Bình Lục thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động
Trên địa bàn huyện Bình Lục hiện có 3 CCN, bao gồm: CCN Bình Lục (30,6 ha), CCN Trung Lương (10,6 ha), CCN An Mỹ - Đồn Xá (10,6 ha), với khoảng gần 20 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, nâng tổng số doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) đăng ký hoạt động trên địa bàn lên 257 đơn vị. Trong tổng số 80 nghìn lao động trong độ tuổi, có gần 8.000 lao động làm việc trong CCN. Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, để giải quyết hiệu quả bài toán 'cung - cầu' lao động - việc làm, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền Bình Lục đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về vấn đề này.
Trên địa bàn huyện Bình Lục hiện có 3 CCN, bao gồm: CCN Bình Lục (30,6 ha), CCN Trung Lương (10,6 ha), CCN An Mỹ - Đồn Xá (10,6 ha), với khoảng gần 20 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, nâng tổng số doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) đăng ký hoạt động trên địa bàn lên 257 đơn vị. Trong tổng số 80 nghìn lao động trong độ tuổi, có gần 8.000 lao động làm việc trong CCN. Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, để giải quyết hiệu quả bài toán “cung - cầu” lao động - việc làm, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền Bình Lục đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về vấn đề này.
Khi “cầu” chưa gặp “cung”
Thành lập từ năm 2014, chuyên sản xuất các sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ và các sản phẩm tết từ nhựa, bèo… xuất khẩu, Công ty cổ phần Ngọc Sơn Hà Nam đóng trên địa bàn xã Trung Lương hiện có khoảng trên 600 lao động đang làm việc. Trong đó, số lao động làm việc trực tiếp tại các xưởng sản xuất chiếm 86%, chủ yếu là lao động nữ. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác đóng trên địa bàn huyện Bình Lục, hiện công ty cũng đang trong tình trạng thiếu lao động; đặc biệt là nguồn lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao.
Theo ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc hành chính - nhân sự công ty, là một doanh nghiệp xuất khẩu 100%, với thị trường chính là các nước châu Âu nên 2 năm gần đây, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraina đã có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, sản phẩm sản xuất ra không xuất khẩu được đồng nghĩa với việc doanh thu, lợi nhuận thấp, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng, người lao động nghỉ việc nhiều, trong khi việc tuyển dụng lao động mới khó khăn. Nhất là đối với các vị trí đòi hỏi trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật cao. Chỉ tính trong quí I/2023, phòng nhân sự của công ty đã nhận được mấy chục đơn xin nghỉ việc của người lao động, vì lý do thu nhập… Có những vị trí, mặc dù, công ty đã đăng thông báo tuyển dụng gần 2 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được nhân sự nào phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu của công ty. Đây là một bài toán khó mà không dễ gì giải quyết được ngày một ngày hai.
Chia sẻ thêm về khó khăn này, ông Đặng Đình Triệu, Phó Trưởng phòng Hành chính của công ty cho biết, do công tác tuyển dụng tại Hà Nam khó khăn nên hiện đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt của công ty chủ yếu được tuyển dụng từ Hà Nội về, hằng ngày công ty tổ chức xe đưa đón. Đây cũng là một hạn chế ảnh hưởng đến công tác điều hành của công ty… Được biết, thời gian qua, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nhưng công ty vẫn luôn quan tâm đến các chính sách giữ chân người lao động, như: cải tạo môi trường làm việc, thay toàn bộ hệ thống quạt đứng bằng hệ thống quạt trần, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm; bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; nâng cao chất lượng bữa ăn trưa miễn phí cho người lao động…
Tuy nhiên, để sớm tháo gỡ những khó khăn về thị trường và lao động, theo ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc hành chính - nhân sự công ty, hiện công ty đang nỗ lực các giải pháp tìm kiếm thị trường, hướng vào thị trường Nhật Bản và các nước châu Á. Chỉ khi tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty được cải thiện thì mới có thể thực hiện tốt hơn các chính sách giữ chân người lao động, “có thực mới vực được đạo”…
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Minh Khuê, chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bình Lục cho biết: Tình trạng thiếu lao động đang diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện trong những tháng đầu năm 2023, không riêng gì Công ty cổ phần Ngọc Sơn Hà Nam. Nhất là trước đó, sau thời điểm dịch Covid-19, tình hình suy thoái kinh tế trong nước và quốc tế, cộng với căng thẳng trong cuộc chiến kéo dài ở Ukraina đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Việc đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường gặp khó, người lao động bỏ việc “trăm cái khó bó cái khôn”…
Theo khảo sát sơ bộ của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, hiện nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn rất cao, khoảng trên 4.000 lao động. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn cung nên việc tuyển dụng lao động của các công ty gặp không ít khó khăn. Vì vậy, thời gian qua, cùng với những chính sách tuyển dụng hấp dẫn, nhiều công ty đều “tung ra” nhiều chính sách đãi ngộ quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, như: chế độ nghỉ dưỡng, tăng ca, khen thưởng, tăng mức lương cơ bản vùng… nhằm giữ chân, hạn chế tình trạng “nhảy việc” của người lao động. Đó cũng chính là cơ hội để người lao động tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, để giải quyết tốt cán cân “cung - cầu” lao động thì công tác đào tạo, dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường lao động cũng là một bài toán cần có sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các doanh nghiệp.
Giải pháp phải gắn với thực tế
Được biết, thời gian qua, cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện đề án mở rộng các cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống, đề án xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất theo chuỗi hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển ngành nghề, mở rộng dịch vụ nông thôn, tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, Bình Lục đang khẩn trương triển khai Đề án “Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trọng tâm là lao động nông nghiệp thực hiện thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 4609/QĐ-UBND ngày 11/10/2021 của UBND huyện Bình Lục. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Bình Lục đã tập trung vào nhóm giải pháp nâng cao năng lực dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác dạy nghề; đẩy mạnh công tác giới thiệu, giải quyết việc làm sau đào tạo; đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn cung lao động; thực hiện phối kết hợp đào tạo tại doanh nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút nguồn lao động tại chỗ; giải quyết hiệu quả bài toán “cung - cầu” lao động hiện nay.
Kết quả, trong 2 năm (2021-2022) với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cấp trên, từ các doanh nghiệp và từ ngân sách địa phương, Bình Lục đã hỗ trợ dạy nghề cho 6.332 lao động với tổng kinh phí trên 14,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng dạy nghề lĩnh vực phi nông nghiệp là 5.475 lao động. Số lao động có việc làm sau đào tạo chiếm trên 90%; với hơn 5.000 lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng.
Đánh giá về kết quả sau hơn 2 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trọng tâm là lao động nông nghiệp thực hiện thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị giai đoạn 2021-2025”, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện nhận định: Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động tại gia đình, làng nghề, doanh nghiệp trên địa bàn thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Số lao động có tay nghề, có việc làm ổn định tăng cao; cơ cấu lao động cũng chuyển dịch mạnh sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Đặc biệt, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân về công tác dạy nghề, học nghề và giải quyết việc làm cho người lao động cũng có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu hằng năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 4.000 lao động thì các địa phương, các ngành, đoàn thể phải làm tốt công tác đào tạo nghề, đào tạo nghề phải gắn với thực tế và nhu cầu của thị trường lao động. Thực hiện hiệu quả chương trình xã hội hóa các nguồn lực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; đặc biệt, phải có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp. Có như vậy, mới giải quyết tận gốc bài toán “cung - cầu” lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững.