Bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết

Như thường lệ, vào những tháng cuối năm, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng (NTD) tăng nhanh. Ðây cũng là thời điểm một lượng hàng hóa rất lớn được các doanh nghiệp (DN) đưa ra thị trường.

Như thường lệ, vào những tháng cuối năm, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng (NTD) tăng nhanh. Ðây cũng là thời điểm một lượng hàng hóa rất lớn được các doanh nghiệp (DN) đưa ra thị trường.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã có chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán, đồng thời các địa phương đến nay cơ bản đã chuẩn bị tốt nguồn hàng, tuy nhiên, vẫn có một thực tế tồn tại nhiều năm nay là một số đơn vị, cơ sở sản xuất, bán lẻ lợi dụng thời điểm này để "té nước theo mưa", đầu cơ, găm hàng, đẩy giá bán một số mặt hàng thiết yếu lên cao hòng kiếm lời bất chính, tạo nên những "cơn sốt" giá, gây bất ổn thị trường dịp Tết.

Trước tình hình này, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh của DN và người dân cũng như NTD. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa gian lận xuất xứ nguồn gốc; vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, niêm yết giá. Trong đó, đặc biệt chú trọng các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, bánh mứt kẹo, đồ uống,... được dùng nhiều trong dịp Tết. Các đơn vị sản xuất chủ động theo dõi sát diễn biến của thị trường, dự trữ vật tư, nguyên vật liệu một cách hợp lý để có kế hoạch bổ sung sản xuất, kịp thời cung ứng hàng hóa ra thị trường khi xảy ra những biến động lớn về nguồn hàng, giá cả. Thậm chí trong trường hợp cần thiết, nhiều DN đã chuẩn bị sẵn các phương án nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, năm nay nguồn cung cơ bản ổn định, nhưng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần được quan tâm hơn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, người dân chuyển mạnh sang mua bán qua mạng, không trực tiếp kiểm soát được chất lượng sản phẩm khi mua về. Do đó, để hạn chế hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, buôn bán vận chuyển thực phẩm bẩn, gây ảnh hưởng sức khỏe NTD, từ nay đến sau Tết Nguyên đán, các lực lượng chức năng cần có các giải pháp kiểm soát tốt các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Song song với công tác phòng chống dịch bệnh, các DN thương mại cũng cần tích cực hơn nữa trong việc tham gia triển khai các chương trình bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, chú trọng cung ứng hàng hóa cho các vùng bị thiệt hại do bão, lũ thời gian vừa qua với số lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm. Bởi chỉ khi có sự chủ động của các DN cùng sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng mới có thể góp phần giúp thị trường lành mạnh hơn, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để người dân yên tâm tận hưởng Tết Nguyên đán an toàn, tiết kiệm, vui tươi.

MINH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/binh-on-thi-truong-hang-hoa-dip-tet-635017/