Bình luận: Phân nhóm từ điểm xuất phát?

Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam (V-League) đã vào guồng quay mới. Nhìn vào quá trình chuẩn bị, có thể thấy đã có thêm nhiều nét sáng sủa hơn khi một số câu lạc bộ (CLB) tăng cường lực lượng đáng kể với mục tiêu tranh giành thứ hạng cao. Nhưng mặt khác số đội bóng yếu thế hơn cũng không ít và sự phân hóa, phân nhóm phải chăng đã định sẵn ngay từ vạch xuất phát?

Không lạ là ngay sau khi thua Hà Nội FC 0-2 tại trận tranh Siêu cúp Quốc gia 2022, huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm đã ngậm ngùi về mục tiêu của Hải Phòng FC tại mùa giải mới chỉ là trụ hạng. Ngược lại, đội trưởng Hùng Dũng khẳng định: "Với Hà Nội FC không vô địch là thất bại". Cơ sở của những tuyên bố đó là sự trên chân, áp đảo của đội bóng Thủ đô trước Hải Phòng FC nay “chảy máu” tài năng do không đủ tiền để giữ lại những trụ cột xuất sắc mùa trước hoặc tăng cường các sao số mới.

 CLB Hà Nội. Ảnh: TTXVN

CLB Hà Nội. Ảnh: TTXVN

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” trong bóng đá là thế. Về tổng giá trị đội hình Hải Phòng FC được đánh giá đạt 2,48 triệu euro, tức chưa bằng một nửa Hà Nội FC (6,52 triệu euro). Đội bóng cạnh tranh sòng phẳng với Hà Nội FC cho đến tận phút cuối cùng của mùa giải trước còn phải chịu tụt lại như thế huống hồ đội mới chân ướt chân ráo lên hạng như Khánh Hòa FC chỉ có giá trị đội hình 575.000 euro, thấp nhất V-League. Khác với Khánh Hòa FC, tân binh Công an Hà Nội có được những nguồn tài trợ sung túc, mua sắm hàng loạt hảo thủ đã nâng giá trị lên 3,05 triệu euro. CLB Thép Xanh Nam Định còn nhỉnh hơn với 3,6 triệu euro. Cả hai CLB này cùng Viettel FC ấp ủ mục tiêu tốp đầu và cạnh tranh vô địch là chuyện không nói suông. Và còn đó Becamex Bình Dương, Topenland Bình Định, Sông Lam Nghệ An... có lực lượng mạnh và tham vọng đáng kể.

Vậy thì tiền bạc có quyết định tất thảy? Nhóm 8 đội tranh chấp huy chương sau giai đoạn 1 xem như đã rõ? Còn lại chỉ là cam chịu, cố gắng hết sức để trụ hạng? Bóng đá không diễn ra một chiều giản đơn như thế. Thực tế, mùa giải trước, Hải Phòng FC dùng nhiều quân mượn, ngân sách không dư dả mà vượt lên đội hình tiếng tăm của Hoàng Anh Gia Lai và cả Topenland Bình Định. Ở một chiều hướng khác, CLB TP Hồ Chí Minh và Sài Gòn FC bước vào giải với tư cách “con nhà nghèo” nhưng càng đá càng bộc lộ những khó khăn mà trước hết chính từ nguồn tài chính. Và kết cục là Sài Gòn FC từ tham vọng xây dựng theo kiểu Nhật Bản, dùng nhân lực Nhật Bản đã phải xuống hạng...

Muốn tranh đoạt huy chương, ngoài nguồn lực tài chính, nguồn lực cầu thủ phải có nhiều yếu tố. Đó là cách làm bóng đá bài bản, căn cơ. Tại sao nhiều CLB chợt mạnh chợt yếu, chợt lên chợt xuống bấp bênh? Không có ông chủ rõ ràng, thật sự yêu và hiểu bóng đá; không có nền tảng đào tạo cầu thủ kế cận, quản lý con người chặt chẽ, quản lý tài chính minh bạch... đội bóng không thể ổn định, bền chắc.

Rất mừng là những tấm gương bài bản ở V-League không thiếu. Không chỉ Hà Nội FC, Viettel FC mà Sông Lam Nghệ An, Becamex Bình Dương dù trong hoàn cảnh nào cũng đứng vững. Thêm nữa là SHB Đà Nẵng, Đông Á Thanh Hóa, Hải Phòng FC, Thép Xanh Nam Định và ngay cả Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng biết cách xoay xỏa, “liệu cơm, gắp mắm” để trụ được và có đội còn có xu thế đi lên. Có yếu tố máu lửa tinh thần không buông bỏ, có sức chống chịu từ “thắt lưng buộc bụng”, có những bàn tay chèo chống, họ đã thành công ở những mức độ khác nhau.

THƯỜNG NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/binh-luan-phan-nhom-tu-diem-xuat-phat-718036