Bình Phước mạnh tay xử lý 'tín dụng đen'
Thời gian gần đây, tình trạng 'tín dụng đen' len lỏi từ thành thị đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Bình Phước, gây nên nguy cơ đẩy hàng trăm gia đình nghèo đến chỗ trắng tay, nợ nần chồng chất. Ðể bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ người dân không 'sập bẫy tín dụng đen', Công an tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa và trấn áp loại tội phạm này.
Thời gian gần đây, tình trạng "tín dụng đen" len lỏi từ thành thị đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Bình Phước, gây nên nguy cơ đẩy hàng trăm gia đình nghèo đến chỗ trắng tay, nợ nần chồng chất. Ðể bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ người dân không "sập bẫy tín dụng đen", Công an tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa và trấn áp loại tội phạm này.
Cảnh giác với lời mời chào cho vay tiền
Ði dọc các tuyến đường liên ấp, liên xã thuộc các huyện: Lộc Ninh, Bù Ðốp, Bù Gia Mập… đâu đâu cũng bắt gặp tờ rơi quảng cáo dán từ cột điện, gốc cây đến các bức tường công trình công cộng, bến xe… với thông tin hấp dẫn về hạn mức cho vay, thời gian giải ngân và thủ tục dễ dàng, nhanh gọn. Mặc dù lực lượng công an phối hợp các hội, đoàn thể tổ chức nhiều đợt tẩy xóa, bóc gỡ tờ rơi liên quan hoạt động "tín dụng đen", nhưng các đối tượng chuyên cho vay tiền đã tiếp cận người dân thiếu hiểu biết, những thanh niên cần tiền để cho vay với lãi suất rất cao.
Tại xã Bù Gia Mập, huyện biên giới Bù Gia Mập, có hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó phần đông người dân ít va chạm, chủ yếu sống nhờ vào cây cao-su, điều, tiêu, cà-phê... Những năm gần đây, giá nông sản giảm cộng với dịch bệnh phá hoại cây trồng… khiến đời sống người dân khó khăn. Lợi dụng tình hình trên, các đối tượng chuyên cho vay nặng lãi tiếp cận người dân để dụ dỗ vay tiền bằng nhiều hình thức. Cách đây ba năm, ông Ðiểu Phăn (thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập) vay 160 triệu đồng với lãi suất 4.000 đồng/1 triệu/ngày (tương đương mức lãi suất 12%/tháng, và 144%/năm). Thời gian đầu, cứ mười ngày đối tượng cho vay thu tiền lãi một lần. Sau này ông Ðiểu Phăn không còn khả năng trả lãi nên "lãi mẹ đẻ lãi con". Ðến nay nợ thành 1,6 tỷ đồng, ông mất khả năng trả nợ. Cần tiền đầu tư vườn điều và chi phí sinh hoạt trong gia đình, chị Thị Lợi (thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập) vay 50 triệu đồng với lãi suất 15%/tháng (5.000 đồng/1 triệu/ngày). Ðến hạn trả gốc, chị không có tiền trả nên tiếp tục vay "tiền nóng" trả nợ. Ðến nay, tổng số tiền cả gốc lẫn lãi chị phải trả lên đến 790 triệu đồng…
Khảo sát địa bàn huyện biên giới Lộc Ninh, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động "tín dụng đen" gần đây có chiều hướng phức tạp, gây ảnh hưởng an ninh trật tự tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 100 người trở thành nạn nhân của hoạt động "tín dụng đen". Nhiều người trở nên trắng tay, kiệt quệ về kinh tế, mất đất, mất nhà, gia đình ly tán.
Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm
Trước tình hình trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước đã tham mưu UBND tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 4-4-2019 về việc đấu tranh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động "tín dụng đen". Công an tỉnh xây dựng kế hoạch và chủ động mở các đợt truy quét, tiến công trấn áp các loại tội phạm thuộc lĩnh vực này.
Theo thống kê của Công an tỉnh, từ cuối năm 2018 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ đã đấu tranh, triệt phá 32 vụ với 48 đối tượng liên quan "tín dụng đen"; qua đó khởi tố, điều tra 16 vụ với 25 bị can. Trong đợt cao điểm (từ 10-9 đến 10-10) vừa qua, lực lượng công an triệt phá bảy vụ với 14 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng. Như vụ án điển hình liên quan "tín dụng đen" được Công an tỉnh Bình Phước phối hợp Công an TP Ðồng Xoài triệt phá, khi Trần Ngọc Khương (30 tuổi) và Trần Ðăng Khoa (34 tuổi) cùng thường trú huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, tạm trú tại phường Tân Phú, TP Ðồng Xoài đang nhận tiền gốc và lãi của người vay trong một quán cà-phê tại phườngTân Thiện, TP Ðồng Xoài vào ngày 26-9-2019. Ðấu tranh mở rộng, lực lượng chức năng phát hiện thêm ba đối tượng cùng băng nhóm và rất nhiều giấy tờ, tài liệu, sổ sách, phương tiện liên quan. Ngoài ra, tang vật còn có cả dao, kiếm và vũ khí thô sơ. Theo tài liệu điều tra, từ số vốn ban đầu cho vay khoảng 700 triệu đồng, sau hơn một năm hoạt động, số vốn của nhóm đã tăng lên hơn 5 tỷ đồng với hơn 900 người vay, địa bàn hoạt động tại Bình Phước, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Tại cơ quan điều tra, nhóm này khai nhận: Tiền cho khách hàng vay nếu tính theo lãi ngày từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay, tức lãi từ 131% đến 365%/tháng.
Tại huyện biên giới Lộc Ninh, Công an huyện Lộc Ninh đã phát hiện bắt giữ bốn vụ với sáu đối tượng thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, trong đó đã khởi tố điều tra ba vụ với năm bị can. Cụ thể như, Phan Văn Hoàng và Phạm Tiến Hiệp (cùng trú tại thôn 1, xã Nam Dong, huyện Cư Jut, tỉnh Ðắk Lắk) đến tạm trú tại thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước và thực hiện hành vi cho vay lãi nặng ở các huyện Chơn Thành, Hớn Quản, thị xã Bình Long và huyện Lộc Ninh. Hoàng cho vay trả góp với các gói vay trong 24 ngày, 31 ngày và 41 ngày với số tiền vay từ hai đến 20 triệu đồng cùng lãi suất từ 18% đến 25% /tháng (tức 216% đến 300%/năm) đối với mỗi hợp đồng vay. Riêng tại huyện Lộc Ninh, Hoàng đã sử dụng số tiền 1,6 tỷ đồng cho vay 207 lần và thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tránh xa những quảng cáo kêu gọi vay vốn ưu đãi tại các thông báo, tờ rơi dán nơi công cộng; không trả lời hoặc dứt khoát từ chối lời mời chào, tư vấn qua tin nhắn, cuộc gọi. Cần tìm hiểu rõ về thủ tục vay tại các tổ chức tín dụng uy tín, có hợp đồng pháp lý rõ ràng. Trong trường hợp "sập bẫy tín dụng đen", các nạn nhân cần hợp tác với cơ quan chức năng để can thiệp, kịp thời ngăn chặn hậu quả xấu xảy ra.