Bình minh cuối chân trời của những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS
Bệnh viện Nhân Ái trở thành chốn bình yên nhất trong cuộc đời những người nhiễm HIV/AIDS và là ngôi nhà thứ hai của nhiều người bệnh.
Mùa Xuân đã đến ở xã miền núi Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Trên con đường nhựa độc đạo men theo rừng cao su bạt ngàn, thỉnh thoảng bắt gặp những ngôi nhà với rực rỡ sắc vàng những bụi mai.
Cũng trên con đường đó, bao năm nay, Bệnh viện Nhân Ái từng ngày xoa dịu nỗi đau, nuôi dưỡng sự sống cho những bệnh nhân HIV/AIDS. Bệnh viện trở thành ngôi nhà của nhiều người bệnh tưởng chừng như đã về với cát bụi nhưng lại được sống đúng nghĩa nhờ tình thương yêu của các y bác sĩ.
Tiếng hát rộn ràng cất lên từ khu nhà ở của các bệnh nhân tại Khoa Nội 1, Bệnh viện Nhân Ái. Sau giờ hết trực ca, một số bác sĩ vẫn có thói quen ngồi lại uống trà, nghe nhạc cùng người bệnh. Người đàn, người hát đã trở thành cảnh tượng quen thuộc tại đây. Có những khi chai nhựa, đũa, thìa cũng được lấy làm trống, làm đạo cụ âm nhạc để không khí thêm phần tưng bừng, nhộn nhịp.
Anh Nguyễn Văn T., ngụ quận 7 TP HCM, vốn là một nhạc công nhưng lỡ vướng vào nàng tiên nâu, tiêm chích ma túy nên bị nhiễm HIV và được đưa đến đây điều trị 2 năm nay. Giao thừa vừa qua, anh cùng nhiều bệnh nhân đã chuẩn bị một số tiết mục để biểu diễn. Ở bệnh viện, anh đã dần bớt đi mặc cảm về một thời lầm lỗi của mình, bớt đi lo ngại bị kỳ thị bởi căn bệnh đang mang trong người.
"Ở đây, các bác sĩ chữa bệnh cho mình hằng ngày hàng tháng hàng năm, nên thấy bệnh của mình là bình thường. Nhưng khi mình về xã hội thì nhiều người cứ nhìn bằng con mắt khác vì vậy mình thích ở đây luôn. Mà nói đúng hơn, đây như ngôi nhà thứ hai của tụi mình. Tất cả bệnh nhân được thầy cô chia sẻ những điều về bệnh tật, chia sẻ niềm vui nỗi buồn", anh T. nói.
Bệnh viện Nhân Ái được TP HCM xây dựng trong một khu vực có rất nhiều cây xanh, yên tĩnh, không khí trong lành. Khuôn viên bệnh viện đẹp như một công viên, nhiều bệnh nhân đang cùng nhau sơn vôi lên gốc cây, lát lại nền xi măng ở lối đi nhỏ, nhổ cỏ, trồng cây, tưới hoa... Những khóm hoa dại, hoa ngũ sắc, hướng dương đều bung nở rực rỡ đúng vào những ngày Tết.
Vừa tập đi bộ vừa thư thái ngắm cảnh trong khuôn viên, chị Bùi Bích L., 46 tuổi, quê gốc ở Hải Phòng cho biết, chị bị lây HIV từ chồng 9 năm qua. Chị còn bị nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội, trong đó bệnh nấm não khiến chị bị liệt nằm 1 chỗ. Mọi sinh hoạt cá nhân phải dựa hoàn toàn điều dưỡng và các sơ của Khoa Săn sóc đặc biệt. Có thời điểm, chị vật vã trong nỗi đau tột cùng khi đứng giữa sự sống và cái chết. Vừa tủi nhục cô đơn, vừa đau đớn thể xác, những lúc đó, không có người thân bên cạnh, chỉ có những người mặc áo blouse trắng chăm chút cho chị, đưa chị trở về từ cửa tử.
"Trước đây, khi nghĩ đến bệnh là tôi chỉ muốn chết. Vào đây tôi bị liệt, bị tốc xô não (nấm não - PV), nên lúc đấy chán nản lắm. Các cô động viên ở lại đây trị bệnh và các bác sĩ tận tình chăm sóc tôi. Bây giờ, tôi đã có cuộc sống vui vẻ hơn, đi lại cũng ổn định rồi".
Được thành lập từ năm 2006, Bệnh viện Nhân Ái là nơi chăm sóc và điều trị hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS. Bệnh viện có 18 phòng/khoa với quy mô 350 giường bệnh nhưng hiện đang điều trị, chăm sóc toàn diện cho gần 500 bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối. Các y bác sĩ và nhân viên bệnh viện luôn phải đối mặt với nguy cơ bị phơi nhiễm vì tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch của bệnh nhân, bị bệnh nhân cào cấu… xảy ra như cơm bữa. Song, đã trót nặng lòng với những mảnh đời đang ngấp nghé ngưỡng cửa “tử thần”, nhiều y bác sĩ đã dành cả thanh xuân gắn bó với bệnh viện.
Với điều dưỡng Lê Thị Hương, 15 năm qua, từ khi đây đang còn là cơ sở trọng điểm về cai nghiện ma túy chưa trở thành bệnh viện đến nay, số lần về quê ăn Tết của chị đếm trên đầu ngón tay. Chị Hương được luân chuyển chăm sóc người bệnh ở hầu hết các khoa. Nhiều lần chứng kiến những bệnh nhân cơ thể đã bị lở loét, hoại tử, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhưng như người ruột thịt trong gia đình, chị không buông xuôi bỏ mặc người bệnh mà vẫn chăm sóc cho đến khi họ trút hơi thở cuối cùng, bình an về thế giới bên kia. Có lần chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối rất nặng, trong khi bắt mạch để truyền nước, bệnh nhân không nằm yên nên chị đã bị phơi nhiễm HIV.
Chị Hương nhớ lại: "Lúc đó, tôi còn trẻ và mới sinh được 1 đứa con thôi. Buồn rồi lo, nhưng được anh chị em, lãnh đạo động viên, tôi đã uống thuốc, được nghỉ ngơi, sau đó không việc. Những tình cảnh đó là bình thường, tôi không còn sợ sệt gì nữa đâu và cảm thấy đây như ngôi nhà thứ hai của mình".
Theo Bác sĩ Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái, nhiều bệnh nhân không có người thân, tất cả trông chờ vào nhân viên y tế, từ việc tắm rửa, thay quần áo, ăn cơm, ăn cháo… đến những chuyện tâm tình buồn vui trong cuộc sống. Cũng theo bác sĩ Long, số bệnh nhân nhập viện ngày càng nhiều, áp lực công việc ngày càng lớn nhưng đáng mừng là rất ít nhân viên xin chuyển công tác. Năm nay, tất cả nhân viên y tế của bệnh viện đều tình nguyện không nghỉ phép về quê mà ở lại đón Tết cùng bệnh nhân.
"Chúng tôi xác định mình là người phục vụ và sẽ chăm sóc bệnh nhân hết lòng hết sức, để bệnh nhân nào khỏe thì trở thành người có ích cho xã hội, bệnh nhân nào ra đi thì ra đi trong êm ái. Mình làm tốt công việc ở đây cũng là sự đóng góp để thành phố bình yên", bác sĩ Long nói.
Ở bệnh viện mang tên Nhân Ái, dù hàng ngày, hàng giờ bệnh nhân phải đối diện với những cái chết được báo trước, nhưng không khí đón Xuân vẫn vui tươi, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nhân viên y tế cùng người bệnh cùng nhau đón khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, dành cho nhau những lời chúc đầu năm đầm ấm nhất. Sẽ có những bệnh nhân chỉ còn được hưởng cái Tết cuối cùng của cuộc đời rồi ra đi mãi mãi, nhưng cũng có hàng trăm cuộc đời tưởng như đã đi vào ngõ cụt mà vẫn hồi sinh. Với họ, Tết không chỉ là thời khắc thiêng liêng mà còn Tết là vẫn còn hy vọng, còn thêm niềm tin yêu vào cuộc sống./.