Bình Phước: Để trái điều thật sự là 'trái điều vàng'
Bình Phước là thủ phủ cây điều của Việt Nam, cùng với cây cao su là hai loại cây trồng chủ lực, là mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Song, có một thực tế, trong khi thu hoạch trái điều, người ta chỉ lấy hạt, còn lại quả điều bị vứt bỏ như phế phẩm.
Một loại trái cây có nhiều công dụng đang bị bỏ rơi
Hạt điều là đặc sản của Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Nhưng từ trước đến nay, ít ai biết, chính trái điều (nhiều nơi còn gọi là đào lộn hột) bị vứt bỏ như phế phẩm ấy lại là thứ thực phẩm chứa rất nhiều chất bổ dưỡng có lợi cho sức khỏe con người.
Ông Đặng Hoàng Giang – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam – cho biết: “Tỉnh Bình Phước là thủ phủ của cây điều Việt Nam. Diện tích điều ở tỉnh Bình Phước chiếm khoảng 50% tổng diện tích điều cả nước. Nếu mỗi ha điều nếu thời tiết thuận lợi cho trung bình 2 tấn hạt điều dùng để chế biến – xuất khẩu, thì số lượng trái điều thu được khoảng 6 tấn. Tuy nhiên, do chưa có nguồn thu chế biến trái điều, nên hầu hết trái điều thu hoạch (sau khi nhà vườn lấy hạt) đều bị vứt bỏ ngay tại vườn”.
Thật vậy, trái điều rất mau hỏng, trong vòng 24 giờ không sử dụng vào việc gì, những trái điều bị vứt bỏ sẽ tự lên men, thối và hư hỏng.
Bà Đỗ Thị Lan – chủ vườn điều rộng 10 ha ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cho biết: “Vào vụ thu hoạch điều, mỗi ngày, gia đình tôi thu khoảng 100 kg hạt điều tươi, kèm theo đó là khoảng 250 – 300 kg trái điều chín căng mọng. Tuy nhiên, trái điều không biết dùng vào việc gì, chỉ biết đổ vào gốc cây làm phân bón”.
Thạc sĩ Nguyễn Phú Thương Nhân – công tác tại Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Trên thực tế, không thể phủ nhận trái điều có rất nhiều công dụng, thành phần dinh dưỡng trong trái điều cũng rất tốt cho sức khỏe con người, khi sử dụng trái điều như một loại thực phẩm Trái điều có thể dùng để sản xuất nước hoa quả, mứt, giấm ăn và khi công nghệ phát triển, thì các sản phẩm được chế biến từ quả điều ngày càng đa dạng. Nhiều quy trình đã được công nghiệp hóa để chuyển đổi quả điều thành một số sản phẩm như: nước trái cây, mứt, sirô...”.
Tiến sĩ ngôn ngữ học Hồ Xuân Mai (Viện khoa học xã hội miền Nam) nói: “Tôi đã nhiều lần về công tác ở tỉnh Bình Phước. Rong ruổi nhiều địa phương trong tỉnh như: thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long, thị xã Bình Long, huyện Bù Đăng...đâu đâu cũng rừng điều bạt ngàn. Mỗi mùa thu hoạch điều, lại chứng kiến hàng nghìn tấn trái điều vứt bỏ như phế phẩm mà thấy tiếc rẻ. Trái điều có nhiều công dụng, bổ dưỡng cho sức khỏe con người như thế, tại sao chưa thấy cá nhân, tổ chức nào có phương án thu mua, chế biến thành sản phẩm phục vụ cho con người?”.
Tại nhiều kết quả phân tích về mặt khoa học cho thấy, phần mềm mọng nước của trái điều chứa 10% đường, vitamin C với hàm lượng cao (261,5mg trong 100g phần ăn được), nhiều gấp 5-6 lần ở các loại trái cây như cam, chanh, chuối…
Tuy nhiên, một thực tế phũ phàng, vẫn chưa có đơn vị nào thật sự quan tâm, đầu tư vào chế biến loại trái cây đặc sản này của tỉnh Bình Phước thành một loại hàng hóa để kinh doanh. Từng có một vài cá nhân, tổ chức đã chế biến trái điều thành một số thực phẩm, nước uống, nhưng chỉ mới dừng ở cấp độ thử nghiệm đơn lẻ, rồi thôi.
Và, nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, hàng năm, hàng trăm nghìn tấn trái điều sau thu hoạch vẫn bị… ruồng bỏ như một loại phế phẩm, vứt đầy vườn, sau mỗi vụ thu hoạch hạt điều nhân.
Dòng sản phẩm từ thịt trái điều, tại sao không?
Theo ông Đặng Văn Hà, cán bộ Trung tâm khoa học – công nghệ tỉnh Bình Phước: “Hiện nay, thị trường các sản phẩm chế biến từ thịt trái điều chín vẫn chưa được khai thác. Về mặt công nghệ chế biến thực phẩm, chúng ta hoàn toàn “khử” được hàm lượng tannin tồn dư trong trái điều, khiến trái điều mau hư hỏng; vẫn đảm bảo nguyên vẹn các loại chất dinh dưỡng để có thể sau đó, chế biến trái điều thành các loại thực phẩm, nước uống… có lợi cho sức khỏe con người”.
Những năm trước đây, tỉnh Bình Phước đã triển khai một số đề tài nghiên cứu về trái điều nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm này trong công nghiệp chế biến thực phẩm như: rượu vang, giấm điều, mứt điều… Tuy nhiên, những nghiên cứu này vẫn còn hạn chế, nguyên nhân chính là không thể loại trừ triệt để hàm lượng tanin tồn dư trong dịch quả.
Trái điều chín mọng có chứa hơn 80% dịch quả, hàm lượng đường khử chiếm khoảng 10%. Song, trong dịch quả trái điều còn tồn dư chất polyphenol gây ra vị chat, đắng gắt trong mỗi trái điều. Chính điều này, khiến cho trái điều không trở thành loại trái cây thương mại như các loại trái cây khác.
Để trái điều thật sự là “trái điều vàng”
Nhằm khắc phục hạn chế trên và quyết tâm đưa trái điều trở thành loại nguyên liệu phổ biến dùng cho chế biết thực phẩm. Mới đây, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bình Phước đã triển khai chương trình hợp tác với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh).
Theo đó, tỉnh Bình Phước và Trường Đại học Nguyễn Tấn Thành sẽ cùng thực hiện Dự án “ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất thực nghiệm các sản phẩm có giá trị gia tăng từ thịt trái điều tại tỉnh Bình Phước”.
Các chuyên gia khoa học của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành sẽ nghiên cứu đề án loại bỏ chất gây chát trong trái điều. Sau khi chất gây chát được loại bỏ, trái điều sẽ được chế biến thành 3 sản phẩm: mứt điều sấy dẻo, bột điều hòa tan và nước ép điều. Với 3 mục tiêu của dự án.
Một là: Nghiên cứu công nghệ sơ chế, bảo quản quả điều tươi và dịch ép từ thịt trái điều, sấy và bảo quản trái khô phù hợp với nhu cầu phục vụ chế biến.
Hai là: Nghiên cứu công nghệ loại bỏ các chất không phù hợp; xây dựng mô hình công nghệ, thiết bị sản xuất sản phẩm mứt điều, bột dinh dưỡng và nước giải khát quả điều.
Ba là: Khảo sát và đánh giá chất lượng sản phẩm theo thị hiếu của người tiêu dùng và theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Ông Bùi Văn Hiếu – Phó Chủ tịch huyện Phú Riềng, cho rằng: “Dư địa phát triển ngành chế biến thực phẩm từ nguyên liệu trái điều ở tỉnh Bình Phước là rất lớn. Thời gian tới, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp quan tâm tới ngành điều, từng thành công với các dự án, nhà máy chế biến – xuất khẩu hạt điều, sẽ không bỏ qua trái điều.
Việc các tổ chức, doanh nghiệp thật sự chú tâm nghiên cứu, phát triển các loại sản phẩm từ trái điều sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, tăng thêm thu nhập cho hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng điều ở tỉnh Bình Phước. Chắc chắn trái điều sẽ không còn bị ruồng rẫy như một loại phế phẩm bỏ đi, mà trái điều thật sự là “trái điều vàng” xóa đói giảm nghèo cho nông dân Bình Phước”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/binh-phuoc-de-trai-dieu-that-su-la-trai-dieu-vang.html