Bình Phước 25 năm hành trình khát vọng vươn lên - Kỳ 4

TIỀM NĂNG VÀ NHỮNG BỨT TỐC CHIẾN LƯỢC

BPO - Có thể khẳng định rằng, tuy không có lợi thế để đi trước trên con đường công nghiệp hóa như Bình Dương và một số địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng với xuất phát điểm của một địa bàn vùng sâu, vùng xa với muôn vàn khó khăn về kinh tế - xã hội, có được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 con số trong suốt 15 năm qua (giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 26%/năm; giai đoạn 2011-2015 tăng 11,6%/năm và giai đoạn 2016-2021 tăng 13,14%/năm), cùng hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống người dân như hiện nay rõ ràng đó là sự phát triển khá ấn tượng của Bình Phước.

Với diện tích tự nhiên 6.886,6km2, dân số khoảng 1 triệu người, là địa phương có diện tích lớn nhất ở phía Nam và có đến 90% diện tích đất nông nghiệp, Bình Phước vẫn đang có lợi thế là nơi dự trữ cho “hành lang công nghiệp” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong những năm tới. Do đó, nếu xét về tiềm năng và triển vọng phát triển thì Bình Phước có nhiều cơ hội để có sự tăng trưởng bứt phá, rút ngắn khoảng cách so với các địa phương khác trong vùng, khẳng định vị trí trong một số ngành kinh tế trọng yếu của nước ta. Tuy nhiên, làm thế nào để chuyển vùng đất dự trữ đầy tiềm năng này thành động lực phát triển mới chính là điều quan trọng nhất hiện nay.

Tôi xin chia sẻ “4 nhóm giải pháp mang tính đột phá” nhằm tận dụng thời cơ để mở rộng các khu công nghiệp (KCN); đón sự di chuyển của các dòng đầu tư mới và khai thác thế mạnh về nông nghiệp, hình thành các “cứ điểm nông - công nghiệp”:

Thứ nhất: Phải thể hiện khát vọng phát triển của Bình Phước thông qua những nỗ lực thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo nên làn sóng đầu tư chưa từng có ở Bình Phước.

Tôi cho rằng, trong 10 năm tới động lực tăng trưởng kinh tế chính của Bình Phước vẫn là thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các KCN và xây dựng các “cứ điểm nông - công nghiệp” trên những địa bàn trọng điểm nông nghiệp.

Để có sự bứt phá, Bình Phước phải chú trọng xây dựng nền hành chính phục vụ, chính quyền thực sự là “bà đỡ” cho thị trường. Trong ảnh: Cán bộ Công an tỉnh trực giải quyết hồ sơ cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Các KCN đang hoạt động hiện nay ở Bình Phước tuy đã lấp đầy nhưng khá khiêm tốn, còn các KCN mới thành lập có nhiều triển vọng như Becamex, Tân Khai, Việt Kiều… vẫn đang kỳ vọng thu hút các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, theo dự kiến quy hoạch phát triển các KCN và KCN trong khu kinh tế đến năm 2030 dự kiến khoảng 18.000 ha, nếu thực hiện được sẽ đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp có vị trí quan trọng đối với cả vùng Đông Nam Bộ.

Hiện nay, tuy hệ thống giao thông kết nối giữa Bình Phước với TP. Hồ Chí Minh - “hạt nhân” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cụm cảng biển số 5 (TP. Hồ Chí Minh và Cái Mép - Thị Vải - Bà Rịa - Vũng Tàu…) chưa thuận lợi, nhưng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nội tỉnh đã cải thiện đáng kể. Đặc biệt, những ưu đãi về giá đất, thuế các loại… đang tạo ra những lợi thế nhất định để Bình Phước thu hút đầu tư.

Với cơ hội từ các Hiệp định FTA song phương và đa phương mang lại, các nhà đầu tư đang tìm kiếm những địa bàn có lợi thế sản xuất hàng xuất khẩu, so với các địa phương lận cận, Bình Phước cần xem đây là cơ hội vàng. Do đó, tỉnh cần chủ động mời gọi các nhà đầu tư chiến lược thông qua nhiều hình thức. Ngay trong năm 2022, nên tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư tại tỉnh; chủ động mời hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam tham gia cùng các hiệp hội doanh nghiệp trong nước. Chính quyền phải chủ động phối hợp với nhà đầu tư hạ tầng các KCN tổ chức xúc tiến đầu tư; kèm theo những cam kết của chính quyền về chính sách hỗ trợ, những ưu đãi và sự đồng hành trong suốt quá trình đầu tư kinh doanh.

Trong từng lĩnh vực cần chuẩn bị những dự án mang tính đột phá, mở đường để tập trung mời gọi các nhà đầu tư chiến lược thực hiện. Ví như trong ngành du lịch, cần xây dựng một tổ hợp giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp ở địa bàn có lợi thế về điều kiện tự nhiên để biến Bình Phước thành “điểm đến” cho du khách. Dĩ nhiên phải mời gọi cho được nhà đầu tư đủ tầm làm “con sếu đầu đàn”.

Thứ hai: Phải xây dựng nền hành chính phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế và chính quyền phải là người thực sự đồng hành với doanh nghiệp.

Cần truyền khát vọng phát triển từ lãnh đạo đến cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đồng thuận cả về mục tiêu phát triển và giải pháp thực thi. Sự minh bạch trong công tác quy hoạch, các quyết định đầu tư, sự lựa chọn nhà đầu tư, chính sách ưu đãi… sẽ tạo cơ sở cho sự đồng thuận khi thực thi. Chú trọng tạo niềm tin đối với doanh nghiệp và người dân về lợi ích phát triển và sự công tâm của bộ máy chính quyền. Phải chứng minh cho người dân thấy lợi ích khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi nghề nghiệp ở các vùng dự án, các địa bàn xây dựng cứ điểm nông - công nghiệp.

Tập trung đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân ở các vùng dự án. Vấn đề quan trọng nhất đối với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa là làm sao chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân, tạo đời sống ổn định thông qua việc làm ổn định. Xây dựng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và trách nhiệm cộng đồng của người dân. Trọng tâm hướng tới là nền hành chính phục vụ, chính quyền thực sự đóng vai trò “bà đỡ” cho thị trường.

Thứ ba: Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Về nguồn nhân lực, dự báo thị trường nhân lực chất lượng cao sẽ cạnh tranh gay gắt trong thời gian tới, cả doanh nghiệp trong nước lẫn FDI và Bình Phước sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh thu hút nhân lực chất lượng cao. Để tạo ra nguồn cung lao động tại chỗ, cần có sự chủ động và tích cực trong việc liên kết đào tạo với các trường đại học trong vùng… Ưu tiên 2 lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; gắn cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Có chính sách ưu tiên đào tạo lao động trình độ trung cấp và nghề. Xây dựng tinh thần “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” trong các tầng lớp dân cư.

Bên cạnh đó, Bình Phước cần nghiên cứu chính sách thu hút lao động chất lượng cao, trong đó cần quan tâm đến chất lượng công chức, viên chức của tỉnh. Nghiên cứu chính sách thu hút lao động trở về tỉnh.

Thứ tư: Ưu tiên xây dựng kết nối các hành lang kinh tế của tỉnh và hệ thống giao thông kết nối tứ giác kinh tế: Bình Dương - TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, khai thông hệ thống logistics.

Để Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn cần ưu tiên đầu tư xử lý những điểm nghẽn giao thông, nếu gia tăng nhịp độ hoạt động kinh tế. Trong đó, chú trọng đầu tư mạng lưới giao thông kết nối với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, trong tương lai thêm Sân bay Long Thành và hệ thống cảng biển số 5. Hệ thống giao thông nội tỉnh kết nối TP. Đồng Xoài - TX. Phước Long và TX. Bình Long không chỉ tạo sức bật cho “tam giác kinh tế” này mà còn tạo tiền đề quan trọng để khai thác quỹ đất nông nghiệp đầy tiềm năng ở phía Bắc tỉnh.

Trước mắt cần nghiên cứu hệ thống giao thông kết nối với đường vành đai 3 của vùng (vành đai 3 không đi qua Bình Phước). Đây là vấn đề khó vì cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của tỉnh Bình Dương và tùy thuộc vào hệ thống giao thông của tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, khi đường vành đai 3 hình thành sẽ khai thông tốt hơn cho cả Bình Dương và Bình Phước về logistics kết nối với hệ thống cảng biển và cảng hàng không của vùng. Trong dài hạn cần chủ động phối hợp với hội đồng vùng trong việc xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng, trong đó có đường vành đai 4; đường cao tốc Sài Gòn - Lộc Ninh theo quy hoạch.

Hiện nay, điểm nghẽn lớn nhất của Bình Phước chưa hấp dẫn các nhà đầu tư là hệ thống giao thông kết nối với cảng biển và cảng hàng không quốc tế, nhưng với lợi thế về quỹ đất công nghiệp và thế mạnh về nông nghiệp, nếu giải quyết tốt hơn về thể chế, nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh địa phương thì vẫn tạo được sự hấp dẫn cần thiết để thu hút đầu tư.

Có thể khẳng định, những thành quả về kinh tế - xã hội Bình Phước có được hiện nay là giai đoạn chuẩn bị; trong 4 năm tới là giai đoạn khởi động và sau năm 2025 là thời kỳ tăng tốc phát triển

Tiến sĩ Trần Du Lịch
Nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh,
nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/130229/binh-phuoc-25-nam-hanh-trinh-khat-vong-vuon-len-ky-4