Bình Phước năm 2024: Một số kết quả phát triển nổi bật
Khép lại năm 2024, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình diễn biến bất thường, phức tạp vượt mọi dự báo trước đó. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh và nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Bình Phước đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật.
Xây dựng Đảng, phát triển đảng viên với nhiều kết quả ấn tượng
Năm 2024, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh về tư tưởng, chính trị, đạo đức và tổ chức. Nổi bật là công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Toàn đảng bộ kết nạp được 1.223 đảng viên, đạt 107,13% kế hoạch. Thành lập được 12 tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Đến nay, toàn tỉnh có 59 tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân.
Công tác chính trị, tư tưởng được chú trọng, cấp ủy các cấp đã bám sát định hướng chính trị, chủ động nắm bắt tình hình, định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Công bố và trao quyết định thành lập Chi bộ Công ty cổ phần Sản xuất, dịch vụ và thương mại Phúc Thịnh - Ảnh: Như Nam
Xây dựng, hoàn thiện thể chế xứng tầm với các đột phá chiến lược
Năm 2024, HĐND tỉnh tổ chức thành công 7 kỳ họp, trong đó có 5 kỳ họp chuyên đề, 2 kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm 2024. Các kỳ họp thông qua 71 nghị quyết quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, tạo hành lang pháp lý để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với tỉnh và Chính phủ, tham gia tích cực vào công tác lập pháp, quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như mong mỏi của cử tri.
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp thứ 18 năm 2024 - Ảnh: Trương Hiện
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu Đông Nam Bộ và thứ 11 cả nước
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 9,32% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra - đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 so với cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. GRDP bình quân đầu người ước đạt 108,40 triệu đồng, tăng 13,4% so với năm 2023.
Khu công nghiệp Becamex Bình Phước góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh - Ảnh: Phú Quý
Thành tựu quan trọng trong đối ngoại, hội nhập
Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, bài bản, liên tục, thành công toàn diện và là điểm sáng nổi bật của năm 2024, với sự kết hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả của đối ngoại Đảng, ngoại giao của chính quyền và đối ngoại nhân dân. Bình Phước đã tổ chức thành công 42 đoàn đi nước ngoài làm việc, xúc tiến đầu tư, thương mại với các tập đoàn, hiệp hội, nhà đầu tư lớn; đón tiếp 71 đoàn với 661 lượt người nước ngoài vào thăm và làm việc tại tỉnh.
Nhiều kết quả nổi bật trong công cuộc chuyển đổi số
Chương trình tổng thể cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, có hiệu quả; trong đó tập trung cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính. Các chỉ số đánh giá năng lực, chuyển đổi số của tỉnh được cải thiện, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP năm 2024 ước đạt 10%; Bình Phước đạt giải Chính quyền số xuất sắc ASOCIO 2024. Đây là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân Bình Phước trong công cuộc chuyển đổi số, khẳng định vị thế và cam kết của tỉnh trong việc xây dựng một chính quyền hiện đại, minh bạch và gần gũi với nhân dân.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công bố
Cuối năm 2024, Bình Phước tổ chức thành công lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh có tính khoa học, chất lượng, thể hiện khát vọng vươn lên phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, Bình Phước xác định các đột phá phát triển gồm: ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thương mại cửa khẩu, khu - cụm công nghiệp, hạ tầng số; ưu tiên đào tạo lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ, quy mô phát triển khu công nghiệp đạt 18.105 ha.
Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả ấn tượng
Công tác quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư và mời gọi, xúc tiến đầu tư vào tỉnh tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Kết quả phát triển doanh nghiệp năm 2024 rất ấn tượng với hơn 1.246 doanh nghiệp thành lập mới. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được 35 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký mới đạt hơn 639 triệu USD, đạt 159,7% kế hoạch năm. Trong đó, Tập đoàn HAOHUA - Trung Quốc tiếp tục đầu tư thêm 280 triệu USD tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico (huyện Hớn Quản).
Trong năm 2024, tỉnh đã tổ chức thành công Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước, mở ra cơ hội lớn để Bình Phước tạo được đột phá, thay đổi diện mạo nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.
Hệ thống giao thông kết nối chuyển biến vượt bậc
Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông kết nối liên vùng. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.855 tuyến đường, với tổng chiều dài 9.110km. Cuối năm 2024 đã động thổ tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đây là tuyến giao thông quan trọng với tổng chiều dài hơn 60km, trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Phước là 6,6km, qua tỉnh Bình Dương 52,1km và Thành phố Hồ Chí Minh 1,7km. Sau khi hoàn thành sẽ kết hợp với tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) tạo thành các trục giao thông kết nối vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, khó khăn, người nghèo, người lao động được triển khai kịp thời, hiệu quả. Trong năm đã giải quyết việc làm cho 46.000 lao động, hỗ trợ tín dụng chính sách xã hội 276,2 tỷ đồng, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 0,22% với 648 hộ.
Năm 2024, Bình Phước đã tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang tính cộng đồng cao, góp phần gắn kết, nâng cao giá trị thương hiệu Bình Phước như: Giải vô địch quốc gia việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” lần thứ 29; Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”; Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II; các trận đấu của Câu lạc bộ Bóng đá Trường Tươi tại giải hạng nhất quốc gia 2024-2025. Bình Phước cũng đăng cai tổ chức thành công Giải bóng chuyền trẻ cúp các Câu lạc bộ quốc gia, Giải vô địch bơi, vovinam, taekwondo các lứa tuổi...
Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng - Ảnh: Đặng Hùng
Quốc phòng, an ninh được giữ vững ổn định
Năm 2024, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới tiếp tục được giữ vững, ổn định, không xảy ra tình huống phức tạp, bị động; công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đảm bảo chặt chẽ, đạt 100% chỉ tiêu giao.
Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội cơ bản được kiềm chế, lực lượng chức năng phối hợp, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Trật tự, an toàn giao thông đảm bảo, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí. Bình Phước tiếp tục tăng cường công tác kết nối, mở rộng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng và đối tác, địa phương tại Trung Quốc, Singapore.
Bộ đội biên phòng Bình Phước vững chắc tay súng bảo vệ bình yên tuyến biên giới - Ảnh: Xuân Túc