Bình Phước cần mở ra dư địa cho phát triển các ngành công nghiệp mới

Bình Phước cần tạo đột phá đi lên từ khâu liên kết phát triển với vị trí kết nối Tây Nguyên với Đông Nam bộ, với TP. Hồ Chí Minh là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước tại trụ sở Chính phủ sáng ngày 14/1/2021. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và lãnh đạo nhiều Bộ, ngành Trung ương.

Báo cáo về phát triển kinh tế xã hội tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền nêu rõ, với nhiều giải pháp chủ động, đổi mới, hiệu quả trong quản lý, điều hành của UBND tỉnh ngay từ đầu năm 2020 nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được kết quả quan trọng và có nhiều điểm sáng với 21/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,51% thuộc nhóm cao của cả nước, thu ngân sách đạt 11.608 tỷ đồng, đạt 169% so với chỉ tiêu Trung ương giao và đạt 114% so với Nghị quyết HĐND tỉnh điều chỉnh.

Sản xuất công nghiệp tăng khá 12,5%, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 10,3%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,33% so với năm 2019, các hoạt động thương mại và dịch vụ đáp ứng tốt các yêu cầu phục vụ nhân dân, các hoạt động văn hóa xã hội đã làm tốt công tác chăm lo đời sống cho đồng bào nghèo và các đối tượng chính sách.

Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đúng theo yêu cầu Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Liên quan đến kế hoạch phát triển kỉnh tế - xã hội năm 2021, Bình Phước phấn đấu đạt tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,5 - 9% so với năm 2020; tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 29.000 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu: 3.100 triệu USD, tăng 9,2% so với năm 2020; thu ngân sách là 11.170 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2020; thu hút vốn đầu tư trong nước 10.000 tỷ đồng, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 200 triệu USD.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Bình Phước cần trở thành tỉnh có nhiều thương hiệu nông nghiệp

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Bình Phước cần trở thành tỉnh có nhiều thương hiệu nông nghiệp

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Bình Phước nêu một số kiến nghị như tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh làm đầu mối để triển khai khởi động các dự án giao thông kết nối liên vùng, như dự án đường cao tốc Chơn Thành - TP. Hồ Chí Minh; tuyến đường sắt xuyên Á, trước mắt giai đoạn 1 từ cảng Cái Mép đi Chơn Thành; dự án nâng cấp mở rộng ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và cảng Cái Mép, Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)... Tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép tỉnh bổ sung quy hoạch điện năng lượng mặt trời thêm 4.000 Mwp, trong đó sớm bổ sung vào quy hoạch điện VII là 1.200 Mwp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Bình Phước cần mở ra các dư địa cho phát triển các công nghiệp mới. Trong xuất khẩu, tỉnh có tăng rất cao là 7,3%, cao hơn mức bình quân của cả nước là 6,5% và như vậy, các giá trị sản phẩm của địa phương tiếp tục được củng cố nhất là nông sản chế biến, công nghiệp nhẹ, tiêu dùng. Đây cũng là định hướng để tiếp tục tăng cường năng lực sản xuất và khai thác, phát huy thêm các thị trường xuất khẩu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và lãnh đạo các Bộ tham dự buổi làm việc

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và lãnh đạo các Bộ tham dự buổi làm việc

“Chúng ta có cơ hội đến từ hàng loạt các FTA. Đây là những dư địa rất lớn để phát triển thị trường, sản phẩm của tỉnh. Vì vậy cần quan tâm tính bài bản, bền vững trong câu chuyện đưa đầu tư của doanh nghiệp vào để kết nối sản xuất và chế biến” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Về kiến nghị phát triển năng lượng, Bộ trưởng cho rằng, Bình Phước là một địa phương có bức xạ nhiệt thuộc hàng cao nhất cả nước. Đây là điều kiện tốt để phát triển điện mặt trời, điện tái tạo. Là địa phương tương đối gần vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh, đây là điều kiện tốt để cung cấp bảo đảm phụ tải khu vực trong điều kiện đầu tư tối thiểu về hạ tầng, góp phần tạo động lực phát triển cho Bình Phước.

Liên quan đến kiến nghị của tỉnh bổ sung thêm 4.000 Mwp, trong đó sớm bổ sung vào Quy hoạch điện VII là 1.200 Mwp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, vấn đề này cần cân đối để đưa vào Tổng sơ đồ VIII, dự kiến trình Chính phủ ngay trong tháng 1/2021.

Liên quan đến vấn đề phát huy hiệu quả của nhà đầu tư đường dây 220 KV để giải tỏa 2.000MW, phục vụ đấu nối điện của Dự án Lộc Ninh với hệ thống điện quốc gia, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương làm việc lại với Tập đoàn Điên lực Việt Nam (EVN) để nghiên cứu hai phương án: Một là cùng EVN tính toán lại cân đối khả năng để cho bổ sung quy hoạch, nâng cấp các đường dây và trạm biến áp để tiếp tục khai thác tốt tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn phục vụ cho phụ tải Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh.

Hai là để tranh thủ thời gian, xem xét thực hiện phương án thí điểm là Chính phủ thông qua việc giao tập đoàn tư nhân đầu tư trạm 500kv và hệ thống đường dây đồng bộ hóa trong giải tỏa công suất không chỉ của Lộc Ninh ở mức 800 MW mà cả giai đoạn sau là 1.200 MW. “Vấn đề này nếu Thủ tướng cho chỉ đạo, Bộ Công Thương sẽ làm việc với EVN để có khảo sát kỹ, tính toán làm việc với tỉnh, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, gợi mở định hướng phát triển của Bình Phước thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bình Phước cần hướng đến trở thành một tỉnh tiên phong đổi mới, giàu có của vùng Đông Nam bộ, dựa trên nền tảng nông nghiệp đa dạng, thông minh, nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao, tập trung sản xuất, chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn. Tỉnh phải là một địa phương có nhiều thương hiệu nông nghiệp Việt Nam nổi tiếng. Bên cạnh vấn đề nông nghiệp, tỉnh cần phát huy vai trò, tiềm năng là trung tâm năng lượng lớn của đất nước.

Một vấn đề được Thủ tướng đặc biệt quan tâm là Bình Phước cùng với sự hỗ trợ của Trung ương cần tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng thủy lợi. Bình Phước cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên hạ tầng giao thông.

Đặc biệt theo Thủ tướng, đột phá của Bình Phước nằm ở khâu liên kết phát triển, liên kết vùng và liên kết hạ tầng. Thủ tướng nói, lưu ý liên kết với Đông Nam bộ, đặc biệt liên kết với cảng Cái Mép - Thị Vải cũng như các sân bay.

Tỉnh giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, giữa Đông Nam bộ và Tây Nguyên và các nước Thái Lan, Campuchia. Do đó, cửa khẩu Hoa Lư phải giữ vai trò kết nối các tuyến du lịch quốc tế với các nước láng giềng.

Tỉnh phải nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh. Tập trung triển khai 10 dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lân thứ XI, bảo đảm người dân được thụ hưởng từ các dự án này.

Quy hoạch cần được đẩy mạnh, kể cả quy hoạch phát triển đô thị, nâng cao chất lượng các khu công nghiệp, khu nhà ở công nhân, quy hoạch phát triển kinh tế và văn hóa xã hội.

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh cần chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu lực, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Trước mắt tập trung thực hiện “mục tiêu kép” và Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ.

Cần nâng cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Với vị trí địa lý đặc thù, Bình Phước cần hết sức lưu ý, không được chủ quan, lơ là trong việc kiểm soát biên giới, tránh để dịch bệnh lây lan.

Về các kiến nghị cụ thể của tỉnh, Thủ tướng nhất trí giao tỉnh Bình Phước là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Chơn Thành - TP. Hồ Chí Minh theo hình thức PPP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể, kịp thời. Tỉnh lập dự án cụ thể trình Thủ tướng xem xét.

Về tuyến đường sắt xuyên Á, trước mắt giai đoạn 1 từ cảng Cái Mép đi Chơn Thành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu bổ sung trong quá trình lập quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia.

Về dự án nâng cấp mở rộng ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép, Thị Vải, Thủ tướng cho rằng đây là dự án cần thiết về liên kết vùng, tạo đột phá phát triển; yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất sớm phương án nâng cấp mở rộng ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-phuoc-can-mo-ra-du-dia-cho-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-moi-150948.html