong tình trạng "đói bóng".
Bóng đá Việt Nam không có tiền đạo xuất chúng-đánh giá đó của HLV Troussier giống với nhận định của người tiền nhiệm Park Hang-seo. Vấn đề là phải tìm cách tấn công đa dạng, ăn ý và bất ngờ hơn với nhiều pha bóng tạo đột biến cả từ tuyến dưới, từ đánh biên. Tiếc là thời gian hội quân quá cập rập, thời gian thi đấu của Văn Toàn, Tiến Linh quá ít. Tiếc hay còn đó những tuyển thủ thường góp phần làm nên chuyện như Văn Hậu, Tấn Tài, Việt Anh vì lý do thể lực, phong độ chưa được triệu tập ở đợt này. Và cũng còn đó các mũi công trẻ là Vĩ Hào, Văn Tùng có thể được tung vào trong các trận đấu tiếp theo.
Cuộc thử nghiệm còn tiếp tục để có một lối chơi nhuần nhuyễn, một đội hình ưng ý và được vận hành trơn tru hơn.
THƯỜNG NGUYỄN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/binh-luan-khong-chi-la-sai-so-747005