Bình minh trên đảo Vĩnh Thực

Bình minh vừa ló dạng rực rỡ, chúng tôi đã ở bến cảng Mũi Ngọc (TP. Móng Cái, Quảng Ninh) để kịp chuyến tàu đầu tiên ra đảo Vĩnh Thực ngày đầu đông. Dập dềnh theo con sóng, chiếc ca nô đưa chúng tôi vượt biển lướt nhanh trên mặt nước mênh mông, xanh thẳm, mang theo niềm háo hức khám phá đảo tiền tiêu của Tổ quốc, để được ngắm trọn mũi Sa Vĩ - nơi Mẹ tạo hóa đặt nét bút đầu tiên vẽ nên dải đất hình chữ S…

Xã đảo đổi thay

Chỉ 15 phút đi tàu, chúng tôi đã cập bến cảng Vạn Gia, đảo Vĩnh Thực. Bến cảng Vạn Gia không tấp nập trên bến dưới thuyền, lúc này trên bờ chỉ có nhóm người đàn ông lái tàu, lái xe du lịch ngồi chuyện trò. Thấy khách lạ, họ chỉ quay lại nhìn chăm chú chứ không ai chèo kéo, mời chào khách đi xe. Lúc chúng tôi hỏi địa chỉ Chi cục Hải quan Vạn Gia thì họ mới niềm nở, nhiệt tình chỉ đường.

Sau buổi làm việc ở Chi cục Hải quan Vạn Gia, chúng tôi tiếp tục hành trình vào trung tâm xã đảo Vĩnh Thực. Ngược nắng chiều, chạy xe máy trên con đường độc đạo trải nhựa êm ru vào trung tâm Vĩnh Thực, hai bên đường rừng cây xanh mướt, hoa sim tím nở rộ, khoảng trời mênh mông của xã đảo trải dài trước tầm mắt, nhà cửa khang trang, trường học quy mô ẩn hiện…

Một trong những ngọn hải đăng đầu tiên trên biển Việt Nam

Một trong những ngọn hải đăng đầu tiên trên biển Việt Nam

Đón chúng tôi tại UBND xã Vĩnh Thực, Phó chủ tịch xã Lê Thị Hằng đích thân đưa chúng tôi đến bãi Bến Hèn, bãi Đầu Đông - hai bãi biển đẹp nhất đảo với bãi cát trắng mịn trải dài tít tắp, tiếng sóng biển rì rào… Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi về diện mạo của Vĩnh Thực hôm nay, Phó chủ tịch Lê Thị Hằng phấn khởi chia sẻ: Đây là trái ngọt từ Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của TP. Móng Cái đối với các xã đảo nhằm phát triển toàn diện kinh tế, xã hội nông thôn vùng biên giai đoạn 2010 - 2020.

Xã Vĩnh Thực là một trong hai xã của đảo Vĩnh Thực, có 3 thôn, với tổng số 807 hộ, 3.097 nhân khẩu, đủ điều kiện để phát triển kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp. Tuy nhiên, do xã nằm cách khá xa vùng trung tâm, giao thông cách trở, trình độ dân trí thấp nên trong quá trình xây dựng NTM rất khó khăn. Với sự đồng thuận, đồng hành của người dân, năm 2018 xã đã chính thức cán đích NTM, đạt 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đi lại của người dân được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng lên rõ nét. Từ chỗ thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 24,8 triệu đồng/người năm 2011, đến năm 2019, đạt trên 42 triệu đồng/người/năm. Cả xã hiện chỉ còn 3 hộ nghèo…

Hướng tới miền quê đáng sống

Là chiến sĩ biên phòng cùng gia đình gắn bó với đảo gần 30 năm, ông Trần Văn Tuấn (sinh năm 1967, quê Hải Dương) vẫn nhớ như in thời kỳ đảo còn hoang sơ, dọc đường liên thôn không có nhà, có người mà chủ yếu là ruộng đồng; đường từ cảng Vạn Gia vào trung tâm đảo lầy lội, ngập bùn, cát; dầu không có để đốt, thắp sáng, người dân cũng không thể bám biển, vươn khơi thường xuyên do phương tiện đi biển hạn chế. Khó khăn là vậy, nhưng nhờ vợ chồng đồng thuận, tần tảo làm ăn gia đình ông đã vươn lên thành điển hình làm kinh tế ở xã đảo. Sự ổn định của gia đình ông Tuấn, cũng như thoát nghèo của các hộ dân khác trên đảo, theo ông Tuấn, là nhờ “làn gió” NTM đầu tư đường, điện, trường, trạm cho xã đảo. “Điện về từng gia đình, giúp người dân tiếp cận với thông tin, khoa học kỹ thuật, để học hỏi áp dụng những cách làm hay, qua đó thay đổi cuộc sống. Những con đường “xương cá” NTM hiện diện khắp thôn xóm, trở thành nhịp cầu, kết nối lưu thông hàng hóa”- ông Tuấn phấn khởi nói.

Vĩnh Thực vẫn còn cơ hội bứt tốc hơn về kinh tế, khi tiềm năng du lịch được đánh thức. Bởi, Vĩnh Thực đang sỡ hữu nhiều bãi biển đẹp nên thơ, trải dài hàng cây số; có một trong những ngọn hải đăng đầu tiên trên biển Việt Nam, để khi đến đây du khách có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát vùng biển đảo Vĩnh Thực, hay nhìn trọn về phía mũi Sa Vĩ… TP. Móng Cái cũng đã có chủ trương kêu gọi đầu tư sản phẩm du lịch phức hợp cao cấp đạt chuẩn quốc tế tại Vĩnh Thực trong Đề án phát

triển du lịch sản phẩm du lịch Móng Cái đến năm 2020, định hướng đến 2030; đồng thời, đã triển khai thực hiện sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng Vĩnh Thực - Vĩnh Trung thu hút một số doanh nghiệp đầu tư xuồng, ô tô, xe điện đưa, đón khách ra đảo; người dân đảo hưởng ứng sửa sang nhà cửa, xây dựng phòng nghỉ homestay phục vụ khách... Để “đón sóng” du lịch về với đảo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đảo Vĩnh Thực đang quyết tâm giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; nâng cấp hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ; khuyến khích người dân sản xuất đặc sản của xã theo hình thức hữu cơ, phát triển du lịch… Từ đó, kỳ vọng năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, đưa Vĩnh Thực trở thành “miền quê đáng sống”.

Ánh nắng cuối cùng của buổi chiều tan dần, chúng tôi về lại bến cảng Mũi Ngọc để lại ngoài khơi Đảo Vĩnh Thực, chợt trong tôi dâng trào lưu luyến, chỉ mong có dịp trở lại để hòa mình với thiên nhiên tươi đẹp, khám phá sức sống mới của vùng đảo nơi đầu soáng…

Quỳnh Nga - Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-minh-tren-dao-vinh-thuc-131752.html