Bình minh lên, tàu anh lại ra khơi!

Bình minh lên rồi, anh sẽ cùng con tàu ra khơi và những âm thanh quen thuộc ấy trong một thời gian dài sẽ không còn vang lên cho riêng em nữa.

Bình minh lên rồi, anh sẽ cùng con tàu ra khơi… Ảnh: Quang Lân.

Bình minh lên rồi, anh sẽ cùng con tàu ra khơi… Ảnh: Quang Lân.

Bao giờ trước khi đi công tác anh cũng sẽ gọi điện về chào tạm biệt em thật ngắn gọn theo phong cách người lính. Hiểu tính anh như thế và do đặc thù công việc của các anh nên em cũng không thắc mắc gì thêm, nhưng lại thấy hơi nghẹn lòng. Bởi vì sau tiếng tút... tút... đã ngắt của cuộc gọi, tất cả sẽ trở nên im lặng.

Bình minh lên rồi, anh sẽ cùng con tàu ra khơi và những âm thanh quen thuộc ấy trong một thời gian dài sẽ không còn vang lên cho riêng em nữa. Tất cả niềm yêu thương chỉ còn là sự ngóng trông vọng về theo sóng biển...

Rất nhiều lần em hỏi ấn tượng về những chuyến ra khơi, lúc nào anh cũng chỉ cười: “Có gì đâu em, đó là công việc hàng ngày của bọn anh mà!”. Câu nói nhẹ nhàng cùng tiếng cười thoải mái khiến em yên lòng. Nhưng khi hỏi về biển thì anh lại say sưa:

“Điều anh luôn thấy mới mẻ và thu hút nhất trong mỗi chuyến đi vẫn là cảnh bình minh và hoàng hôn. Trên đất liền, chúng ta vẫn thấy đó là cảnh đẹp tuyệt vời mà ta say mê nhìn ngắm mỗi ngày. Ai cũng có thể tận hưởng chầm chậm từng phút giây ánh bình minh lên rạng ngời rồi hoàng hôn từ từ tím thẫm cánh đồng hay Mặt trời khuất sau rặng núi... Thậm chí, nó quen thuộc và bình yên quá đến nỗi nhiều khi chúng ta thấy thật bình thường!

Nhưng khi ở trên biển khơi thì cảnh này thực sự quá đỗi diệu kì. Không còn những bóng núi hay rừng cây xa che phủ, chẳng trải dài xuống cánh đồng xanh hay bị những ngôi nhà cao tầng che khuất... Lúc ánh bình minh vừa hé rạng thì vừng dương kì vĩ, phóng khoáng của ngày mới cũng xuất hiện rực rỡ rất nhanh, rất rõ ràng khiến ta ngỡ ngàng.

Rồi khi hoàng hôn buông, ta chỉ kịp nhìn thấy vừng hào quang chói lọi ấy trong phút chốc vô cùng huy hoàng rồi biến mất đầy bí ẩn. Khi ấy, gần như ngay lập tức - màn đêm bao trùm tất cả. Không còn giới hạn của bầu trời và mặt đất, tất cả trải ra bát ngát bao la khiến ta choáng ngợp.

Anh càng hiểu rằng cuộc sống thật đáng giá và con người trước thiên nhiên mới nhỏ bé, hữu hạn làm sao. Biển quê hương ta đẹp không thể nào tả xiết. Anh càng thêm yêu biển, yêu công việc của mình hơn!”.

Khuya! Nhiều khi bộn bề công việc vẫn còn đang dang dở, chợt thấy trống vắng, bâng khuâng, em lại tưởng như mình đang sống bằng những thanh âm của sóng biển theo nhịp tàu anh ra khơi trong tâm tưởng. Có lẽ đó là nơi chân mây liền với bầu trời, là bao la theo cánh hải âu bay.

Anh và đồng đội chắc không thể biết được nhịp tim của biết bao người vợ trẻ trong những đêm dài như thế... Vậy mà em lại thấy được vị mặn của nước biển tràn lên boong tàu, cái chòng chành lay lắc kinh người của con tàu oằn mình vượt qua sóng dữ mỗi mùa biển động hay lúc cơn áp thấp, cơn bão thành hình.

Và nhất là khi mùa Đông về lại nghe đài báo gió mùa Đông - Bắc. Dặn con mặc áo ấm đi học cẩn thận rồi còn kèm thêm câu nói bâng quơ: “Gió mùa mạnh thế này bố và các chú bộ đội lại vất vả lắm đây!”. Con gái nhỏ có hơi ngẩn người rồi chạy tung tăng tự lấy cặp đi học. Con trai lớn nhìn mẹ chỉ tủm tỉm cười không nói gì rồi vội đạp xe đến trường. Chính các con cũng hiểu là mẹ đang nhớ và lo cho bố. Nhìn theo dáng hai con đã dong dỏng cao, đôi mắt đen láy thông minh, cái trán dô bướng bỉnh và cả dáng đi quen thuộc hay lao về phía trước, em thấy vui vui và lòng nghe ấm lạ.

Tất cả niềm yêu thương chỉ còn là sự ngóng trông vọng về theo sóng biển. Ảnh: TL.

Tất cả niềm yêu thương chỉ còn là sự ngóng trông vọng về theo sóng biển. Ảnh: TL.

Anh chưa bao giờ nói về những khó khăn hay tỏ ra một chút gì lo lắng trước mỗi chuyến đi. Chỉ đến khi được nghe, nhìn những tư liệu, hình ảnh trên truyền hình, báo đài ca ngợi về những chiến công của các anh và cả những nguy hiểm gian lao mà các anh phải đương đầu trên biển mênh mông, em và con mới biết nhiều hơn...

Có lẽ vì thế nên mỗi lần về phép, anh sẽ lại tranh thủ từng phút giây chăm lo cho gia đình, chở con đi chơi, cùng em nhặt rau nấu cơm hay tối đến giảng bài cho mấy đứa nhỏ. Anh còn hay kể chuyện vui về người lính. Tiếng cười rộn ràng lúc chung vui giúp các con hiểu được ý nghĩa tình cảm gia đình khi quây quần để trân trọng hơn những ngày xa cách! Ngoài kia, dù có bao nhiêu bão giông hay phức tạp cuộc đời thì mẹ con em đã có anh luôn chở che, bảo vệ... Những cách xa đó có là gì đâu phải không anh?

Nhưng thực sự điều làm em nhớ nhất chính là những khoảnh khắc ngày cuối năm mà ta phải tạm biệt nhau để anh lên đường vào đơn vị làm nhiệm vụ. Kiểu gì nhà ta cũng gói bánh chưng sớm nhất ngõ. Các con tíu tít rửa lá bánh, bố đi mượn xoong chất bếp. Mỗi đứa một chân một tay vừa rửa lá vừa tranh nhau xem lá của ai to hơn, ai rửa nhanh, sạch sẽ hơn... Tiếng cười trẻ thơ làm cả nhà thêm vui.

Em tất bật phụ thêm phần nguyên liệu. Nghe thấy bố tỉ mỉ dạy anh cách làm sao để từng chiếc bánh vừa đều nhân vừa đầy đặn gọn gàng, em gái nhỏ cũng chạy đến phụng phịu “bố dạy con với”.

Những chiếc bánh nhỏ xíu là thành phẩm đầu tay tuy còn vụng về chưa được vuông vắn được mẹ chụp ảnh để lưu dấu ấn cho tuổi thơ con. Có mấy bác hàng xóm ghé chơi, nhìn cái nói ngay: “À, nhà này ăn Tết trước đấy? Năm nay lại không được ở nhà hả cháu?”. Nói thế rồi các bác lại ngồi uống chén trà nóng với “anh bộ đội hải quân”.

Tối đó, cả nhà sẽ cùng nhau canh nồi bánh chưng. Lúc mẹ phải lên nhà bận soạn bài, anh bận học thì hai bố con lại rí ráu với nhau bao nhiêu là chuyện. Thỉnh thoảng nghe vọng tiếng cười giòn tan của em gái khiến anh lớn không kiềm chế được lại lò dò ra ngồi cùng.

Chỉ là gói bánh chưng thôi, còn trang trí hay thu dọn nhà cửa sau ngày anh đi em và các con sẽ làm. Đã quen rồi và lúc nào cũng chỉ có mẹ nên chúng biết việc lắm. Con nhà lính mà!

Thật ấm áp, hạnh phúc vô bờ khi được cảm nhận niềm vui riêng sum họp và niềm vui chung của Tết người lính. Ảnh: Quang Lân.

Thật ấm áp, hạnh phúc vô bờ khi được cảm nhận niềm vui riêng sum họp và niềm vui chung của Tết người lính. Ảnh: Quang Lân.

***

Có một năm, lần đầu tiên ba mẹ con em đã được đơn vị của anh tạo điều kiện vào đón Tết. Háo hức, hồi hộp và có chút lo lắng, băn khoăn.

Chuẩn bị cả tháng trước đó, đúng ngày 28 Tết, mong ước của các con và em đã thành hiện thực. Những e ngại ban đầu tan biến ngay lập tức khi em cảm thấy nơi đây giống như nhà mình vậy. Anh em ở lại trực rất đông, cũng có một vài người vợ lặn lội cho con vào với chồng như em. Thế là tất cả quây quần bên nhau trong tình cảm một đại gia đình.

Bao nhiêu e ngại, rụt rè không còn nữa, thay vào đó là sự thân quen, đầm ấm, cởi mở. Những niềm vui ngời lên trong ánh mắt, những cái bắt tay dịu dàng trao gửi yêu thương, những giọng nói khắp mọi miền nghe vừa lạ vừa quen.

Em sẽ không thể nào quên được cảm giác cùng các anh cắm những bình hoa trang trí, gói bánh và canh nồi bánh chưng bên bờ biển thơ mộng, nghe tiếng nhạc Xuân vang lên từ loa phát thanh, cảm nhận làn gió mát mẻ ùa về.

Bàn tay lính khéo léo nên chiếc bánh nào cũng vuông vức đều tăm tắp. Những bạn nhỏ lần đầu thấy nhiều bánh như vậy nên thi nhau đếm mỏi tay.

Đêm Giao thừa ấm áp, hạnh phúc vô bờ khi được cảm nhận niềm vui riêng gia đình mình được sum họp bên nhau và niềm vui chung của Tết người lính. Các con lúc đầu bỡ ngỡ rụt rè sau đó lại háo hức thích thú với các trò chơi và phần thưởng mà các chú trao tặng.

Đêm lửa trại là điều ai cũng mong chờ. Không gian ngập tràn lời ca tiếng hát. Tất cả nắm tay nhau xoay tròn trong ánh lửa bập bùng. Tạm quên đi những vất vả lo âu đời thường, tạm quên đi nỗi nhớ nhà trong ngày đặc biệt. Tất cả như trẻ lại. Các anh cùng hát vang khúc quân hành người lính. Em và các con được hòa chung nhịp đập của con tim yêu Tổ quốc thiết tha! Biết bao cảm xúc sâu lắng, rạo rực.

Em ngỡ như đang mơ. Đó sẽ là những phút giây lần đầu tiên quý giá sẽ không bao giờ phai mờ trong kí ức!

Đêm lửa trại ngập tràn lời ca tiếng hát. Ảnh: Quang Lân.

Đêm lửa trại ngập tràn lời ca tiếng hát. Ảnh: Quang Lân.

Hồi còn nhỏ, hai con cứ thắc mắc là sao ngày Tết bố không được ở nhà như mọi người? Sao bố lại phải đi công tác? Biết trả lời con thế nào bây giờ! Để những ngày Xuân thêm tưng bừng đầm ấm, để niềm vui sum họp đoàn viên của bao gia đình ngày Tết thêm trọn vẹn thì những người lính như anh vẫn luôn sẵn sàng như thế.

Da diết biết bao tiếng còi tàu chào bến. Tiếng còi ấy là lời chào yêu thương của những người lính biển, là nhịp tim thổn thức những giây phút chia xa, là cái nhìn đau đáu ngắm lại đất liền... là lời thì thầm, lời hò hẹn... Và sẽ mãi là niềm tin mỗi chặng đường dài...

Từng ngày, biển cả lại đón các anh trong tình thương yêu của những người mẹ, người vợ, những đứa con. Biển cả là quê hương, là tất cả những thương yêu chưa kịp nói nên lời. Hạnh phúc nhân lên khi con tàu của các anh được đồng hành cùng những chiếc ghe, chiếc tàu của bao ngư dân đang vươn khơi bám biển... Không gian bao la, Mặt trăng sáng lên mênh mông trong từng ánh mắt. Tất cả trở thành niềm tự hào của các con trong các câu chuyện kể về công việc hàng ngày của bố.

Sớm mai, em sẽ lại đi làm như bao ngày khác và rồi trong những bài giảng sẽ có đôi chút gì đó hơi “thiên vị” khi kể về những người lính, nhất là lính biển. Bởi em biết - nhành san hô đỏ anh gửi về tặng em trong trang thư chính là nhành hoa đẹp nhất chứa chan bao hy vọng chẳng bao giờ phai màu dù bão giông cách trở. Vì những bông hoa đó giản dị như chính tên gọi của các anh - những người lính biển:

“...Nơi anh đến là biển xa

Nơi anh tới ngoài đảo xa

Từ mảnh đất quê ta

Giữa đại dương

Mang tình thương quê nhà

Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa

Ngàn bão tố phong ba

Ta vượt qua vượt qua...”.

(Nơi đảo xa - Nhạc sĩ Thế Song)

Phạm Thị Trinh (Giáo viên Trường Tiểu học & THCS Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/binh-minh-len-tau-anh-lai-ra-khoi-post671814.html