Bình luận: So đọ Thái Lan
Có vẻ như sau hai lần liên tiếp bị Thái Lan soán ngôi vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á gần đây, tâm lý e ngại bóng đá Thái đã quay trở lại trong suy nghĩ của người hâm mộ Việt Nam và phần nào cả trong giới chuyên môn.
Lật giở các trang sử đối đầu đều thấy, ngay dưới tài cầm quân xuất sắc của huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam chưa từng thắng Thái Lan trong các trận đấu ở giải chính thức. Tuy nhiên, so đọ đôi bên đâu chỉ là qua các trận đó mà là nhìn xa rộng hơn trong không gian châu lục. Ở các giải này, trong thời gian qua, Việt Nam có thành tích tốt hơn hẳn. Đội tuyển của chúng ta vào được tứ kết Asian Cup 2019 cao hơn bạn. Tiếp đó, chúng ta vượt bạn tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Tại giải đấu chất lượng nhất này, chúng ta hòa Thái Lan cả hai lượt đi-về, song lại thắng Malaysia trong khi Thái Lan thua họ. Cùng với việc đoạt suất chơi vòng loại thứ 3, Việt Nam đã được xếp ở vị trí 96, rồi mới đây là 95 trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), còn bạn vẫn chỉ xếp thứ 111 rồi 112.
Vậy thì câu nói xưa về bóng đá Việt Nam chỉ nghĩ đến thắng Thái Lan trong khi bạn luôn hướng tới thành tích châu lục và World Cup đã bị những nỗ lực không ngừng của chúng ta cùng thời gian bỏ lại phía sau. Cách xem xét, đánh giá cần toàn diện, nhìn xa là thế. Và người Thái, sau nhiều giải đấu trẻ khu vực và châu lục bị Việt Nam vượt lên, họ đã phải xem lại chính mình. Họ quan tâm sát sao hơn đến các tuyến trẻ. Mới nhất, U.23 Thái Lan giành được vị trí thứ 4 tại giải giao hữu tại Qatar trong khi U.23 Việt Nam xếp cuối giải và không ghi được bàn thắng nào. Kết quả này làm chúng ta thực sự lo lắng dù biết rằng HLV Philippe Troussier chỉ dự giải với mục đích thử nghiệm, luyện lối chơi mới.
Phía trước là Đại hội thể thao Đông Nam Á 2023 (SEA Games 32), so bì và lo âu xuất hiện là lẽ thường. Rõ ràng Thái Lan có một lớp trẻ mới được đào tạo tốt, đặc biệt là phần lớn các tuyển thủ trẻ đã được chơi bóng thường xuyên ở các câu lạc bộ. Ngoài ra là các cầu thủ Thái kiều đang đá ở nước ngoài. Xem lứa trẻ này thi đấu có thể nhận thấy những nét nổi trội của họ về nền tảng tốt, về thể lực, tâm lý và kỹ thuật, chiến thuật. Kỹ thuật cơ bản vững giúp họ xử lý bóng chắc chắn, gọn gàng. Trên cơ sở đó, lối chơi kiểm soát bóng gắn với di chuyển không bóng được vận hành suôn sẻ, nhịp nhàng. Đấy là ưu thế vốn có của các cầu thủ Thái Lan giúp họ áp đặt thế trận. Đối phó với họ, các đội tuyển Việt Nam thời HLV Park Hang-seo cũng như các đội bóng khu vực buộc phải chọn lối đá phòng ngự chặt, chuyển trạng thái nhanh, chính xác hoặc bóng dài, bóng bổng như Singapore; hoặc pressing thể lực như Malaysia, Indonesia. Lối chơi cùng ưu thế kỹ thuật, chiến thuật đã đưa Thái Lan lên vị trí “ông kẹ” khu vực và là đội bóng kỵ giơ của các đội tuyển Việt Nam.
Soi U.22 Thái Lan năm nay, dễ thấy những gương mặt mới lợi hại. Đó là tiền đạo tốc độ, tinh quái Teerasak, là hàng thủ toàn cao từ 1,8m trở lên. Đáng kể là có trung vệ Khemdee cao 1,9m sinh ra ở Đan Mạch, hậu vệ phải Steinbauer (gốc Đức) cao 1,86m... Những cầu thủ này đã góp sức để đội trẻ Thái Lan chơi công, thủ sòng phẳng, không ngán ngại trước các đội bóng Tây Á. Tuy nhiên, cũng phải thấy, nếu như U.22 xứ chùa vàng đã ghi được bàn bằng bóng bổng thì họ cũng bị U.22 Kuwait hạ thủ bằng cú đánh đầu chí mạng. Điều đáng chú ý tại SEA Games tới là U.22 Thái Lan khó có lực lượng tốt nhất, khi các câu lạc bộ không nhả quân vì giải đấu không nằm trong “ngày FIFA”.
Dù gì thì U.22 Thái Lan vẫn rất mạnh. Nghiên cứu đối thủ này để khắc chế, đánh bại họ, mà cũng để học hỏi họ nhằm xây dựng móng nền bóng đá nước nhà. Cùng đua tranh, cùng phát triển, đó là cái đích của các giải đấu khu vực như SEA Games.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/binh-luan-so-do-thai-lan-725036