Bình minh bãi đáy
Mới 4 giờ sáng, vợ chồng ông Dần đã có mặt ngoài bãi Đáy. Dạo này cứ sáng ra trời đã nóng như chảo rang nên hai ông bà tranh thủ đi sớm cho mát rồi còn về nghỉ. Chỉ còn khoảng hơn sào nữa là cỏ ở bãi được dọn xong. Cỏ rậm lên cao tới gang tay, chỉ quơ vài nhát đã được xảo đầy. Có tiếng loa phát đi thông báo của Ban công an xã về tình hình tội phạm trộm cắp đang diễn ra phức tạp trên địa bàn huyện với nhiều thủ đoạn tinh vi để người dân biết được và đề cao cảnh giác.
1. Tiên sư đứa nào bỏ thuốc hạ độc cáy nhà ông. Còn ông, còn mày. Để rồi xem mày có sống yên ổn được với ông không nhá. Cha tiên sư đứa khốn nạn!
Luân đưa tay dụi mắt bật dậy, còn tưởng mình đang trong một giấc mơ. Tiếng chửi đổng từ ngoài sân của ông Dần kéo luôn được anh con trai ra khỏi giường:
- Được ngày nghỉ là cứ ngủ sưng cả mắt lên. Thanh niên rõ chán. Nằm đến trương cả thây mà vẫn chưa chịu dậy à?
Nghe bố quát, Luân túm vội cái màn vắt lên cho vuông vắn, tay đẩy cánh cửa, thò cái đầu với quả tóc bờm xờm nhìn ra. Mặt trời cũng vừa chiếu những tia nắng đầu tiên lấp lánh trên cây roi trước sân nhà. Những quả roi hồng bằng nắm tay của em bé như những chiếc chuông xinh chắc cũng vừa mở mắt thôi mà ông Dần đã chân xắn quần vẫn còn lấm bùn đất, cưỡi xe từ bãi Đáy về. Vừa dựng được cái xe, ông gạt chân chống giọng uất ức:
- Mày nhóng cái xe ra bãi xem lại cho tao cái. Sáng sớm tao đã nhặt được xô cáy chết thối ở ngoài bãi đây này. Luân hốt hoảng, nhíu mày, chân đất nhảy phắt cái qua liền ba bậc hè xuống sân dòm vào cái xô ông Dần đưa, ngây đuỗn mặt. Cáy mà chết thối thế này, bãi Đáy lại phải bơm nước vào rồi gạn đi, cải tạo lại chân ruộng thôi. Thế là mất toi mùa. Bờ thì mới vừa được be đắp lại cẩn thận. Nghĩ sao mà căm thế. “Tao nhặt ngần này cáy thôi chứ ở ngoài đấy xác cáy đầy ra ấy. Mới có hai hôm bận việc ở chỗ đám nhà Thành không ra được, nay bốc mùi hôi thối ngửi phát khiếp. Nhìn mà nẫu cả ruột”. Ông Dần đần mặt ra. Còn lo vụ rươi tới này bị ảnh hưởng nữa. Tiền của bỗng dưng bị đổ xuống sông xuống biển hết.
- Bố! Liệu có phải là…?
- Không phải nhà nó thì tao cứ đi đầu xuống đất!
Để con ra đấy xem! Luân hộc tốc leo lên xe, chả kịp đánh răng, chỉ với được cái khăn mặt nhúng qua vòi rồi quệt khắp lượt được một vòng, miệng súc ngụm nước nhổ đánh toẹt. Nước ở khăn mặt còn nhỏ tong tong đã yên vị trên yên xe máy rồi vọt ga. Bà Thìn đi chợ về đến cổng thót tim, lao vội sang bên tránh đường:
- Úi giời! Đi đâu mà như quân ăn cướp thế không biết. Không ở nhà ăn sáng đã vội đi đâu?
Bà Thìn nhìn cái xô cáy ruồi bâu đầy ở góc sân thì xót ruột. Đã báo Công an chưa ông? Ông Dần gắt lên. Báo Công an cho rắc rối thêm à?. Ban Công an xã giờ toàn là quân chính quy, được điều từ nơi khác về, có biết nhà mình là ai mà giúp đỡ. Thủ tục nhiêu khê, dài dòng văn tự cho rách việc ra. Việc này tự tôi giải quyết là xong. Tôi mà chịu nhà nó sao? Đận này ông sẽ làm cho ra ngô ra khoai.
Rõ ràng khu bãi nhà Điền năm ấy bán lại cho nhà ông có biên bản hẳn hoi, ông đã phải chạy vạy cục tiền khá lớn mới lo nổi. Bảo nhà nó cho chịu một phần rồi ông gom trả nốt, nó còn giục rối lên, chứ nào phải ông cướp gì của nhà chúng nó. Đợt nhà Điền đứng tên chủ bãi thầu ấy thu hoạch chỉ làng nhàng, đâu được như nhà ông bây giờ. Mỗi sáng chịu khó dậy sớm rang cám gạo, đi quệt bả đánh bẫy chừng hai tiếng, đến khoảng 6 giờ về cũng thu được gần chục ki-lô-gam cáy mỗi ngày.
Bãi rộng hơn mẫu, một năm thu hoạch cả cáy và rươi cũng được hơn trăm triệu. Được vậy là do đích thân ông đi học hỏi kinh nghiệm ở mãi tận Thanh Hóa. Thằng Luân lại chịu khó nghiên cứu tìm tòi và liên hệ thương lái tìm nguồn ra. Canh cáy ngọt, mát lành và bổ. Nhất là có thêm quả cà giòn nữa thì tốn cơm phải biết. Món mắm cáy cũng là sản phẩm được nhiều người yêu thích nên thương lái tìm đến mua đông.
Nói là lộc trời nhưng làm gì có chuyện tự dưng nó rơi vào tay mình. Độ đầu bắt tay làm chi phí đầu tư cải tạo đất thì cũng mất khớ tiền. Họ hàng mà làm vố hại nhau thế. Chính xác mà là nhà đó thì ông sẽ cho mở cuộc họp họ để cho người ta cạch cái bộ mặt đạo đức giả của nó. Chứ đi ăn cỗ nhìn mặt nhau chẳng tức anh ách còn há miệng ra nuốt sao trôi?
Luân lội một vòng quanh bãi thì bà Thìn cũng ra đến nơi. Xác cáy la liệt, những con cáy chuyển sang màu đỏ gạch nằm ngổn ngang đã cứng đơ. Rõ ràng dấu vết còn mới vì đầy vết bùn bám trên cỏ, quệt trên mấy tàu lá chuối đã bị bẻ gập. Hơn mẫu ruộng thế này cũng phải tốn lượng lớn thuốc để phun khắp mới đủ liều để cáy bị hạ độc nhiều thế kia. Cái giống cáy và rươi quen sống sạch chứ phân bón hay thuốc trừ sâu, diệt cỏ vào là hỏng hết.
Trước giờ nhà bà không hề bón lân đạm hay phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ một tẹo nào. Bao nhiêu cỏ gianh, cỏ mỡ, hai ông bà nai lưng ra làm để tạo môi trường trong lành cho cáy, rươi phát triển. Nhà bà đã phải chịu khó cày bừa tạo độ tơi xốp trong đất, trồng lúa một vụ để có gốc rạ làm phân bón tạo chất dinh dưỡng chứ thóc thì thu hoạch đáng là bao. Ấy vậy mà toi công.
- Nhà mình đi báo Công an thôi mẹ ạ!
- Bố mày không cho mẹ báo Công an sợ phiền phức, bảo đến nhà thầy bói xem và làm lễ giải hạn. Ông ấy bảo tự điều tra sẽ tìm được bằng chứng. Rồi thì gọi nhà Điền đến để đối chất và bắt phải đền bù đấy.
- Nhà ông ấy đã âm mưu thế chắc phải đi xa mua thuốc trừ sâu chứ không mua ở gần đâu. Theo con, cứ báo cho Công an là họ điều tra ra hết, đã vi phạm pháp luật thì để cho pháp luật xử phạt mới răn đe được mẹ ạ. Đi xem bói chỉ có tốn tiền chứ giải quyết được gì?
- Mày có bảo được bố mày thì bảo. Ông ấy ngang như cua càng chắc gì đã chịu nghe!
Năm ngoái, ông Dần lên phố sắm cái máy bơm nước, trên đường về bị cảnh sát giao thông tuýt còi vì lỗi đè vạch, phải nộp phạt 300 nghìn khiến ông ấm ức mãi. Về làng, trong các câu chuyện trà dư tửu hậu ông lại đem chuyện đó ra kể. Rõ ràng ông không hề chạm vạch nên đã yêu cầu cho xem nhưng vị Cảnh sát nọ lại chẳng đưa ra được hình ảnh phạm lỗi. Phạt mà cứ lấm la lấm lét, vẫy ông vào ca bin xe của họ để làm việc. Biên bản chẳng có, dấm dúi nhận tiền phạt của ông là đút ví luôn. Chả biết tiền phạt có được nộp về kho bạc hay tiền đấy đi đâu? Bọn họ còn bảo đấy là giảm nhẹ cho ông. Từ đó, cứ nhìn thấy anh Công an nào ông cũng không mấy thiện cảm.
2. Bà thầy bói đảo mắt nhìn một lượt số vàng mã mới được chuyển đến. Một xe ba gác đầy. Các bao được dỡ tung và sắp gọn lên mâm. Ba mâm tiền vàng cao ngất ngưởng cộng với số ngựa, xà, long, ly, quy, phượng cũng chật kín gian điện.
- Thế nào, hôm trước xin mã ta đã đưa cho. Lễ lạt sắm sanh không thiếu thứ gì chứ?
Bà Thìn chắp tay, gật lấy gật để:
- Dạ, đầy đủ. Con đâu dám trái lời thầy!
Trong lúc cầm xấp tiền lẻ đặt vào từng mâm lễ, bà thầy đã kịp châm hương cắm khắp các ban. Bà ta vận bộ màu nâu sồng, hai vạt áo chùng xuống chấm đất. Cổ đeo dây tràng hạt trễ xuống tận bụng. Phía trước ban, những đĩa lớn đĩa nhỏ lễ mặn lễ chay bày ra la liệt. Sửa sang trang phục chỉnh tề bà ta lầm rầm khấn vái rồi tung đồng âm dương trên cái đĩa sứ có màu cà phê.
- Đây rồi. Nhìn rõ lắm. Nhà chị có kẻ đâm sau lưng đấy nhé!
- Dạ, nhìn rõ hở thầy. Kẻ đó thế nào ạ?
- Người quen cả đấy. Phía bên tay phải nhà chị, chếch về hướng Tây Nam. Ngay đầu ngõ có cây xoài và phía đằng sau nhà có cái rãnh nước.
Bà Thìn nghe thầy phán thì gật gù rối rít:
- Quả đúng như nhà con nghĩ. Xin thầy kêu cho nhà con ạ!
Bà thầy bói thủng thẳng:
- Không chỉ hạn lần này đâu. Lần sau còn có xô xát. Nhìn thấy dao kéo, đổ máu đây này! Chịu khó đến đây lễ bái để cầu may, giải hạn nhé!
Bà Thìn bủn rủn. Ông Điền hơn ông Dần đến dăm tuổi nhưng về vai vế, ông Điền phải gọi ông Dần là chú. Họ hàng gần gũi chứ đâu phải xa lạ gì. Ông Dần đinh ninh là nhà Điền làm, thế mà chẳng chệch đi đâu cả. Ông Dần vốn nóng tính sẽ chẳng để yên.
Gần chục năm trước nhà Điền đã bán lại khu bãi để kéo nhau ra Quảng Ninh ở với anh con trai út. Bảo nhà gần khu công nghiệp nên ra đó làm ăn, buôn bán, thoát cảnh chân lấm tay bùn. Chả hiểu làm ăn thua lỗ thế nào mà giờ lại quay về.Chỉ mấy năm nhờ khu bãi ấy, trời cho lộc nên vợ chồng bà xây được ngôi nhà khang trang, tiện nghi.
Tiếc rẻ của giời, đã mấy lần nhà Điền ngọt nhạt sang nhờ ông trưởng họ nói giúp để nhà bà chuyển nhượng lại khu bãi. Lúc đầu trả giá cao, sau thì bảo xin chuyển lại cho nửa khu ấy cũng là tốt rồi. Vừa nghe xong, ông Dần giãy nảy như đỉa phải vôi. Nói dễ nghe nhỉ. Thôi về, về ngay đi cho khỏi tốn nước chè nhà tao!
- Đích thị là nhà nó rồi. Đấy. Lúc đầu mẹ mày còn gạt đi. Nói cứ phải Công an điều tra ra mới rõ chân tướng. Giờ thì hai lăm rõ mười nhá.
Bà Thìn mang túi lộc về, vừa kể dứt lời chuyện bà thầy bói nói những gì, bảo ra sao thì ông Dần đã cười khẩy. Thế ông định làm gì? Ông có bắt được tận tay, day tận trán nhà nó không? Bà thầy bói nói là đích thị rồi. Không đúng thì người tứ xứ sao người ta chịu bỏ tiền ra, nhà có chuyện gì cũng kéo đến thầy để xem vận hạn, làm lễ đông thế?
Riêng cái món bói toán là ông Dần tin lắm. Bà Thìn thì mải nghĩ đến số lễ và đống vàng mã vừa hóa mà ngậm ngùi tiếc của.
3. Bà Thìn nấu cơm thật sớm để có thời gian dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị chè nước cho buổi họp tối nay. Mấy cái chiếu gối đầu giường được bà rút ra giặt từ sáng. Đầy đủ các thành phần ban bệ, các cụ các ông bà chi trên, chi dưới trong họ. Cái sân gạch to rộng chủ yếu để phơi phong thóc lúa, phơi chum mắm cáy hằng ngày giờ cũng đủ để trải chục cái chiếu cho mọi người ngồi họp.
- Báo cáo với bà con trong họ. Hôm nay tôi cho mời các ông bà đến đây để chứng kiến. Việc hạ độc phun thuốc trừ sâu ngoài bãi Đáy gây thiệt hại lớn về tài sản cho gia đình tôi mấy hôm trước. Giờ ba mặt một lời. Nhà thằng Điền mà không nhận lỗi và đền bù thì lúc ấy phải tống cổ ra khỏi họ luôn, không cho giỗ chạp cúng bái gì hết.
Mọi người xì xào bán tín bán nghi. Ông Trưởng họ lúc ấy mới vỡ lẽ nguyên cớ nhà ông Dần đứng lên tổ chức cuộc họp này. Ông tưởng chuyện gì, hóa ra là chuyện động trời ấy. Có ghét nhau đi nữa cũng không nên. Người làng người xã ăn ở còn phải nể mặt nhau thế mà chú cháu nó lại cạn tàu ráo máng như vậy.
- Tôi đếch ngồi yên được nữa rồi. Vu oan giá họa cho nhà tôi thế thì ông khốn nạn quá. Không bán lại cho nhà tôi thì thôi chứ ông làm nhục tôi thế này à?
- Thế mày tưởng ghen ăn tức ở với nhà tao, hủy hoại tài sản nhà tao mà tao để yên à?
Choang. Cái chén nước vừa rót ra ném sượt qua mặt nhà Điền, văng trên nền gạch vỡ tung tóe. Mấy ông bà thất kinh. Sau hôm vợ đi xem bói về, nghe lời thầy phán thế, ông Dần càng đinh ninh rằng, thủ phạm chính là thằng cháu mình. Nguyên cớ rõ ràng. Ông Dần hùng hổ sang nhà thằng cháu hỏi tội. Bữa ấy nhà Điền dù có mất mặt trước cô con dâu tương lai đúng hôm sang ra mắt nhà người yêu nhưng cũng cố bình tĩnh phân bua, chuyện không hề liên quan đến mình. Cũng chỉ tại việc làm ăn thua lỗ ngoài Quảng Ninh khiến gia đình ông phải trở về. Nghĩ nhà ông Dần đã tiền của dư giả mới mon men đến để thương lượng với ông chú để lại khu bãi mới có cơ hội trả hết nợ nần. Không ngờ đó lại là lý do khiến ông Dần đổ vấy cho ông làm chuyện thất đức.
- Thôi, thế này nhé. Chuyện này mà đồn ra ngoài ê mặt cả họ hàng ta đấy chứ không riêng gì hai nhà đâu. Nhà anh Dần nói phải có bằng chứng cụ thể chứ không thể nói vu vơ được. Thế bây giờ nhà thím San bị mất gà cứ khăng khăng nhà mợ Viện bắt trộm thì nhà mợ ấy cũng chịu cái tiếng đó hay sao? Tôi nói thế phải không các ông các bà?
Ông Trưởng họ đứng lên từ tốn. Từ lúc ấy ông Dần bị đuối lý nên nín bặt. Ông và thằng Luân đã mất cả buổi tự điều tra để truy tìm chứng cứ. Ông phân chia, thằng Luân đi làng An Thái, Lãng Bình, ông sang làng Vực, Cầu Mây và lân la sang cả mấy quán bán thuốc bảo vệ thực vật của xã bên. Bà Dần thì đi trong làng. Tất cả họ đều lắc đầu. Sợ người ta không nhớ mặt khách, Luân đã phải vào facebook của thằng Cường, con giai ông Điền để tải ảnh gia đình về cho họ nhận diện. Đúng như dự đoán của Luân, khi họ có chủ đích rồi sẽ khó mà để lại dấu vết gì. Chắc chắn sẽ phải tìm đến một nơi xa để mua thuốc. Nhưng, giọng bà thầy bói phán thì còn chệch đi đâu được nữa? Chẳng qua là không có bằng chứng thôi.
4. Mới 4 giờ sáng, vợ chồng ông Dần đã có mặt ngoài bãi Đáy. Dạo này cứ sáng ra trời đã nóng như chảo rang nên hai ông bà tranh thủ đi sớm cho mát rồi còn về nghỉ. Chỉ còn khoảng hơn sào nữa là cỏ ở bãi được dọn xong. Cỏ rậm lên cao tới gang tay, chỉ quơ vài nhát đã được xảo đầy. Có tiếng loa phát đi thông báo của Ban công an xã về tình hình tội phạm trộm cắp đang diễn ra phức tạp trên địa bàn huyện với nhiều thủ đoạn tinh vi để người dân biết được và đề cao cảnh giác.
Bà Thìn gật gù. Phải công nhận từ ngày có Công an chính quy về nghe dân tình khen ngợi lắm. Được đào tạo bài bản có khác, họ làm quyết liệt, triệt để và hiệu quả. Ngay như chuyện trước đây đi xe máy trong làng trong xã chả mấy ai đội mũ bảo hiểm, dù biết như thế là vi phạm luật an toàn giao thông và không an toàn cho tính mạng nhưng họ cứ lờ đi. Giờ hễ ra khỏi nhà là cái mũ bảo hiểm trên đầu, ngoài cổng chợ xe pháo để gọn gàng, gửi xe ở nơi có người trông giữ. Họ xử phạt nghiêm khiến dân phải tuân thủ ngay.
Đợt dịch COVID-19, sáng nào bà Thìn đi chợ cũng thấy họ có mặt ở cổng chợ từ sớm để nhắc nhở mọi người phải đeo khẩu trang đầy đủ. Tháng trước, nhà chị Thắm trong xóm bị mất chiếc xe đạp điện lúc rẽ vào chợ mua đồ ăn sáng. Phần vì tiếc tiền gửi xe và tưởng chỉ mất dăm ba phút là ra nên chủ quan dựng ngay ngoài cổng phụ. Nhoáng cái chiếc xe không cánh mà bay. Chị tiếc đứt ruột vì đó là chiếc xe chị dành dụm mới sắm cho cô con gái vừa thi đỗ lớp 10. Vậy mà không ngờ chỉ đến gần trưa, chị được Công an gọi ra xã để nhận lại tài sản dù nó được tìm thấy ở quán cầm đồ mãi tận huyện bên.
Rồi sự cố mất điện kéo dài do dây diều bay mắc vào hệ thống điện dẫn đến chập cháy cũng nhờ các anh công an phối hợp với chính quyền đã tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng này. Bọn trẻ giờ đã biết thả diều tránh xa đường dây lưới điện.
Bà Thìn thấy ông Dần lôi xảo cỏ lên bờ đổ xong vẫn chưa chịu bước xuống ruộng vì còn mải dỏng tai nghe loa thì phì cười:
- Sao ông bảo có ác cảm với mấy chú Công an mà giờ chăm chú nghe thế?
Ông Dần như không hề nghe thấy câu châm chọc của vợ. Tiếng loa thông báo làm ông chột dạ. Ban Công an xã đêm qua vừa mật phục bắt được ổ cờ bạc tại nhà Duy thọt. Ông thừa biết chỗ đấy quy tụ toàn tay lêu lổng hay ăn lười làm chỉ ngồi lê chiếu bạc, trông chờ vào vận đen đỏ. Có hai lần được rủ rê, đều là hai lần ông mất cả. Chúng cùng hội cùng thuyền với nhau nên ông đánh sao lại?. May mà sau lần ấy vì tiếc tiền ông dừng hẳn.
Thằng Cần chuyên được giao theo dõi camera phòng khi Công an tới. Nhưng dạo trước tay Hoàn, Trưởng Công an là người cùng thôn, lại là người nhà của Duy thọt nên việc kiểm tra chỉ lấy lệ vì lần nào cũng đã được báo trước. Rồi đâu lại đóng đấy. Mà cũng toàn là người quen, anh em họ hàng cả. Bây giờ nghe đâu không có bằng cấp, tay Hoàn đã bị chuyển xuống làm dân quân rồi. Lần này Công an làm găng thật.
Mồ hôi đã ướt áo, có làn gió dưới sông tạt lên mát rượi. Dưới chân ruộng bốc lên mùi của phù sa đồng bãi ngai ngái thân quen. Hôm nay nắng dịu, trời trong. Những khóm tre quanh bờ vùng đu đưa rì rào theo gió. Có mệt nhọc nhưng đến là dễ chịu.
- Bố mẹ về ngay nhé. Công an xã vừa điện báo mời nhà ta ra để giải quyết công việc. Họ đã điều tra ra rồi.
- Vụ việc gì thế nhỉ?
Ông Dần nghe điện mà hốt hoảng. Sự thủng thẳng của bà Thìn làm ông Dần ngạc nhiên hơn:
- À, thì cái vụ mẹ con tôi làm đơn trình báo về việc bãi Đáy nhà mình ấy.
Ông Dần bàng hoàng như không tin vào tai mình. Ngồi trước mặt anh Trưởng Công an xã tuổi còn khá trẻ mà tâm trạng ông lại đang nghĩ về người đàn bà góa béo mập tên Nhàn, nhân tình của ông. Lâu nay ông cứ nghĩ mình là người đàn ông số hưởng. Hơn năm nay, ông và mụ thậm thọt với nhau mà hạnh phúc gia đình vẫn êm thấm, trong làng không ai hay. Đôi khi ông thấy tự hào tưởng người đàn ông cao to, phong độ lại có chút tiền bạc dư dả như ông thừa sức trói buộc được mụ, tin tưởng coi mụ là chỗ “phòng nhì” để có chỗ vui vẻ, giải khuây tuổi già.
Lần nào lén lút vụng trộm với mụ, ông đều dấm dúi mua quà hoặc cho mụ ít tiền. Nhìn mụ tít mắt nhận quà, ông thấy vui lây. Không ngờ con chó cái ấy chỉ là cave cho bao gã đàn ông trong làng ngoài xã. Mà mụ cũng thật tinh quái, biết sắp xếp lịch để không bao giờ họ chạm mặt nhau.
- Qua theo dõi, chúng tôi ập vào nhà nghỉ kiểm tra, bắt quả tang bà Lại Thị Nhàn đang bán dâm cho khách. Vụ việc của gia đình ông chúng tôi đã điều tra ra manh mối, tuy nhiên qua thu giữ điện thoại của bà Nhàn chúng tôi mới có đủ bằng chứng xác đáng…
Ông Dần há hốc mồm kinh ngạc. Thì ra ông đã đổ oan cho thằng Điền. Mụ Nhàn được người ta thuê. Người chủ mưu hại ông lại chính là lão Thoại mà suýt nữa đã trở thành thông gia với ông. Biết đứa con gái lão Thoại, người yêu thằng Luân chỉ là một con bé chơi bời, công việc bấp bênh nay làm chỗ này mai nhảy chỗ khác, ông đã dứt khoát cấm cản chúng đến với nhau.
Thêm chuyện ông báo với xã lão Thoại đi từ vùng dịch về nhưng không tự nguyện khai báo để lão phải đi cách ly. Chuyện đã lâu mà lão Thoại sinh mối thù. Cũng may người bị bắt quả tang với mụ không phải là ông. Nếu không suốt đời này ông bị người đời chê cười, vợ con khinh bỉ. Hú hồn với mụ góa lẳng lơ. Lần này các anh Công an giúp ông sáng mắt ra. Họ giỏi thật. Ông như người ngây dại, lại mất tiền để nghe bà thầy bói phán như đúng rồi.
Bất chợt, ông Dần sực nhớ đến những vết loét màu đỏ nơi bộ phận sinh dục. Lẽ nào ông đã bị lây nhiễm bệnh giang mai từ mụ ấy?. Rồi đây ông sẽ phải thu xếp đi khám để còn điều trị dứt điểm.
Qua mùa cáy này, mấy mà lại đến mùa rươi. Heo may sẽ lại về. Thủy triều dâng, rươi sẽ lại bơi như múa. Bình minh Bãi Đáy vui như mở hội.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/binh-minh-bai-day-647152/