Bình Nhưỡng đã phản hồi về vụ lính Mỹ vượt biên vào Triều Tiên
Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc và Triều Tiên đã bắt đầu thảo luận về trường hợp binh sĩ Mỹ vượt biên tuần trước.
Ngày 24/7, Phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) - Trung tướng Andrew Harrison cho biết UNC và quân đội Triều Tiên đã bắt đầu thảo luận về trường hợp binh sĩ Mỹ Travis King vượt biên vào Triều Tiên tuần trước thông qua cơ chế được thiết lập theo hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên.
“Mối quan tâm chính của chúng tôi là tình hình của binh sĩ King”, ông Harrison cho biết tại họp báo ngày 24/7 nhưng từ chối tiết lộ thông tin chi tiết.
UNC là lực lượng quân sự đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu có nhiệm vụ giám sát việc thực thi hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên. Ngoài ra, UNC còn cùng Triều Tiên giám sát an ninh tại Khu Phi quân sự (DMZ) phân cách hai miền bán đảo Triều Tiên.
Binh sĩ King là binh nhì thuộc Lục quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, vượt biên vào Triều Tiên khi âm thầm tham gia chuyến tham quan Khu An ninh chung (JSA) ở Khu Phi quân sự (DMZ) hôm 18/7. Trước đó, King vừa ra tù tại Hàn Quốc vì các tội danh hành hung, phá hoại xe cảnh sát, đang đối mặt với các biện pháp kỷ luật quân sự khi chuẩn bị trở về đơn vị tại Mỹ.
Trước đây, truyền thông nhà nước Triều Tiên, thường lên tiếng trong các trường hợp công dân Mỹ vượt biên vào nước này nhưng đến nay vẫn chưa bình luận liên quan đến vụ việc của binh sĩ King.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Tuần trước, Bình Nhưỡng đã tiến hành phóng tên lửa đạn đạo chỉ vài giờ sau khi tàu ngầm hạt nhân USS Kentucky mang tên lửa đạn đạo của Mỹ lần đầu thăm cảng Busan, Hàn Quốc kể từ năm 1981.
Ngày 22/7, Triều Tiên tiếp tục phóng một số tên lửa hành trình ra vùng biển phía tây bán đảo. Bình Nhưỡng cũng cảnh cáo việc Mỹ triển khai tàu sân bay, máy bay ném bom, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo tới bán đảo có thể chạm ngưỡng mà Triều Tiên buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân theo luật của nước này.
Từ tháng 9/2022, Triều Tiên thông qua luật chính thức tuyên bố là quốc gia hạt nhân, cho phép Bình Nhưỡng tấn công hạt nhân phủ đầu "các thế lực thù địch" nếu nước này xác định sắp bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào các "mục tiêu chiến lược" của đất nước.