Bình Phước: Nhiều khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm

Sáng nay 8-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã làm việc với đại diện trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Theo báo cáo của các đơn vị, bên cạnh tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm như lao, sốt xuất huyết, sốt rét, HIV/AIDS… cũng đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chú trọng. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân, vấn đề này đang gặp những khó khăn, vướng mắc rất cần các cấp, ngành quan tâm vào cuộc giải quyết.

Đại diện các đơn vị nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch tại cuộc họp

Đại diện các đơn vị nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch tại cuộc họp

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, kết quả bước đầu từ dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin 2021-2023” đã giúp Bình Phước trở thành điểm sáng của cả nước về phòng chống sốt rét, khi số ca mắc từ đầu năm đến nay chỉ ở mức 1 con số. Thành phố Đồng Xoài và huyện Chơn Thành đang hoàn tất thủ tục gửi Sở Y tế trình Bộ Y tế công nhận, loại trừ bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương không được bằng lòng, tự mãn, vì nếu lơ là, dịch bệnh sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào.

Thành phố Đồng Xoài triển khai phun hóa chất phòng dịch sốt xuất huyết tại phường Tiến Thành

Thành phố Đồng Xoài triển khai phun hóa chất phòng dịch sốt xuất huyết tại phường Tiến Thành

Tại cuộc họp, các đơn vị cho biết, khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay là thiếu hóa chất khử khuẩn. Do đó, giải pháp tốt nhất được khuyến cáo là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống dịch. Cụ thể là phát quang bụi rậm, diệt lăng quăng, dọn dẹp các vật dụng đọng nước xung quanh nhà…

Các ý kiến cho rằng, lâu nay, thuốc điều trị bệnh lao được Nhà nước bao cấp, phát miễn phí cho người bệnh, nhưng sắp tới sẽ giao cho ngành bảo hiểm quản lý nên trung tâm y tế các địa phương phải linh động, phối hợp để tìm hướng giải quyết. “Đây được xem là giải pháp mang tính chiến lược lâu dài, tuy nhiên bước đầu việc triển khai sẽ gặp những khó khăn. Tình trạng người mắc bệnh lao đã quen với bao cấp, miễn phí, nay trong quá trình điều trị, nếu quy trình thăm khám không suôn sẻ rất dễ dẫn đến tình trạng người dân bỏ mặc, dẫn đến kháng thuốc, rất khó điều trị” - bác sĩ Chuyên khoa I Cao Văn Dũng, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm và HIV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ.

Người dân phường Tiến Thành (TP. Đồng Xoài) xử lý các vật dụng chứa nước quanh nhà để phòng dịch sốt xuất huyết

Người dân phường Tiến Thành (TP. Đồng Xoài) xử lý các vật dụng chứa nước quanh nhà để phòng dịch sốt xuất huyết

Việc giữ chân cán bộ, y, bác sĩ với ngành y tế nói chung và lĩnh vực y tế dự phòng nói riêng là hết sức cấp thiết. Theo Tiến sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: “Thời gian qua, tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ cán bộ đến nhân viên, người lao động ngành y tế đã rất áp lực, không ít người đã phải chuyển ngành hoặc ra làm tư nhân. Do đó, cần có các chính sách ưu đãi thiết thực; tạo môi trường làm việc thoải mái, khích lệ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần để các y, bác sĩ gắn bó lâu dài, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng hiệu quả nhất”.

Quốc Phong - Đức Hiển

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/14/136762/binh-phuoc-nhieu-kho-khan-trong-phong-chong-dich-benh-lay-nhiem