Bình Phước: Hội viên nòng cốt người dân tộc thiểu số tích cực tham gia thực hiện Dự án 8
Theo Hội LHPN tỉnh Bình Phước, hội viên nòng cốt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn đang rất tích cực tham gia các nội dung của Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em'.
Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới thuộc khu vực miền Đông Nam bộ có 7 huyện, 3 thị xã, 1 thành phố với 111 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 15 xã biên giới; 58 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 25 thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.
Những năm qua, kinh tế, đời sống của hội viên phụ nữ nói chung và hội viên phụ nữ là người dân tộc, tôn giáo nói riêng tương đối ổn định. Các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh Bình Phước tích cực, chủ động tổ chức các chương trình hoạt động chăm lo đời sống cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là hội viên phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số và tín đồ tôn giáo dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực này, đặc biệt là thông qua vai trò của các hội viên nòng cốt và người có uy tín là đồng bào dân tộc thiểu số và các tín đồ tôn giáo.
Tỉnh Bình Phước có dân số hơn 1 triệu người với 41 thành phần dân tộc cùng sinh sống đan xen trên địa bàn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 203.500 người (chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh).
Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, Hội LHPN tỉnh Bình Phước có 20.106 hội viên nòng cốt (chiếm 12% tổng số hội viên toàn tỉnh), trong đó có 3.583 hội viên nòng cốt là đồng bào dân tộc thiểu số, 2.813 hội viên nòng cốt là tín đồ tôn giáo. Đội ngũ hội viên nòng cốt đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng phong trào phụ nữ vững mạnh; là đội ngũ tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, các hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ tại địa phương. Đặc biệt đối với những vùng đồng bào dân tộc thiểu, vùng dân tộc tôn giáo, đội ngũ hội viên nòng cốt dân tộc, tôn giáo chính là "cánh tay phải", "trợ thủ đắc lực" của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở trong việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, các phong trào, hoạt động của Hội đến các tầng lớp trên địa bàn tỉnh.
Bà Lê Thị Thái Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay, hội viên nòng cốt là người dân tộc thiểu số, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm. Lực lượng hội viên nòng cốt cùng gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, hoạt động Hội. Đặc biệt, từ đội ngũ này đã tích cực vận động hội viên phụ nữ hưởng ứng, đồng thuận thực hiện chủ trương của địa phương, của các cấp Hội về các đề án, dự án. Đặc biệt là tham gia các nội dung của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" giai đoạn I, từ 2021-2025.
Theo bà Thanh, việc phát huy vai trò của hội viên nòng cốt là người dân tộc thiểu số, tôn giáo được các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thông qua việc thành lập các mô hình, câu lạc bộ. Hiện nay trên toàn tỉnh có hơn 30 mô hình, câu lạc bộ liên quan đến phụ nữ dân tộc, tôn giáo. Tiêu biểu như mô hình điểm sáng biên giới; phụ nữ dân tộc tham gia bảo vệ an ninh biên giới; phụ nữ Khmer giúp nhau phát triển kinh tế… Đặc biệt là các mô hình mới được củng cố hoặc thành lập khi triển khai thực hiện Dự án 8 như "Tổ truyền thông cộng đồng"; mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng". Ban Chủ nhiệm, dẫn chương trình viên và thành viên của các mô hình, câu lạc bộ trên phần đông là các già làng, người có uy tín, hội viên nòng cốt là người dân tộc thiểu số, tôn giáo.
Thông qua hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng và địa chỉ tin cậy cộng đồng đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới; vai trò trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của phụ nữ trong việc tham gia phát triển kinh tế, đóng góp và sử dụng thu nhập của gia đình; quyền quyết định các vấn đề trong gia đình; bạo lực trong gia đình và độ tuổi kết hôn đúng… Từ đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cũng như xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng của hội viên, phụ nữ và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong hoạt động Dự án 8 thời gian qua, hội viên nòng cốt là người đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng tích cực tham gia các hoạt động và là lực lượng đi vận động, tuyên truyền hội viên, nhân dân, trẻ em là người dân tộc thiểu số tham gia các nội dung, hoạt động do Hội LHPN các cấp tổ chức. Nhờ đó các hoạt động Dự án 8 đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Phước cho biết, bên cạnh việc nâng cao năng lực cho đội ngũ hội viên nòng cốt, đặc biệt hội viên nòng cốt là đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo được Ban Thường vụ Hội LHPN các cấp thực hiện thường xuyên. Hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN các cấp đều chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng hội viên nòng cốt; ưu tiên vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Thường xuyên phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, đặc biệt là cập nhật, phổ biến kiến thức mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Hội cấp trên có liên quan đến đối tượng cần tuyên truyền, vận động và kỹ năng vận động tập hợp quần chúng.
Nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của hội viên nòng cốt là người đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của hội viên nòng cốt là người dân tộc, tôn giáo trong công tác vận động, phát huy vai trò hội viên nòng cốt là người dân tộc, tôn giáo phục vụ thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, xây dựng đội ngũ hội viên cốt cán đảm bảo chất lượng, có tâm huyết, nhiệt tình với tổ chức Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương và hiểu rõ về nội dung bình đẳng giới. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ hội viên nòng cốt, kịp thời đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện và động viên tình thần cho lực hội viên nòng cốt tích tham gia phong trào và hoạt động Hội để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội LHPN cấp cơ sở và phong trào phụ nữ; góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, góp phần trong việc thực hiện bình đẳng giới.