Bình Phước có di chỉ tương tự thánh địa Cát Tiên

Năm 2004, trong quá trình công tác, cán bộ Bảo tàng tỉnh Bình Phước lúc bấy giờ là Phạm Hữu Hiến đang đi sưu tầm hiện vật tại Bù Đăng nhận được tin báo về việc có người dân phát hiện các hiện vật tương tự hiện vật đã được tìm thấy ở các di chỉ kiến trúc vùng Cát Tiên - Lâm Đồng. Căn cứ vào nguồn tin báo, cán bộ bảo tàng đã tiếp cận hiện vật và nắm bắt các thông tin liên quan.

Theo đó, hiện vật được một gia đình phát hiện tại thôn 5, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng. Ông Vũ Ánh Dương - người phát hiện trong quá trình canh tác trên mảnh vườn nhà, gồm có: Yoni: 1 chiếc - loại sinh thực khí thường được thờ ở các đền thờ Bà La Môn giáo đã phát hiện ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam như: Thánh địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam), huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), di chỉ Óc Eo ở tỉnh An Giang.

Các hiện vật được phát hiện tại thôn 5, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng

Các hiện vật được phát hiện tại thôn 5, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng

Yoni có chất liệu sa thạch (loại đá bùn), có dạng hình chữ nhật nhưng chênh lệch các cạnh không nhiều. Kích thước cạnh dài 56,6cm, rộng 55cm, phần bồn trũng rộng 44,6cm x 41cm, phần nhô ra dài 28cm. Giữa bồn trũng có lỗ trọn với đường kính trung bình khoảng 17cm. Về độ dày, Yoni được phát hiện ở Bình Phước tương đối mỏng, từ 4,45-5cm. Các nhà nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ lúc bấy giờ đánh giá các hiện vật trên là hiếm gặp, lần đầu được phát hiện tại Bình Phước.

Hiện vật thứ 2 là 1 viên đá mài có chất liệu sa thạch mịn (tức là dạng đá bùn). Viên đá có kích thước dài 27cm, rộng 6,5cm, cao 0,8cm. Trên các mặt đá có 3 vết mài khác nhau, trong đó có vết mài hình cánh cung, có hình dạng giống một phần của những khối đã có vết lõm được đặt trong lòng một số kiến trúc cổ ở huyện Cát Tiên.

Hiện vật thứ 3 là gạch với 2 viên có hình dáng và chất liệu tương đồng nhau, màu đỏ. So sánh với gạch đã được phát hiện tại di chỉ Cát Tiên, chúng tương đồng với gạch được phát hiện tại các gò 6A và 6B của di chỉ này.

Sau khi tiếp cận các hiện vật, cán bộ bảo tàng tiếp tục tiến hành khảo sát vị trí phát hiện hiện vật. Nơi phát hiện các hiện vật là một mỏm đồi cao phía hữu ngạn sông Đồng Nai, cách đường Sao Bọng - Đăng Hà khoảng 1km về phía Đông Bắc. Xác định đây là vị trí có nhiều điểm tương đồng với các vị trí phát hiện di chỉ ở huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, ngày 22-5-2005, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiến hành khảo sát một lần nữa. Bước đầu kiểm tra, đoàn khảo sát phát hiện những dấu tích nền móng của một công trình cổ. Qua đó, đoàn xác định đây là một điểm di chỉ khảo cổ có khả năng là đền thờ tín ngưỡng Bà La Môn. So sánh với những điểm tương đồng về chất liệu, màu sắc, hình dáng, kích thước, vị trí của di chỉ, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ xác định đây là di chỉ kiến trúc liên quan đến tín ngưỡng Bà La Môn, niên đại được ước đoán khoảng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X sau Công nguyên, thuộc nền văn hóa hậu Óc Eo.

Việc phát hiện hiện vật liên quan đến tín ngưỡng Bà La Môn ở Bình Phước là một điều rất ý nghĩa. Điều này không chỉ tạo nên mối liên hệ về lịch sử văn hóa vùng Đông Nam Bộ mà còn có ý nghĩa đối với Bình Phước. Phát hiện này góp phần làm phong phú lịch sử văn hóa của địa phương, đặc biệt là lịch sử giai đoạn từ thế kỷ I đến thế kỷ X trên địa bàn. Việc nghiên cứu sâu về di chỉ này sẽ góp phần làm phong phú thông tin lịch sử văn hóa của địa phương.

Hữu Hiến

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/136880/binh-phuoc-co-di-chi-tuong-tu-thanh-dia-cat-tien